THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:40

Một số thông tin về ngày Kỹ năng thanh niên thế giới năm 2023

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phát triển kỹ năng nghề đặc biệt là kỹ năng nghề cho thanh niên luôn là sự quan tâm hàng đầu của mọi quốc gia, của Liên hợp quốc và các cơ quan, tổ chức quốc tế khác. Theo thống kê của Liên hợp quốc, lao động trong độ tuổi thanh niên (từ 15 đến 24 tuổi) chiếm khoảng 16% lao động toàn cầu. Sự tham gia tích cực của lực lượng lao động này giúp cho xã hội phát triển đảm bảo tính bao trùm, ổn định và bền vững, giảm bớt những khó khăn, thách thức từ sự tác động của biến đổi khí hậu, thất nghiệp, đói nghèo, bất bình đẳng giới, xung đột và di cư. Chính vì vậy, tại phiên họp toàn thể vào ngày 18 tháng 12 năm 2014, Đại hội đồng Liên hiệp quốc nhất trí thông qua một nghị quyết về việc tuyên bố ngày 15/7 là ngày Kỹ năng thanh niên thế giới (World Youth Skills Day). Đây là được coi là sự kiện quan trọng đánh dấu sự quan tâm của toàn cầu đối với phát triển kỹ năng cho thanh niên. Mục đích của sự kiện này nhằm nâng cao nhận thức và thảo luận về tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp và phát triển các kỹ năng nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội các quốc gia và toàn cầu; đồng thời sẽ góp phần giảm thất nghiệp và thiếu việc làm trong giới trẻ trên toàn thế giới.

Liên hiệp quốc kêu gọi các quốc gia thành viên hằng nằm tổ chức các hoạt động kỷ niệm và hưởng ứng sự kiện này. Các sự kiện kỷ niệm Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới từ năm 2015 đã tạo cơ hội đối thoại giữa thanh niên, các tổ chức giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, cơ quan tuyển dụng lao động, cơ quan đại diện người lao động, các nhà hoạch định chính sách và các đối tác phát triển về ý nghĩa ngày càng tăng của kỹ năng nghề trong bối cảnh thế giới đang chuyển sang mô hình phát triển bền vững.

Chủ đề của Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới năm 2023 “Nâng tầm kỹ năng cho nhà giáo, người dạy nghề và thanh niên vì một tương lai chuyển đổi”  - “Skilling teachers, trainers and youth for a transformative future”. Chủ đề này nhấn mạnh vai trò thiết yếu của nhà giáo, người dạy nghề và các nhà giáo dục khác trong việc trang bị kỹ năng cho thanh niên để chuyển sang thị trường lao động và tham gia tích cực vào hoạt động cộng đồng và xã hội. Thông điệp của UNESCO về ngày Kỹ năng thanh niên thế giới năm nay là “chúng ta hãy cùng định hình một tương lại tươi sáng hơn để thanh niên không bị bỏ lại ở phía sau”.

Hưởng ứng Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới 15/7 năm nay, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tham mưu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, triển khai một số chủ trương, chính sách nhằm nâng tầm kỹ năng lao động cho người lao động nói chung và cho thanh niên nói riêng nhằm đáp ứng việc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vì một tương lai chuyển đổi, giúp tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của quốc gia trong tình hình mới. Cụ thể một số chủ trương, chính sách đã và đang thực hiện giúp nâng tầm kỹ năng cho người lao động nói chung và cho nhà giáo, người dạy nghề và thanh niên nói riêng vì một tương lai chuyển đổi như sau:

1. Tăng cường thực hiện đồng bộ, hiệu quả 5 trụ cột hệ sinh thái kỹ năng nghề, bao gồm: Chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề của người lao động; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Tuyển dụng, sử dụng lao động có kỹ năng nghề và nguồn lực kỹ thuật, tài chính giúp phát triển căn bản, toàn diện kỹ năng nghề cho người lao động, thanh niên.

2. Tăng cường chuẩn hóa kỹ năng nghề thông qua hoạt động ban hành, công bố Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho các nghề, theo đó ban hành, công bố các nhóm năng lực cơ bản giúp người lao động, thanh niên được trang bị các kỹ năng cơ bản, nền tảng, nhất là các kỹ năng xanh, kỹ năng số vì một tương lai chuyển đổi trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Các nhóm năng lực cơ bản bao gồm: ứng xử nghề nghiệp, thích nghi nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn lao động, rèn luyện thân thể, đạo đức nghề nghiệp.

3. Tăng cường năng lực hệ thống đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Nâng cao năng lực dự báo, thống kê về lao động có kỹ năng, nhất là những kỹ năng trong tương lai, những ngành, nghề mới; Khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng người lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật.

4. Đề xuất các giải pháp đồng bộ về giải pháp phát triển kỹ năng nghề cho lực lượng lao động với định hướng kết nối xuyên suốt từ giáo dục phổ thông, giáo dục sau phổ thông, trước và trong quá trình tham gia thị trường lao động gắn với nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động, chú trọng kỹ năng số, kỹ năng xanh trong lực lượng lao động.

5. Tham mưu phát triển Hội đồng kỹ năng nghề các cấp nhằm kết nối các bộ, ngành, các thành viên Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo và các đối tác liên quan từ cấp quốc gia, cấp ngành và cấp cơ sở trong việc đối thoại, phối hợp trong tham vấn, tư vấn và triển khai đồng bộ các chính sách về phát triển GDNN, phát triển kỹ năng nghề của lực lượng lao động theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

6. Xây dựng bộ chỉ số về phát triển kỹ năng nghề cho lực lượng lao động có thể so sánh với các quốc gia trên thế giới; đầy mạnh thi kỹ năng nghề các cấp; bổ nhiệm các đại sứ kỹ năng nghề và tuyên truyền ngày kỹ năng thanh niên thế giới, ngày kỹ năng lao động Việt Nam. 

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh