CHỦ NHẬT, NGÀY 08 THÁNG 09 NĂM 2024 08:43

Một số quy trình chủ yếu kiểm định kỹ thuật an toàn bình chịu áp lực

Empty

Công ty CP Quốc tế BHL Group huấn luyện ATVSLĐ tại Công ty TNHH may Man Seon Global, thị trấn huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Ảnh http://www.bhlgroup.vn.

Kiểm định bình chịu áp lực là một quy trình quan trọng để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong việc sử dụng bình áp lực và việc thực hiện đầy đủ quy trình sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ tai nạn và bảo vệ sức khỏe con người.

Việc sử dụng bình chịu áp lực không đúng cách hoặc bị hư hỏng có thể gây ra nguy hiểm cho con người và môi trường. Do đó, quá trình kiểm định bình chịu áp lực để nhận biết được các rủi ro và đảm bảo an toàn cho người lao động khi vận hành. Vì thế, việc sử dụng đúng cách và kiểm đinh an toàn định kỳ để phát hiện sớm các sự cố và hư hỏng có thể xảy ra là rất quan trọng để đảm bảo an toàn trong qua trình sử dụng.

Bình chịu áp lực

Bình chịu áp lực hay còn gọi thiết bị áp lực được hiểu là bất kỳ hệ thống hay thiết bị nào làm việc với chất lỏng hoặc chất khí có áp suất cao hơn áp suất khí quyển. Theo các quy phạm an toàn hiện nay, các thiết bị làm việc có áp suất lớn hơn 0,7 kG/cm2 và có tích số áp suất x thể tích (kG/cm2 x lít) tối thiểu bằng 200 thì sẽ được coi là thiết bị áp lực.

Nguyên nhân gây nổ bình chịu áp lực

- Có nhiều lý do dẫn đến sự nổ bình chịu áp lực. Một trong các nguyên nhân gây nổ bình có thể bao gồm:

+ Do chất lỏng hoặc khí được chứa trong bình bị nóng lên hoặc do bình (bị chắp vá, trầy xước hoặc hư hỏng), áp suất bên trong bình vượt quá giới hạn chịu được, bình có thể nổ. 

+ Nếu van xả áp suất không hoạt động đúng cách hoặc bị bít kín, áp suất trong bình có thể tăng lên quá mức cho phép, gây nổ bình.

+ Nếu chất lỏng hoặc khí được chứa trong bình không phù hợp với bình, chúng có thể gây hư hỏng hoặc nổ bình. Ví dụ, chứa khí hydro trong bình không phù hợp có thể gây cháy nổ.

+ Việc sử dụng sai cách hoặc không đúng cách cũng có thể dẫn đến nổ bình. Chẳng hạn như sử dụng bình quá áp suất hoặc để bình bị va chạm, trầy xước hoặc hư hỏng.

 Các nguy cơ khi sử dụng bình chịu áp lực

- Việc sử dụng bình chịu áp lực không đúng cách hoặc không an toàn có thể gây ra các nguy cơ sau:

+ Nổ bình được cho là nguy cơ lớn nhất khi sử dụng bình chịu áp lực. Nổ bình có thể gây ra chấn thương nghiêm trọng và gây nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng hoặc những người xung quanh.

+ Việc sử dụng bình chịu áp lực không đúng cách hoặc bị hư hỏng có thể dẫn đến rò rỉ khí hoặc chất lỏng. Điều này có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng và những người xung quanh, đặc biệt là trong những môi trường có nguy cơ cháy nổ.

+ Nếu chất lỏng hoặc khí được chứa trong bình chịu áp lực không phù hợp,  có thể dễ dàng bị cháy nổ trong những điều kiện nhiệt độ cao hoặc trong môi trường có nguy cơ cháy nổ.

+ Bình chịu áp lực được sử dụng không đúng cách hoặc không an toàn có thể gây hư hỏng thiết bị, làm giảm tuổi thọ của bình hoặc gây ra sự cố khó khắc phục.

Empty

Công ty CP Quốc tế BHL Group kiểm định bình chịu áp lực tại Công ty TNHH may Man Seon Global, thị trấn huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Ảnh http://www.bhlgroup.vn.

Các bước kiểm định

Khi kiểm định kỹ thuật an toàn bình chịu áp lực, tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn phải thực hiện lần lượt theo các bước sau:

- Kiểm tra hồ sơ, lý lịch bình chịu áp lực;

- Kiểm tra kỹ thuật bên ngoài, bên trong;

- Kiểm tra kỹ thuật thử nghiệm;

- Kiểm tra vận hành;

- Xử lý kết quả kiểm định.

Lưu ý: Các bước kiểm tra tiếp theo chỉ được tiến hành khi kết quả kiểm tra ở bước trước đó đạt yêu cầu. Tất cả các kết quả kiểm tra của từng bước phải được ghi chép đầy đủ vào bản ghi chép hiện trường theo mẫu qui định.

Điều kiện kiểm định

Khi tiến hành kiểm định phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

- Bình chịu áp lực phải ở trạng thái sẵn sàng đưa vào kiểm định.

- Hồ sơ, tài liệu của thiết bị phải đầy đủ.

- Các yếu tố môi trường, thời tiết không làm ảnh hưởng tới kết quả kiểm định.

- Các điều kiện về an toàn vệ sinh lao động phải đáp ứng để kiểm định bình chịu áp lực.

 Chuẩn bị kiểm định

Trước khi tiến hành kiểm định bình chịu áp lực phải thực hiện các công việc chuẩn bị sau:

- Thống nhất kế hoạch kiểm định, công việc chuẩn bị và phối hợp giữa tổ chức kiểm định với cơ sở, bao gồm cả những nội dung sau:

- Chuẩn bị hồ sơ tài liệu của bình.

- Tháo môi chất, làm sạch bên trong và bên ngoài bình.

- Tháo gỡ từng phần hoặc toàn bộ lớp bọc bảo ôn cách nhiệt nếu có dấu hiệu nghi ngờ kim loại thành bị hư hỏng (nếu có).

- Chuẩn bị các công trình đảm bảo cho việc xem xét tất cả các bộ phận của bình.

- Các bình đặt dưới mặt đất nếu khó xem xét thì phải đưa hẳn bình lên nếu được hoặc áp dụng các biện pháp khác phù hợp để kiểm tra.

- Bình có những bộ phận đốt nóng bằng điện hoặc có các bộ phận chuyển động thì phải tách ra khỏi bình.

- Đối với bình làm việc với môi chất độc, dễ cháy nổ phải tiến hành  khử môi chất trong bình, đảm bảo không ảnh hưởng cho người khi tiến hành công việc kiểm tra.

- Chuẩn bị điều kiện về nhân lực, vật tư phục vụ kiểm định; cử người tham gia và chứng kiến kiểm định.

- Kiểm tra hồ sơ, lý lịch bình chịu áp lực.

Căn cứ vào các hình thức kiểm định để kiểm tra, xem xét các hồ sơ, tài liệu kỹ thuật sau:

+ Khi kiểm định kỹ thuật an toàn lần đầu:

+ Kiểm tra lý lịch của bình chịu áp lực: Theo mẫu QCVN: 01-2008 – BLĐTBXH, lưu ý xem xét các tài liệu sau:

- Các chỉ tiêu về kim loại chế tạo, kim loại hàn;

- Tính toán sức bền các bộ phận chịu áp lực;

- Bản vẽ cấu tạo ghi đủ các kích thước chính;

- Hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng sửa chữa;

-  Hồ sơ xuất xưởng của bình chịu áp lực.

- Các chứng chỉ về kim loại chế tạo, kim loại hàn;

- Kết quả kiểm tra chất lượng mối hàn;

- Biên bản nghiệm thử xuất xưởng.

- Khi kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ:

+ Kiểm tra lý lịch bình chịu áp lực, biên bản kiểm định và phiếu kết quả kiểm định lần trước.

+ Hồ sơ về quản lý sử dụng, vận hành, bảo dưỡng; biên bản thanh tra, kiểm tra (nếu có).

- Đánh giá kết quả hồ sơ, lý lịch: Kết quả đạt yêu cầu khi :

+ Lý lịch các bình chịu áp lực đầy đủ và đáp ứng điều 2.4 của QCVN 01-2008/BLĐTBXH.

+ Nếu không đảm bảo, cơ sở phải có biện pháp khắc phục bổ sung theo điều 3.2.2 của QCVN 01-2008/BLĐTBXH.

- Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện kiểm định phù hợp để phục vụ quá trình kiểm định.

- Xây dựng và thống nhất thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn với cơ sở trước khi kiểm định. Trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân, đảm bảo an toàn trong quá trình kiểm định.

 Tiến hành kiểm định

 Khi tiến hành kiểm định phải thực hiện theo trình tự sau:

- Kiểm tra kỹ thuật bên ngoài.

+ Mặt bằng, vị trí lắp đặt bình chịu áp lực.

+ Hệ thống chiếu sáng vận hành.

+ Sàn thao tác, cầu thang, giá treo…

+ Hệ thống tiếp đất an toàn điện, chống sét .

+ Kiểm tra các thông số kỹ thuật trên nhãn mác của bình chịu áp lực so với hồ sơ lý lịch của bình.

+ Kiểm tra tình trạng của các thiết bị an toàn, đo lường và phụ trợ về số lượng, kiểu loại, các thông số kỹ thuật so với thiết kế và tiêu chuẩn quy định.

+ Các loại van lắp trên bình chịu áp lực về số lượng, kiểu loại, các thông số kỹ thuật so với thiết kế và tiêu chuẩn quy định.

+ Kiểm tra tình trạng các thiết bị phụ trợ khác kèm theo phục vụ quá trình làm việc của bình.

+ Kiểm tra tình trạng mối hàn, bề mặt kim loại các bộ phận chịu áp lực của bình chịu áp lực. Khi có nghi ngờ thì yêu cầu cơ sở áp dụng các biện pháp kiểm tra bổ sung phù hợp để đánh giá chính xác hơn.

+ Kiểm tra tình trạng kỹ thuật của lớp cách nhiệt (nếu có).

+ Kiểm tra các chi tiết ghép nối.

Đánh giá kết quả: Kết quả đạt yêu cầu khi:

+ Đáp ứng các quy định theo Mục 3 của TCVN 6155:1996;

+ Đáp ứng các quy định theo Mục 8 của TCVN 8366:2010;

+ Không có các vết nứt, phồng, móp, bị ăn mòn quá quy định, dấu vết xì môi chất ở các bộ phận chịu áp lực và ở các mối hàn, mối nối.

- Kiểm tra kỹ thuật bên trong

+ Kiểm tra tình trạng bề mặt kim loại các bộ phận chịu áp lực của bình.

+ Kiểm tra tình trạng cặn bẩn, han gỉ, ăn mòn thành kim loại bên trong của bình chịu áp lực.

+ Kiểm tra tình trạng mối hàn, bề mặt kim loại các bộ phận chịu áp lực của bình chịu áp lực. Khi có nghi ngờ thì yêu cầu cơ sở áp dụng các biện pháp kiểm tra bổ sung phù hợp để đánh giá chính xác hơn.

+ Đối với những vị trí không thể tiến hành kiểm tra bên trong khi kiểm định thì việc kiểm tra tình trạng kỹ thuật phải được thực hiện theo tài liệu kỹ thuật của nhà chế tạo.Trong tài liệu phải ghi rõ: hạng mục, phương pháp và trình tự kiểm tra.

+Trường hợp bình chịu áp lực có ống chùm, nếu thấy nghi ngờ về tình trạng kỹ thuật trong khu vực ống chùm thì phải yêu cầu cơ sở  tháo từng phần hoặc toàn bộ ống chùm ra để kiểm tra.

+ Khi không có khả năng kiểm tra bên trong do đặc điểm kết cấu của bình chịu áp lực, cho phép thay thế việc kiểm tra bên trong bằng thử thủy lực với áp suất thử quy định và kiểm tra những bộ phận có thể khám xét được.

+ Khi phát hiện có những khuyết tật làm giảm độ bền thành chịu áp lực (thành bị mỏng, các mối nối mòn…) cần giảm thông số làm việc của bình chịu áp lực. Việc giảm thông số phải dựa trên cơ sở tính lại sức bền theo các số liệu thực tế.

- Đánh giá kết quả: Kết quả đạt yêu cầu khi:

+ Đáp ứng các quy định theo mục 3 của TCVN 8366: 2010.

+ Không có các vết nứt, phồng, móp, bị ăn mòn quá quy định ở các bộ phận chịu áp lực và ở các mối hàn, mối nối .

 Xử lý kết quả kiểm định

- Lập biên bản kiểm định với đầy đủ nội dung theo quy định

- Ghi tóm tắt kết quả kiểm định vào lý lịch của bình chịu áp lực (ghi rõ họ tên kiểm định viên, ngày tháng năm kiểm định).

- Dán tem kiểm định: Kiểm định viên dán tem kiểm định khi bình chịu áp lực đạt yêu cầu. Tem được dán ở vị trí dễ quan sát.

- Chứng nhận kết quả kiểm định:

- Khi bình chịu áp lực đạt được các yêu cầu kỹ thuật an toàn, tổ chức kiểm định cấp giấy chứng nhận kết quả kiểm định cho bình chịu áp lực theo quy định.

- Khi bình được kiểm định không đạt các yêu cầu thì phải ghi rõ lý do bình không đạt yêu cầu kiểm định, kiến nghị cơ sở khắc phục và thời hạn thực hiện các kiến nghị đó; đồng thời gửi biên bản kiểm định và thông báo về cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương nơi lắp đặt, sử dụng bình.

 Thời hạn kiểm định

- Thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ là 03 năm. Đối với các bình chứa môi chất ăn mòn kim loại, cháy nổ và các bình đã sử dụng trên 12 năm thì thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ là 02 năm.

- Đối với các bình chứa môi chất ăn mòn kim loại, cháy nổ đã sử dụng trên 12 năm và các bình đã sử dụng trên 24 năm thì thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ là 01 năm.

- Trường hợp nhà chế tạo quy định hoặc cơ sở yêu cầu thời hạn kiểm định ngắn hơn thì thực hiện theo quy định của nhà chế tạo và yêu cầu của cơ sở.

- Khi rút ngắn thời hạn kiểm định, kiểm định viên phải nêu rõ lý do trong biên bản kiểm định.

- Khi thời hạn kiểm định được quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì thực hiện theo quy định của quy chuẩn đó.

BẢO NGỌC

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh