CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:30

Một số hãng taxi đề xuất tăng giá cước

Gánh nặng tăng giá điện, xăng

Tối 5/5, giá xăng tăng lần thứ 2 kể từ đầu năm với mức tăng kỷ lục là 1.950 đồng/lít, khiến người tiêu dùng lo lắng về khả năng hàng hóa sẽ tăng giá theo. Chị Nguyễn Thị Huyền (khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) than vãn: “Mới tháng trước tăng giá điện, tháng này lại tăng giá xăng, trong khi lương không tăng khiến chi phí sinh hoạt của gia đình tôi bị đội lên. Chưa kể theo quy luật từ trước đến nay, mỗi lần hai mặt hàng thiết yếu này tăng giá sẽ kéo theo giá lương thực, thực phẩm... cùng tăng theo”. 

Xăng dầu tăng giá “sốc” đã tác động trực tiếp đến người dân, chi phí đi lại bị đẩy lên cao. Anh Đào Duy An (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội) làm việc tại một văn phòng trên đường Xã Đàn (quận Đống Đa), hàng ngày phải sử dụng ô tô cá nhân để đi lại, mỗi tháng hết 5 triệu đồng tiền xăng. Với mức tăng gần 2.000 đồng/lít vừa qua, anh An dự kiến mỗi tháng phải chi thêm khoảng 500.000 đồng.

Song, điều mà anh An cũng như nhiều người tiêu dùng lo lắng là “ăn theo” giá xăng và điện, đến nay đã có một số mặt hàng rục rịch “té nước theo mưa”. 

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cảnh báo: “Những lần trước, giá xăng dầu giảm sâu mà giá cước vận tải, hàng hóa không giảm tương ứng; lần này đừng hy vọng khi giá xăng dầu, giá điện đồng loạt tăng, giá các loại hàng hóa đứng im”. Ông Vũ Vinh Phú. Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, dự báo: “doanh nghiệp, người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với khó khăn khi giá cả hàng hóa leo thang”. 

Ảnh minh họa.

Thêm khó cho doanh nghiệp

Thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, xuất khẩu cũng chịu áp lực khi giá xăng bất ngờ tăng cao. Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Giám đốc Cty cổ phần Đường Biên Hòa, chi phí vận chuyển chiếm 15%-20% giá mía, tùy cự ly từ bãi đến nhà máy, còn vận chuyển đường do cự ly ngắn hơn thì chi phí chiếm khoảng 5% trở lên.

Từ thực tế này, ông Lộc lo lắng: “Từ trước đến nay, khi giá xăng giảm thì cước vận tải đứng yên, nhưng giá xăng tăng thì kiểu gì doanh nghiệp vận tải cũng đòi tăng cước. Không rõ động thái lần này sẽ thế nào, nhưng nếu chi phí vận tải tăng thì càng khó cho ngành mía đường vì sức cạnh tranh đang rất yếu”.

Các doanh nghiệp ngành thép cũng băn khoăn, bởi chi phí vận tải vốn là gánh nặng với họ. “Việc siết tải trọng khiến doanh nghiệp ngành thép bị đội chi phí rất lớn. Lần này mà tăng cước vận tải thì rất khó cho doanh nghiệp, còn nếu không tăng cước vận tải lần này thì cũng khó tránh khỏi tăng vào các kỳ điều hành sau, bởi nhiều dự báo cho biết diễn biến giá xăng dầu thế giới đang rất phức tạp, có xu hướng tăng” - đại diện một doanh nghiệp băn khoăn.

Chịu tác động nhiều nhất, các hãng taxi đã lên phương án tăng giá cước để bù lại phần chi phí từ việc tăng giá xăng. Ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hãng taxi Thành Công, cho biết, theo tính toán, một chiếc taxi chạy trung bình từ 7-9 lít xăng/100km. Mỗi ngày, mỗi lái xe taxi chạy khoảng 100-150 km. Với việc xăng tăng mạnh ở mức xấp xỉ 2.000 đồng/lít, tương đương mỗi xe taxi sẽ phải thêm từ 14.000- 37.000 đồng tiền xăng cho một ngày.

Ông Nguyễn Anh Quân cho hay, hiện đơn vị đang cố gắng giữ giá cước, nhưng nếu đợt điều chỉnh tới vẫn giữ nguyên giá xăng thì buộc Hãng phải xem xét tới việc tăng cước, dự kiến mức tăng từ 500 -1.000 đồng/km, vì doanh nghiệp không thể giữ giá trong khoảng thời gian dài hơn. Mức tăng này là tăng dự phòng cho cả trường hợp xăng dầu sẽ tiếp tục biến động tăng, vì cước taxi không thể điều chỉnh kịp theo sự biến động của mặt hàng này.

Theo ghi nhận của ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội,  trong đợt tăng giá này, đối tượng ảnh hưởng nhiều là các hãng taxi, các loại hình khác như xe buýt, vận tải khách, vận tải hàng hóa chủ yếu sử dụng nhiên liệu là dầu nên ít bị tác động..

“Rục rịch tăng giá”, đó là ghi nhận của ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội. Ông Bình cho biết: “Hiệp hội đã nhận được thông báo của một số hãng taxi đề xuất tăng cước vì từ đầu năm đến nay, xăng đã tăng 3.500 đồng/km. Khá nhiều DN taxi đề xuất tăng từ 500-1.000 đồng/km. Tôi cho rằng đề xuất mức tăng này là hợp lý, vì từ đầu năm đến nay, các DN taxi chỉ giảm mà chưa hề tăng cước”. 

Châu Anh (Tổng hợp-nguồn ảnh: Internet)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh