THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:54

Giá xăng, giá điện tăng: "Trăm dâu đổ ..." lên đầu người dân

 

Nhiều người bất ngờ vì giá xăng tăng

 Thông tin giá xăng tăng dù đã được dự báo từ trước kỳ điều chỉnh, nhưng đến đúng hạn điều chỉnh giá xăng như Bộ Tài chính công bố, người tiêu dùng vẫn "đứng ngồi không yên".

"Từ sáng 5/5, dù làm việc nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn vào internet lướt qua tin tức xem giá xăng đã điều chỉnh bao nhiêu. Nhấp nhổm cả ngày, cuối cùng thấy có tin liên bộ Tài chính - Công Thương lại đưa ra quyết định giảm thuế nhập khẩu với một số loại dầu, còn xăng vẫn được giữ nguyên ở mức 20%, không thấy nói gì đến việc giá xăng sẽ tăng-giảm- hay giữ nguyên nên tôi chắc mẩn: Có khi không tăng giá", anh Mạnh (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết.

 Còn Thảo, sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội bùi ngùi: "Vừa cách đây 1-2 tháng, sinh viên bọn em hay tếu nhau, giờ vào đổ xăng thấy mình oai hơn hẳn, vì không ngại ngần khi hét to "đổ đầy bình cho cháu". Giờ xăng lại gần 20.000 đồng/lít nên cả xóm trọ bàn nhau đem xe về gửi thầy bu, tiếp tục "sự nghiệp" đi xe bus".

Nhiều người tiêu dùng cho rằng việc đến tận 21h ngày 5/5, xăng điều chỉnh tăng lên 1.950 đồng/lít, quyết định này của Liên bộ được đưa ra như một "cú sút hiểm hóc" đầy bất ngờ vào phút thứ 90 của một trận bóng, thậm chí khiến cho nhiều người dân mãi đến sáng ngày 6/5 mới "ngã ngửa" vì tin tăng giá xăng".

 

Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, cả giá điện và giá xăng đều tăng cao khiến người tiêu dùng lo lắng 

Chị Minh Thùy (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: " Nhấp nhổm cả ngày, đến giờ tan tầm tôi vẫn không thấy thông tin về giá xăng. Đến 7 giờ tối ăn cơm xem thời sự chưa thấy gì, cả nhà tôi bảo nhau, chắc mấy kỳ trước giá xăng không giảm nên để kỳ này cơ quan chức năng bù lỗ cho doanh nghiệp và giá xăng không tăng dù giá thế giới tăng. Mãi sáng hôm sau, khi đưa xe vào đổ xăng, thấy giá có thay đổi, hỏi ra mới "ngã ngửa" vì giá đã tăng gần 2000 đồng/lít từ 9h tối qua".

 Theo thống kê, đây còn là mức tăng giá kỷ lục kể từ tháng 3/2011. Còn tính từ đầu năm 2015, giá xăng đã được điều chỉnh tăng hai lần với mức tăng tổng cộng là trên 3.500 đồng, đưa xăng trở về gần ngưỡng 20.000 đồng/lít, thậm chí ở những nơi xa trung tâm (vùng 2), giá xăng RON 95 đã vượt mốc lên 20.220 đồng.

Giá xăng tăng, giá điện tăng người dân "mất ngủ" lo giá cả hàng hóa leo thang

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, giá điện và giá xăng cùng tăng giá khiến nhiều người dân "mất ăn mất ngủ" vì lo giá cả hàng hóa sẽ leo thang.

Chị Thủy (dường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Mỗi lần bài ca xăng tăng giá vang lên là hàng loạt những thứ khác cũng nhanh chóng đội giá tăng theo, nhất là giá thực phẩm và xe cộ. Mấy lần trước, giá xăng dầu thế giới giảm nhưng giá xăng không giảm. Vậy nên lần này, dù giá thế giới tăng nhưng tôi vẫn hy vọng là không tăng mà cuối cùng vẫn tăng, suy cho cùng cũng chỉ khổ dân nghèo".

 Ông Tính (quận Long Biên, Hà Nội) còn không lấy làm lạ khi xăng tăng bởi theo bác, từ trước đến giờ xăng giảm thì ít mà tăng thì nhiều.

"Mấy hôm trước đọc báo thấy nói giá dầu thế giới tăng, tôi đã dự đoán ngay là giá xăng trong nước sắp tới cũng sẽ tăng, mà sẽ tăng nhiều. Lúc giảm thì giảm nhỏ giọt, nhưng tăng chỉ 1 lần cũng bằng vài ba lần giảm. Quan trọng là các anh cứ quanh năm kêu lỗ, dầu thế giới giảm cũng lỗ mà dầu thế giới tăng cũng lỗ, rồi hết phí nọ đến thuế kia. Cuối cùng, chỉ người dân là chịu thiệt", ông Tính phàn nàn.

 

Có lẽ, đối tượng chịu tác động mạnh nhất từ việc giá xăng, giá điện là đối tượng sinh viên và công nhân ở trọ.

Thanh Mai, sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ: "Cách đây 2 tháng, chủ nhà trọ chỗ em thông báo tăng giá điện từ 3.500 đồng/số điện lên 4.500 đồng/số điện, rồi tiền nước tăng từ 80.000 đồng/tháng/người lên 120.000 đồng/tháng/người. Tính cả giá tiền phòng 2 triệu/phòng, vậy là riêng chi phí cho việc ở mỗi sinh viên bọn em đã mất khoảng gần 1,5 triệu/tháng. Với những sinh viên tỉnh lẻ như tụi em, mức giá như thế là quá cao. Mỗi tháng, bố mẹ ki cóp gửi lên cho 2 triệu, tằn tiện thì cũng vẫn sống rất chật vật. Nay giá xăng tăng, rồi mấy hôm nữa giá dưa cà mắm muối cũng tăng theo, không biết tụi em sẽ sống thế nào".

Tại  khu nhà trọ cạnh khu công nghiệp Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) anh Hoa, công nhân thuê nhà  cho biết: “Một năm qua chủ nhà trọ tính giá điện 3.500 đồng/kWh, nay vin cớ điện tăng giá, chủ trọ tính lên 4.500 đồng/kWh. Thuê phòng trọ 1,5 triệu đồng/tháng, chủ trọ tính tiền nước 80.000 đồng/người. Nếu còn ở đây, mỗi tháng chúng tôi phải trả thêm khoảng 300.000 đồng tiền điện nữa. Tiền lương thì chỉ 4-5 triệu, có tháng ít hơn vì còn tùy thuộc vào lượng công việc. Nay thêm giá xăng tăng, mỗi tháng lại thêm vài ba trăm tiền xăng. Vài hôm nữa giá thực phẩm tăng theo. Cứ thế này có lẽ chuyện Vợ con phải gác lại vô thời hạn, vì thu nhập chưa đủ nuôi mình, lấy đâu tiền để xây một gia đình".

Theo Đời Sống & Pháp Luật

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh