Một Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân ở Tây Ninh bị tạm đình chỉ công tác
- Pháp luật
- 12:05 - 13/12/2021
Báo Phap luật TP HCM đưa tin, ngày 12/12, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí ký quyết định về việc tạm đình chỉ công tác đối với công chức.Theo đó, Viện trưởng VKSND Tối cao tạm đình chỉ công tác đối với ông Tạ Hoàng Phi, Viện trưởng VKSND thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày 12/12 để tiến hành kiểm tra, xử lý dấu hiệu vi phạm.
Quyết định giao Chánh Thanh tra VKSND tối cao chủ động phối hợp với cấp thẩm quyền địa phương kiểm tra, xác minh xử lý nghiêm, kịp thời, đúng quy định của Đảng, pháp luật và của Ngành.
Đồng thời, quyết định giao Viện trưởng VKSND tỉnh Tây Ninh phân công 1 Phó Viện trưởng VKSND thị xã Trảng Bàng phụ trách đơn vị.
Cùng ngày, Viện trưởng VKSND Tối cao ký công văn yêu cầu Viện trưởng VKSND tỉnh Tây Ninh về trách nhiệm báo cáo công chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cụ thể là yêu cầu báo cáo đã làm hết trách nhiệm của mình chưa? Có tuân thủ đúng trình tự giải quyết đơn không? Tại sao không kịp thời báo cáo và ký do vì sao đến nay khi có yêu cầu mới báo cáo. Và cần kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của đồng chí Viện trưởng và những người được phân công (nếu có). Báo cáo gửi Viện trưởng VKSND tối cao trước ngày 17/12.
Theo báo Sài Gòn giải phóng, trước đó, chị P.T.V.V. (SN 1995, là chuyên viên VKSND thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) tố cáo ông Phi có hành vi sàm sỡ. Theo đơn tố cáo chị V. cho biết, khoảng 18h ngày 19/10, tại VKSND thị xã Trảng Bàng, chị có ngồi cùng ăn uống cùng ông Phi và một số người. Sau 30 phút, chị V. lên lầu 3 để làm việc.
Đến 21h cùng ngày, chị V. làm việc xong và đi xuống phòng để nghỉ ngơi. Khoảng 20 phút sau, chị mở cửa phòng ra ngoài uống nước thì gặp ông Phi kêu lại nói chuyện. Ông Phi nói chị vào phòng giúp ông chuyện này. Chị V. không nghĩ gì nên đồng ý, vì trước đó ông Phi hay nhờ chị dọn dẹp phòng ngủ.
Khi chị vào phòng, ông Phi đóng cửa lại và nói sợ người khác thấy chị V. vào phòng, mọi người sẽ bàn tán không hay. Tiếp đó, ông Phi nói là nhức đầu và nhờ chị V. bắt gió. Khoảng 5 phút sau, chị V. nói về phòng thì ông Phi có những hành động, cử chỉ thiếu chuẩn mực…
Chị V. không đồng ý nhưng ông Phi vẫn tiếp tục đụng chạm vào vùng nhạy cảm của chị này. Quá hoảng sợ, chị V. chống cự và năn nỉ ông Phi dừng lại. Khoảng 10 phút sau, chị V. đòi cắn lưỡi chết thì ông Phi mới chịu bỏ ra, rồi chị chạy về phòng. Khi về phòng, ông Phi gọi điện cho chị V. nói phải giữ im lặng, không được nói với ai.
Chị V. cho biết, trong lúc bị ông Phi khống chế thực hiện hành vi, chị có lấy điện thoại nhắn tin với ông T. với nội dung cầu cứu. Tuy nhiên, ông T. thời điểm đó bận chuyện nên không thấy tin nhắn của chị này. Sau khi chị về phòng, ông T. mới hỏi thì chị kể lại vụ việc.
Đến 10h ngày 20/10, ông Phi có điện thoại cho chị xuống phòng làm việc nói chuyện rằng: “Chuyện tối qua rất bình thường ngoài xã hội, sống để bụng, chết mang theo”. Khoảng 14 giờ cùng ngày, chị V. gặp đại diện Công đoàn trình bày lại toàn bộ vụ việc. Sau đó, chị V. cũng đã gửi đơn tố cáo tới VKSND tỉnh Tây Ninh cùng một số đơn vị.