CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:18

Chuyện về những cán bộ trẻ ở huyện miền núi Sơn Tây, Quảng Ngãi

5 giờ sáng, Phạm Đại Quang, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Sơn Tây đón tôi từ thành phố Quảng Ngãi để lên huyện miền núi Sơn Tây. Quãng đường non 100 cây số buổi sáng hôm ấy với đủ chuyện xoay quanh chuyện công tác, chuyện phát triển của huyện và dĩ nhiên là cả câu chuyện “rất thời sự”, công tác cán bộ. Phạm Đại Quang, người đã có 22 năm công tác ở Sơn Tây là một ví dụ. Từ nhân viên hợp đồng, đến phó rồi Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư của huyện và bây giờ là Trưởng phòng LĐ-TB&XH, dường như Quang hiểu hết mọi bước phát triển của huyện nhà. “Em xem Sơn Tây là quê hương thứ 2 của em rồi. Hồi ấy(năm 2001), vừa ra trường, có người quen xin lên làm nhân viên hợp đồng, đi từ tờ mờ sáng, trưa mới đến trung tâm huyện, thấy cảnh rừng núi âm u, cũng hơi ngài ngại, nhiều khi cũng muốn về lại miền xuôi. Nhưng rồi người nhà động viên, vả lại hồi ấy nghĩ mình còn trẻ nên cứ “nấn ná” thử sức và ở lại luôn đến tận bây giờ đây anh”, Đại Quang nhớ lại.

Đường lên huyện miền núi Sơn Tây.

Đường lên huyện miền núi Sơn Tây.

Có lẽ, những năm đầu thành lập huyện, những cán bộ trẻ lên đây đều có chung một suy nghĩ như vậy. Nhưng sau gần 30 năm ngày thành lập huyện, câu chuyện ấy đã khác. Ngay cả như tôi, năm 1999, lúc ấy cũng là một phóng viên hợp đồng của 1 tờ Tạp chí tại TPHCM nghe huyện Sơn Tây là huyện xa nhất của tỉnh Quảng Ngãi cũng bỏ ra 2 ngày trời để lên viết bài và ngao du ở huyện miền núi này. Còn nhớ, cũng năm ấy, Chủ tịch Nước Trần Đức Lương đã về thăm và làm việc tại huyện Sơn Tây và một trong những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Nước là phải xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ dám nghĩ, dám làm, có năng lực. Đó sẽ nguồn nhân lực nòng cốt, là những “hạt giống đỏ” để Sơn Tây phát triển. Và có lẽ đến bây giờ ý kiến chỉ đạo ấy vẫn còn nguyên giá trị.  

Võ Minh Xuân, một trong những cán bộ đã gắn bó hơn 10 năm với huyện Sơn Tây theo Đề án 8738 cũng chia sẻ với tôi về chuyện lập nghiệp ở Sơn Tây. Khi nhận quyết định lên Sơn Tây làm việc, cả 2 vợ chồng em bị mấy đứa bạn trêu, tụi bay là cán bộ 2-6. Lúc đấy chả hiểu gì, sau này lên rồi mới biết, cán bộ 2-6, tức là thứ 2 đi, thứ 6 về. “Cả 2 vợ chồng em đều học tại Trường Đại học Mở-TPHCM, em học khoa Quản trị doanh nghiệp, vợ em học lĩnh vực ngân hàng, cũng đã thử sức ở TPHCM, nhưng khi nghe Quảng Ngãi có khu Kinh tế Dung Quất, có nhà máy lọc dầu số 1 Việt Nam nên đã hăm hở khăn gói về quê lập nghiệp. Dung Quất những năm 2011 vẫn chưa phát triển gì mấy, các doanh nghiệp đầu tư còn nhỏ lẻ. Thế nên, khi nghe tỉnh thu hút nguồn cán bộ tốt nghiệp Đại học chính qui phục vụ cho các huyện miền núi, hải đảo (đề án 8738), tụi em xung phong đi luôn và như anh biết rồi đấy, công việc cứ cuốn mình đi, ngoảnh đi, ngoảnh lại cũng đã gần 11 năm gắn bó với mảnh đất này và những đứa con của em cũng đã đi học ở đây luôn rồi, chứ cũng không gửi về xuôi làm gì nữa”, Võ Minh Xuân tâm sự.

Võ Minh Xuân(ngoài cùng bên phải) cùng cán bộ khuyến nông xã Sơn Liên thăm mô hình chăn nuôi cùa người dân.

Võ Minh Xuân(ngoài cùng bên phải) cùng cán bộ khuyến nông xã Sơn Liên thăm mô hình chăn nuôi cùa người dân.

Trong chuyến công tác ở Sơn Tây vừa qua, tôi có dịp tiếp xúc với 1 cô cán bộ quê gốc Nghệ An tên Phạm Thị Trầm, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp và dịch vụ xã Sơn Liên. Qua tìm hiểu thì biết, Trầm và chồng (hiện là Phó chủ tịch hội đồng nhân xã Sơn Liên) quen và yêu nhau từ thời sinh viên, ra trường 2 vợ chồng lên huyện Sơn Tây lập nghiệp. Khởi nguồn của đôi vợ chồng trẻ này cũng gian nan như những sinh viên mới ra trường “bập bõm” học việc. Tuy nhiên, khi đã bắt đầu thích nghi với công việc, với khí hậu, với thổ nhưỡng nơi đây, họ ngay lập tức khởi nghiệp bằng việc trồng bưởi da xanh, trồng dừa. Cũng chính từ đó mà Trầm được tín nhiệm giữ chức Chủ nhiệm HTX nông nghiệp và dịch vụ Sơn Liên với nhiệm vụ kết nối đầu ra cho các nông sản tại địa phương, cung ứng vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi, thu gom rác thải, xây dựng và sửa chữa các công trình nhỏ. Hiện nay, HTX  đang thu mua và tiêu thụ các sản phẩm của nông dân địa phương sản xuất và sản phẩm tự nhiên: Gạo rẫy, Măng nứa, Ớt xiêm …Ngoài ra, các thành viên Hợp tác xã hiện đã triển khai trồng 5 ha ổi, 17 ha Bưởi da xanh và 3 trang trại heo rừng lai. 

Phạm Thị Trầm cho biết: “HTX hiện tại đang có 45 xã viên với 7 mô hình chăn nuôi sản xuất, cho thu nhập bình quân hàng tháng của mỗi xã viên từ 2-4 triệu đồng/tháng tùy theo mùa vụ. Nhìn chung cuộc của bà con đã đỡ hơn rất nhiều, đời sống đã được nâng lên rõ rệt. Hiện tại, HTX cũng đã mở rộng sản xuất các mặt hàng nông sản và mở đại lý mua bán, trưng bày tại thành phố Quảng Ngãi nhằm quảng bá và nâng tầm giá trị nông sản của xã Sơn Liên nói riêng và huyện Sơn Tây nói chung”, Phạm Thị Trầm bộc bạch.

Phạm Thị Trầm(đứng giữa) thăm mô hình cấp giống và bao tiêu sản phẩm bò do Phòng LĐ-TB&XH huyện Sơn Tây cấp cho người dân.

Phạm Thị Trầm(đứng giữa) thăm mô hình cấp giống và bao tiêu sản phẩm bò do Phòng LĐ-TB&XH huyện Sơn Tây cấp cho người dân.

Ông Bạch Ngọc Thêm- PCT UBND huyện Sơn Tây cũng từng là cán bộ trẻ tăng cường lên huyện Sơn Tây ngót chục năm nay chia sẻ: “Năm 2023, tỉnh chỉ tiêu giao cho huyện Sơn Tây giảm 4,8% hộ nghèo, nhưng huyện sẽ phấn đấu giảm được 5,6%. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, trong thời gian qua huyện Sơn Tây đã tập trung các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo và dân tộc miền núi. Trong thời gian qua, huyện tập trung các chương trình sinh kế cho người dân, mở rộng các dự án mà trước đây huyện đã thí điểm có hiệu quả như mô hình ổi, bưởi da xanh. Về chăn nuôi thì chăn nuôi heo ky, nuôi dúi. Tuy chưa phải là cuối năm nên các chỉ tiêu đánh giá chưa chính xác. Tuy nhiên, qua khảo sát sơ bộ thì đến thời điểm này tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Sơn Tây đã giảm được 7%”.  

Nói về chiến lược đào tạo cán bộ trẻ để phục vụ cho công tác phát triển lâu dài cho huyện, nhất là cán bộ là người dân tộc tại chỗ, ông Bạch Ngọc Thêm nói: “Để phát huy vai trò và năng lực cho cán bộ cấp xã là người dân tộc thiểu số, Huyện ủy Sơn Tây đã có đề án 08, huyện sẽ tập trung đào tạo cán bộ trẻ, nhất là cán bộ nữ. Phấn đấu đến năm 2025, 100% cán bộ cấp xã có trình độ tốt nghiệp đại học trở lên. Nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý phải qua các lớp bồi dưỡng Trung cấp lý luận chính trị. Hiện huyện đã rà soát, qui hoạch cán bộ chủ chốt cấp xã là người dân tộc thiểu số cho nhiệm kỳ tới để đào tạo, bồi dưỡng”.  

Ông Bạch Ngọc Thêm-PCT UBND huyện Sơn Tây.

Ông Bạch Ngọc Thêm-PCT UBND huyện Sơn Tây.

Những cán bộ trẻ trong bài viết này chỉ là số ít trong hàng trăm cán bộ trẻ đang làm việc, đang hàng ngày đóng góp công sức của mình cho công cuộc giảm nghèo ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi nói chung và huyện Sơn Tây nói riêng. Dẫu còn những khó khăn, những thiếu thốn nhất định. Song, từ lòng đam mê, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ từ những ngày đầu, họ đã vượt qua những thử thách, trụ vững và hoàn thành tốt công việc của mình.

Tôi còn nhớ câu nói của Phan Hùng Sơn-Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Sơn Tây khi chở tôi vào xã Sơn Long: “Cái gì rồi cũng quen thôi anh. Đi mãi cũng quen đường, quen suối. Lúc đầu mình chưa quen, nhưng ở 20 năm rồi, đôi khi lại thành quá quen và không muốn rời đi đâu nữa”.

Phan Hùng Sơn(bên phải) thăm mô hình nuôi dúi của anh Nguyễn Cường ở xã Sơn Long.

Phan Hùng Sơn(bên phải) thăm mô hình nuôi dúi của anh Nguyễn Cường ở xã Sơn Long.

Phan Hùng Sơn cũng được biết đến là người tiên phong xây dựng mô hình trồng bưởi, trồng ổi khi được điều động về làm Chủ tịch xã Sơn Liên, và như nhiều người nhận xét thì đây là một trong mô hình giảm nghèo hiệu quả nhất của huyện Sơn Tây lúc này. Và như vậy, mỗi cán bộ trẻ ở Huyện Sơn Tây cũng đã tạo được dấu ấn cho riêng mình, cho mảnh đất thân thương này.

ĐÔNG HẢI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh