CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:05

Một số giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Thái Nguyên

Học viên lớp đào tạo nghề được giảng viên trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên
 hướng dẫn thực hành kỹ thuật ghép cà chua trên gốc cà tím

Học viên lớp đào tạo nghề được giảng viên trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên hướng dẫn thực hành kỹ thuật ghép cà chua trên gốc cà tím

Hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiến hành khảo sát, lựa chọn các nghề phù hợp, hiệu quả, mang tính bền vững, có khả năng thu hút nhiều lao động tại địa phương vào làm việc để tiến hành dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động. Những năm qua trên địa bàn Thái Nguyên đã xuất hiện nhiều mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả như: Mô hình đào tạo nghề gia công bàn ghế, mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng tại xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên đã giải quyết việc làm cho 470 lao động, thu nhập bình quân 6,54 triệu đồng/người/tháng. Mô hình đào tạo nghề chế biến và bảo quản sản phẩm chè tại xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên; xã Hùng Sơn và xã La Bằng, huyện Đại Từ, hiện nay số lao động sau học nghề thu nhập bình quân 4,37 triệu đồng/người/tháng. Mô hình đào tạo nghề may công nghiệp gắn với giải quyết việc làm của doanh nghiệp: Công ty Cổ phần đào tạo TNG Thái Nguyên từ năm 2013 đến năm 2018 tuyển dụng đào tạo và giải quyết việc làm cho 6.466 lao động; Công ty TNHH May DG tuyển dụng đào tạo giải quyết việc làm cho trên 250 lao động,…. Số lao động được các doanh nghiệp tuyển dụng có việc làm ổn định với mức thu nhập bình quân là 4,78 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn tỉnh Thái Nguyên còn gặp một số khó khăn hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền ở địa phương, cơ sở nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hệ thống cơ sở GDNN đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh còn có những bất cập, hạn chế trong việc gắn kết với thị trường lao động; nhiều thiết bị đào tạo đã cũ, lạc hậu, chưa theo kịp nhu cầu đào tạo của thị trường lao động, nhất là các nghề chất lượng cao; đội ngũ cán bộ, giáo viên cơ hữu tại trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên cấp huyện còn thiếu. Công tác định hướng, phân luồng học sinh THCS chưa được triển khai thực hiện có hiệu quả... Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp đột phá đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. 

Để giải quyết được thực trạng trên và góp phần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, thiết nghĩ tỉnh Thái Nguyên rất cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích dạy nghề cho nông dân một cách thiết thực, phù hợp như:     

Thứ nhất, có cơ chế khuyến khích học nghề, dạy nghề theo thực tiễn địa phương. Đối với người học: Tăng mức hỗ trợ kinh phí ăn, ở, đi lại. Trong thời gian đào tạo, nếu người học làm ra sản phẩm tiêu thụ được trên thị trường thì sẽ được hưởng lợi một phần từ sản phẩm đó. Sau khi học xong được ưu tiên bố trí việc làm, được bao tiêu sản phẩm, được xét miễn giảm thuế trong thời gian đầu nếu trở thành chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh.     Đối với người dạy nghề: Có chính sách huy động khả năng dạy nghề của những người dạy nghề ở nông thôn như những nghệ nhân trong các làng nghề truyền thống; cho phép họ được tổ chức các khóa đào tạo hoặc phối hợp với các cơ sở dạy nghề chính quy để truyền nghề cho cho lao động trong từng làng, xã, thôn, bản. Đối với những người truyền nghề có cơ sở sản xuất kinh doanh thì được xét miễn giảm thuế kinh doanh và hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đối với cơ sở dạy nghề: Có chính sách mở rộng mạng lưới cho lao động nông thôn, trên cơ sở quy hoạch tổng thể chung; chú trọng phát triển dạy nghề ngoài công lập; đẩy mạnh hỗ trợ phát triển các cơ sở dạy nghề ở vùng nông thôn, miền núi (Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên cấp huyện; Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh) để dạy nghề cho người nghèo.   

 Thứ hai, ưu tiên phát triển các mô hình dạy nghề áp dụng cho lao động nông thôn. Mô hình dạy nghề tại trường: Là mô hình phổ biến nhất hiện nay, quá trình đào tạo chủ yếu diễn ra ở các cơ sở GDNN. Tuy nhiên, mô hình này chỉ phát huy hiệu quả tốt đối với lao động nông thôn, có trình độ văn hóa từ phổ thông cơ sở trở lên, đồng thời có điều kiện tham gia học tập trong trong thời gian dài. Do đó, chỉ nên áp dụng mô hình này cho lao động nông thôn ở những vùng có điều kiện khá với một nhóm ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao như cơ khí, cơ điện nông thôn, vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản,...   

 - Mô hình dạy nghề tại doanh nghiệp: Đây là mô hình do các doanh nghiệp, chủ yếu là các tổng công ty, đơn vị có nguồn lực khá phát triển nhằm mục đích là đào tạo nghề phục vụ cho chính doanh nghiệp và một phần thị trường lao động. Ưu điểm là học viên tham gia có khả năng hình thành các kỹ năng thực hành, sản xuất nhanh và có thể làm việc được ngay. Mô hình này không chỉ thu hút được học viên ở những địa phương có doanh nghiệp cư trú mà còn ở tại các vùng lân cận, góp phần lớn vào chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn từ thuần nông sang lao động có chuyên môn, nghiệp vụ.     

- Mô hình đào tạo lưu động: Mô hình này sẽ trang bị cho người học một số kiến thức cơ bản và kỹ năng nghề nghiệp nhất định nhằm nâng cao trình độ tay nghề cho lao động để có khả năng ứng dụng khoa học tiến bộ vào phát triển sản xuất nông lâm nghiệp. Đây cũng là mô hình được thiết kế gọn nhẹ bằng các môđum nên có thể kết thúc khóa học trong thời gian ngắn, mang tính lưu động cao, lại có thể bố trí linh hoạt, phù hợp với yêu cầu, đặc điểm của người học nên đã phát huy hiệu quả tốt trong thời gian qua, đặc biệt là ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.     

Thứ ba, đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần bám sát nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2030 ở địa phương để hoạch định cơ cấu nghề, chương trình, nội dung đào tạo nghề cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề của các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình xã viên, nông dân nghèo. Hệ thống các cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và các chính sách khác như tín dụng, đất đai, hạ tầng, thương mại hóa sản phẩm cần phải được điều chỉnh một cách đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau nhằm phát huy tối đa hiệu quả đào tạo nghề, giúp cho người học áp dụng tốt nhất kiến thức vào sản xuất kinh doanh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho bản thân.   

 Đào tạo chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn phải theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, giúp nông dân thực sự trở thành người làm chủ trong sản xuất nông nghiệp; rút dần lao động nông nghiệp chuyển đổi sang công nghiệp dịch vụ; dành tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu nghề cho các nội dung đào tạo về kỹ năng sử dụng máy móc cơ giới hóa đồng ruộng, chế biến nông sản, công nghệ 4.0, nghề quản lý trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã, kế toán trong lĩnh vực nông nghiệp.   

 Củng cố và nâng cao vai trò trách nhiệm và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giúp cho các địa phương chủ động trong xây dựng kế hoạch, đánh giá nhu cầu học nghề và tổ chức các khóa đào tạo tại chỗ. Khuyến khích thanh niên, nông dân trẻ ở nông thôn, những người mới lập nghiệp thành lập trang trại, doanh nghiệp mới tham gia các khóa đào tạo và có cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp hiệu quả đối với những đối tượng này...

TT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh