Mô hình hợp tác đào tạo nghề nông hiệu quả giữa Việt Nam và Đức
- Giáo dục nghề nghiệp
- 02:26 - 04/07/2017
Dạy nghề mây tre đan cho lao động nông thôn
Phương pháp đào tạo song hành
Các chương trình đào tạo nghề nông nghiệp của Đức theo phương pháp song hành, kết hợp giữa học lý thuyết 30% với thực hành 70% đã giúp cho học viên sau khi học có chuyên môn tay nghề cao, kiến thức đào tạo toàn diện và có đủ năng lực quản lý điều hành được trang trại hoặc doanh nghiệp nông nghiệp. Từ kinh nghiệm của phương pháp đào tạo song hành ở Đức, Trường Trung cấp nghề và các Trung tâm dạy nghề của các tỉnh, thành Hội đã có những đổi mới trong công tác dạy nghề như: Sử dụng đội ngũ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đủ điều kiện để tham gia làm giáo viên các lớp dạy nghề, các khóa học được thiết kế thời gian thực hành nhiều hơn lý thuyết, đổi mới phương pháp và đa dạng các chủ đề đào tạo dựa trên nhu cầu học viên. Biên soạn giáo trình, trình bày xúc tích, dễ hiểu, minh họa bằng nhiều hình ảnh sinh động, thực hành tại trang trại và thực địa giúp học viên dễ hiểu, dễ áp dụng trong sản xuất.
Chuyên gia tư vấn Quốc tế - ông Hartwig Breternitz cho biết: đối tác Hội NDVN đã năng động và lồng ghép thành công đào tạo dạy nghề theo hướng thực hành và gần gũi với người nông dân. Hội NDVN cần tiếp tục thực hiện phương pháp song hành. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các trường dạy nghề với các trang trại, công ty, doanh nghiệp nông nghiệp đã đạt chuẩn, trong đó có thợ cả (người dạy thực hành) để dạy nghề cho nông dân.
Gắn đào tạo với mô hình sản xuất kinh doanh giỏi
Đổi mới phương pháp đào tạo nghề, Hội NDVN đã xây dựng mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Các học viên tham gia học nghề được các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi truyền nghề, hướng dẫn kỹ năng nghề thực hành, tư vấn về xây dựng kế hoạch sản xuất, tìm kiếm thị trường, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sử dụng trang thiết bị, máy móc trong sản xuất, từ đó nhiều học viên đã có kiến thức và trình độ thực hành nghề áp dụng vào công việc hoặc tìm việc làm mới.
Công tác đào tạo nghề song hành được tổ chức một cách có hệ thống và gắn liền với thực tiễn, coi trọng thực hành tại trang trại và doanh nghiệp, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Trong đó chú trọng kết hợp nhiều trang trại kiểu mẫu để đào tạo thực hành. Một số nông dân Việt Nam sau khi được đi đào tạo, học tập ở Đức về đã đầu tư, phát triển trang trại hiệu quả hơn, trong đó có 8 chủ trang trại đã kết hợp với Hội NDVN, tổ chức dạy nghề theo phương pháp song hành của Đức với sự tham gia của hàng trăm học viên nông dân.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội NDVN Lều Vũ Điều khẳng định, dự án đã có những tác động tích cực đến cán bộ, giáo viên dạy nghề, hội viên, nông dân và hoạt động của Hội NDVN. Được đi thực tập sinh tại Đức, những nông dân giỏi đã áp dụng tốt các kiến thức đã học, tham gia dạy nghề hiệu quả cho các nông dân khác. Thông qua thực hiện dự án, quan hệ hữu nghị, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp giữa Hội NDVN và Hội Nông dân Đức, giữa nông dân hai nước được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, một số chuyên gia, doanh nghiệp và nông dân hai nước có điều kiện tiếp xúc có nhu cầu tăng cường sự hiểu biết, hơp tác và thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp.
Được biết, theo kế hoạch của dự án, còn lại 2 hoạt động hợp tác sẽ được Hội NDVN - Hội ND Đức thực hiện trong năm 2017 là đưa 15 giáo viên dạy nghề và nông dân Việt Nam sang Đức học chăn nuôi bò sữa và tổ chức hội thảo cấp quốc gia cho cán bộ, hội viên, nông dân Việt Nam với chủ đề “Thương mại nông nghiệp, thị trường xuất và nhập khẩu”.