THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 05:25

Một gia đình chính sách mỏi mòn chờ... công lý

Vụ việc tranh chấp hợp đồng mua bán khách sạn Alamaz (21 Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ, Hà Nội) đã được hai cấp tòa xử là hợp đồng vô hiệu. Nhưng ngày 21/7/2014, ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC ký Quyết định Giám đốc thẩm số 241 kháng nghị vụ án trên khiến dư luận hoài nghi, không biết vụ án sẽ kéo dài bao lâu, 17 năm hay lâu hơn nữa!?

Bà Nguyễn Thị Nhiễu, (sinh năm 1940, nguyên Giám đốc Cty TNHH Vạn Thiện) bức xúc: “Cơ quan chức năng nên dừng ngay việc đem khách sạn  Alamaz để gia đình tôi thống nhất định giá tài sản của từng thành viên, đặc biệt là tài sản của Lê Tân Cương. Họ không thể lấy tài sản của gia đình chúng tôi để thực hiện bản án của con trai tôi là Lê Tân Cương được”. 

Vụ việc “Thủy cung Thăng Long” kéo dài nhưng chưa có hồi kết đã gây ra cho gia đình chính sách gặp nhiều sóng gió, gia đình, con cái rơi vào bi kịch..

Được biết, việc vay mượn giữa bà Nguyễn Thị Nhiễu và anh Lê Tân Cương  với Ngân hàng cổ phần Bắc Á là mối quan hệ dân sự khác nhau, không có trong bản án “Thủy cung Thăng Long”. Điều này thể hiện trong các quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án  cấp quận và thành phố, buộc Ngân hàng Bắc Á phải hoàn trả đầy đủ hồ sơ gốc liên quan đến khách sạn Almaz cho bà Nhiễu và anh Lê Tân Cương. Chính vì lẽ đó không thể đưa vụ việc này “gom” vào giải quyết cùng một lúc và việc vay mượn sẽ phải giải quyết ở một phiên tòa khác.

Luật sư Phạm Minh Tuệ (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Chúng tôi xét thấy trên góc độ pháp lý và trên thực tế thì không đủ căn cứ nào để Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm bản án 140 của TAND TP.Hà Nội”.

Không chỉ luật sư Tuệ mà nhiều luật sư quan tâm theo dõi vụ việc này, cũng đưa ra nhiều dẫn chứng pháp lý, chứng minh rất xác đáng. Theo đó, xét về bản chất vụ việc là không thay đổi bởi hai cấp tòa (quận Tây Hồ và TP Hà Nội) đều tuyên là hợp đồng vô hiệu. Kể cả trong tất cả các kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an.

Cụ thể, tại kết luận điều tra số 48/P4 (1/2/2000) của CSĐT Bộ CA trong vụ án “Thủy cung Thăng Long” đã kết luận: “Ngân hàng Bắc Á đã vi phạm nghiêm trọng về Quy định số 198/QĐ/NH ngày 16/9/1994; Quy định 217/QĐ-NH ngày 17/8/1996 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Mặt khác việc thế chấp tài sản giữa Lê Tân Cương với Ngân hàng Bắc Á là không đúng quy định của pháp luật, không có bảo lãnh tài sản (vì nhà đất đứng tên anh trai là Lê Minh Tân) không qua công chứng là trái với quy định...”.

Luật sư Phạm Minh Tuệ cũng dẫn chứng, năm 2011, ông Nguyễn Sơn, lúc đó là Chánh tòa hình sự - TAND TP Hà Nội, đã trực tiếp xử lý vụ án “Thủy cung Thăng Long” và cũng chính ông bác đơn của Ngân hàng Bắc Á (ký trong quyết định của bản án hình sự sơ thẩm 664/HSST ngày 14/9/2001) của TAND TP.Hà Nội trong việc thế chấp mua bán chuyển nhượng tài sản ngôi nhà 21/52 Tô Ngọc Vân... giữa Lê Tân Cương và Ngân hàng Bắc Á là hợp đồng vô hiệu, không đúng với pháp luật.

Và việc này rất mâu thuẫn với việc ông Sơn ký và ban hành Quyết định giám đốc thẩm 241 kháng nghị lại bản án 140 của TAND TP. Hà Nội. Điều này dư luận đang đặt ra câu hỏi nghi vấn: Liệu đây có phải hình thức bao che cho Ngân hàng Bắc Á, khi ngân hàng này đang bị cơ quan Thi hành án quận Tây Hồ cưỡng chế yêu cầu trả lại giấy tờ nhà đất cho gia đình bà Nhiễu và anh Lê Minh Tân mà Ngân hàng đang chiếm giữ!?.

Bàn về Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm 241, luật sư Chu Khang (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng: Nếu TANDTC đưa ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm về lỗi bồi thường thiệt hại và việc định giá lại tài sản nhà đất là quá thấp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ngân hàng là không đúng, bởi không có căn cứ pháp luật. Mặt khác, nếu nhận định lại bản án sơ thẩm và phúc thẩm là “Ngân hàng Bắc Á có lỗi nhiều hơn (60%) và Lê Tân Cương, Nguyễn Thị Nhiễu có lỗi ít hơn (40%) là không đúng, để kiếm cớ giám đốc thẩm 2 bản án đã có hiệu lực pháp luật. Hiệu lực pháp luật đã rõ, Ngân hàng Bắc Á cũng như tòa tối cao không có lý do gì để bác được điều đó.

Bà Nhiễu đau sót khi nhìn khối tài sản bị hủy hoại theo thời gian

Còn anh Lê Minh Tân khẳng định: “Tôi đúng trên mọi phương diện, vì đất do chính tôi đứng tên, điều này bản án có ghi rõ. Và tôi không có nghĩa vụ bồi hoàn thiệt hại cho ngân hàng, cũng không bảo lãnh cho anh Cương đi vay. Đáng lý tôi phải được bảo vệ quyền và tài sản. Và suốt gần 20 năm qua Ngân hàng Bắc Á đã và đang xâm hại quyền và tài sản của tôi, chiếm giữ giấy tờ nhà đất, việc này cơ quan pháp luật cần cương quyết xử lý”.

 Trong nội dung đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng và Báo LĐ&XH, bà Nguyễn Thị Nhiễu đã gửi kèm nhiều tài liệu quan trọng để chứng minh vụ việc “Thủy cung Thăng Long” kéo dài nhưng chưa có hồi kết đã gây ra cho gia đình bà nhiều sóng gió, gia đình, con cái rơi vào bi kịch... Bà Nhiễu cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bố tôi là liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chồng là đại tá Lê Triệu (đã mất) người có công trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ và chống chiến tranh biên giới, bản thân tôi là cựu thanh niên xung phong”...

Dẫn chúng tôi đi thăm quan dự án ao Thùy Dương và khách sạn Alamaz (thuộc dự án xây dựng và kiến thiết Hồ Tây) bà Nhiễu không khỏi xót xa khi hàng ngày nhìn đống tài sản của mình trong khách sạn bị mối mọt, bụi bặm bao phủ, tường nhà bong tróc.

Để tránh vụ việc kéo dài và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình chính sách, bảo vệ tính nghiêm minh của luật pháp, dư luận đang chờ một phán quyết công minh từ cơ quan thực thi pháp luật!.

TUẤN PHẠM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh