CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:12

Một năm Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp: Điểm lại lời hứa của các Bộ trưởng?

 

Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 5. Hiện tại Văn phòng Chính phủ đã tập hợp được 274 kiến nghị của các doanh nghiệp gửi tới Thủ tướng trước thềm Hội nghị.

Đây là lần thứ 2 diễn ra Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp. Lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 4/2016 tại Dinh Độc lập, TP. HCM.

 

 Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ nhất diễn ra ngày 29/4/2016. Ảnh: VGP

 

Trong cuộc đối thoại trực tiếp lần đầu tiên với tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các doanh nghiệp đã bày tỏ một loạt kiến nghị gửi đến Chính phủ. Đáp lại các kiến nghị này, các 'tư lệnh ngành' cũng đưa ra nhiều lời hứa.

Tạp chí Nhà Đầu tư xin nêu lại một số cam kết mà lãnh đạo các ngành đã đưa ra tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ 1 để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu đâu kiểm điểm về "chữ tín".

Bộ Tài chính: Đưa Việt Nam thành một trong 50 nước đứng đầu về dịch vụ tài chính

Tại Hội thị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ phấn đấu đến hết 2017 sẽ nâng cao hiệu quả tài chính trong các lĩnh vực thị trường chứng khoán, bảo hiểm. Mức độ sẵn sàng, đầy đủ về dịch vụ tài chính của Việt Nam sẽ nằm trong số 50 nước đứng đầu thế giới.

Đồng thời phấn đấu trước 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta đạt và ngang bằng 3 nước hàng đầu ASEAN trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế như thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội xuống dưới 150 giờ/năm, giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Ngân hàng Nhà nước: Giảm lãi suất vay

Tại thời điểm diễn ra Hội nghị lần thứ nhất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết NHNN sẽ điều hành công cụ tiền tệ chủ động linh hoạt, tập trung theo dõi sát mặt bằng lãi suất, tình hình thanh khoản cụ thể của từng ngân hàng và hệ thống để có giải pháp điều hành linh hoạt. 

NHNN đã làm việc với nhóm các ngân hàng lớn, yêu cầu các tổ chức tín dụng, tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất vay, hỗ trợ/chia sẻ khó khăn doanh nghiệp.

Bộ Công thương: Phát triển thị trường điện cạnh tranh

Đại diện ngành Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, liên quan đến phát triển công nghiệp năng lượng, Việt Nam đã có định hướng phát triển năng lượng bền vững đáp ứng nhu cầu và môi trường, đưa thị trường điện thành thị trường cạnh tranh. Theo đó, ngành công thương sẽ ưu tiên phát triển nguồn điện có lợi thế cạnh tranh, năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, sinh khối…

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính bảo đảm thông thoáng, quyền tự do cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là sống còn. Bộ sẽ tiếp tục quan tâm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính công. Đồng thời, sẽ tham mưu với Chính phủ xây dựng các khung khổ chính sách mới đáp ứng yêu cầu hội nhập. Bộ đã xây dựng chiến lược phát triển ngành bán lẻ và ưu tiên quan tâm đến các doanh nghiệp bán lẻ.

Bộ trưởng Xây dựng: Rà soát các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản

Tại Hội nghị 2016, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, trước ngày 01/7, sẽ xây dựng nghị định thay thế thông tư hướng dẫn về điều kiện đầu tư kinh doanh trong việc thành lập tổ chức hoạt động của sàn bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản, cũng như đào tạo, hướng dẫn kiến thức hành nghề môi giới, điều hành sàn bất động sản; rà soát bổ sung quy định bảo đảm bình đẳng hơn giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực bất động sản.

Đồng thời bổ sung các chính sách về hỗ trợ nhà ở xã hội, thương mại giá thấp, cả thiện chung cư cũ. Bảo đảm hiệu lực thanh tra, kiểm tra trật tự xây dựng, xử lý vi phạm, tránh phiền hà, không gây khó khăn sách nhiễu cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng - người đứng đầu lĩnh vực kế hoạch - đầu tư của quốc gia đã đưa ra cam kết tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, giữ công bằng trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ, các nguồn lực về đất đai, tài nguyên và vốn của quốc gia giữa doanh nghiệp các thành phần kinh tế.

Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ KH&ĐT sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt, thực thi những tư tưởng đổi mới mạnh mẽ trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, áp dụng triệt để, nhất quán tinh thần Hiến pháp năm 2013 về tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đúng theo quan điểm người dân được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm.

Bộ Công an: Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế

Bộ trưởng Công an Tô Lâm thì cho hay Bộ sẽ tập trung đấu tranh tội phạm hình sự gây mất an toàn kinh doanh. Bộ trưởng Công an khẳng định không có khái niệm và chủ trương hình sự hóa. Tuy nhiên, còn tình trạng một số cán bộ do thoái hóa biến hất, không nắm vững pháp luật, không thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ… nên có hành vi vi phạm pháp luật, để xảy ra oan sai, ảnh hưởng tới doanh nghiệp và người dân.

Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng kết quả của hội nghị sẽ tạo ra niềm tin cho doanh nghiệp vào hệ thống cơ quan nhà nước, tạo niềm tin vào xã hội – một niềm tin thị trường mới và niềm tin vào một chế độ tốt đẹp để mọi người hăng hái tham gia sản xuất kinh doanh nhanh hơn, nhiều hơn, hội nhập quốc tế vững vàng hơn.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng đang trông đợi sự đột phá về độ mở trong chủ trương, chính sách giúp doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh