CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:28

Một lần trong đời đi chợ vùng cao Lào Cai

 

Tỉnh Lào Cai là nơi có nhiều phiên chợ độc đáo của các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Tày, Nùng… Theo tập tục, chợ phiên họp 5 hoặc 6 ngày một phiên. Trước kia trong các phiên chợ, quan hệ trao đổi hàng hóa là chính, sau nay với sự giao thương buôn bán các vùng miền mới phát triển mạnh việc dùng tiền tệ.

Điểm đặc sắc của chợ phiên trên khắp các vùng cao nói chung là việc giao lưu gặp gỡ, việc buôn bán có thể được, có thể không nhưng gặp nhau để nói chuyện, để thổi khèn, để uống rượu ngô, để ăn thắng cố là phải có. 

Chợ phiên vùng cao

Tại Lào Cai các chợ phiên không nhất thiết diễn ra vào cuối tuần. Du khách có thể tìm thấy các chợ khác nhau họp vào các ngày khác nhau trong tuần: Thứ hai chợ Bản Phiệt, Thứ ba chợ Cốc Ly, Thứ tư chợ Cao Sơn, Thứ năm chợ Lùng Khấu Nhin, Thứ sáu chợ Chậu, Thứ bảy chợ Cán Cấu, Pha Long, Chủ nhật chợ Bắc Hà, Sapa, Mường Hum.

Chợ phiên Cán Cấu họp ngay ven đường 153 - con đường đất duy nhất nối thị trấn Bắc Hà với thị trấn biên giới Si Ma Cai, thuộc địa phận xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai; nằm cách TP. Lào Cai gần 100km về phía Đông Bắc.

Quanh chợ là những thửa ruộng bậc thang tầng lớp nối nhau tựa lung vào vách núi, sương phủ bốn bên.

Do đường xá đi lại còn khó khăn, chợ nằm xa nên có những người chỉ một lần trong đời được đến đây

Chợ phiên Cán Cấu là chợ của người Mông Hoa và người Giáy nhưng lại thực hiện theo lối buôn bán của người Dao, tức là họp vào ngày thứ bảy hàng tuần .

Tại Việt Nam, người Mông chia thành 4 nhóm: Mông Hoa (Mông Lềnh), Mông Đen (Mông Dú), Mông Xanh (Mông Chúa) và Mông Trắng (Mông Đu). Họ có gần như chung ngôn ngữ và văn hoá, sự khác nhau giữa các nhóm chủ yếu là dựa trên trang phục phụ nữ.

Khu chợ rộng chừng 1 héc ta, chen chúc cả ngàn con người mua bán nhộn nhịp. Chợ được chia thành ba khu chính, khu bán rau hoa quả, thảo dược, khu bán các loại váy áo thổ cẩm do chính tay phụ nữ Mông, Giáy, Dao… làm ra. Khu rộng nhất nằm ngoài rìa chợ là khu buôn bán gia súc. Mặc dù bán nhiều loại gia súc, gia cầm nhưng chủ yếu là trâu, vì thế chợ Cán Cấu còn gọi là chợ trâu, cũng như chợ Bắc Hà được gọi là chợ ngựa. 

Chợ Cán Cấu còn gọi là chợ trâu

Điều đặc biệt, trong lúc mua bán, mặc cả, bên bán và bên mua đều nói chuyện với nhau rất khẽ, chỉ vừa đủ nghe. Giá trâu tùy loại, từ 5 triệu cho những con nghé cho đến 20 – 30 triệu đồng cho những con trâu đẹp. Người dân tộc vốn chân thật nên việc mặc cả chỉ là lấy hên, không có việc nói thách quá nhiều. Khi đã mua-bán được con vật ưng ý, cả bên bán và bên mua lại kéo nhau ra nồi thắng cố, làm vài lít rượu chia vui. Mỗi phiên chợ, hàng trăm con trâu được mua bán.

Hai khu chợ còn lại được gọi là chợ cho phụ nữ, vì đàn ông chủ yếu ở ngoài chợ gia súc.

Bạn sẽ rất thích thú khi vào khu chợ bán váy, thổ cẩm, quần áo. Những họa tiết, hoa văn trang trí cầu kỳ đến từng chi tiết nhỏ, được những người phụ nữ Mông, Giáy, Dao… dệt, thêu bằng tay. Có những chiếc váy phải làm cả năm trời mới xong nên có giá rất cao - cả triệu đồng.

Khu hàng ăn càng ngày càng đông, khi việc mua bán đã xong, mọi người lại kéo đến cùng ăn uống vui vẻ. 

Như nhiều chợ phiên khác, chợ Cán Cấu còn là dịp giao lưu bạn bè và hẹn hò đôi lứa. Đi chợ không chỉ là mua bán mà chủ yếu giao lưu, gặp gỡ, tìm bạn. Vì vậy, chợ Cán Cấu không chỉ có việc giao thương mà đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của người dân vùng cao.

Do đường xá đi lại còn khó khăn, chợ nằm xa nên có những người chỉ một lần trong đời được đến đây, nhưng ấn tượng về phiên chợ vùng cao này sẽ theo họ mãi mãi.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh