Một “chân dung tự họa” sinh động của thần đồng thơ Việt
- Văn hóa - Giải trí
- 18:06 - 23/04/2016
Chân dung “lão” rõ ngay từ “Lời tựa” cuốn sách có nhan đề “Chuyện Lão Khoa” của nữ phóng viên Hà Vân của “Nhà báo & Công luận” với cách viết rất chi là hóm, rất tếu, đúng điệu Trần Đăng Khoa. Vậy thì tốt nhất là tôi cũng học theo cách nói, cách viết hóm hỉnh, tếu táo của “lão” mới mong chuyển đến bạn đọc “chân dung tự họa” mà “lão”… vô tình chưng ra.
Nhà thơ thần đồng sinh ngày 26/4/1958, vị chi mới hơn năm chục tuổi, mặt mũi thì trơn láng, răng còn chắc khỏe như…thời “thần đồng”, cằm chưa có sợi râu nào thì phải, nhưng lại thích xưng là “lão”. Nhân đây xin “khoe” rằng tôi mới “phát hiện” ra mình có “vanh dự” ngày sinh tháng đẻ trùng với thần đồng thơ đất Việt! (tất nhiên là tôi khóc oe oe chào đời trước lão suýt soát hai chục năm, thời phong kiến lạc hậu nên... hơi bị ngu!) Cũng “khoe” luôn là chẳng hiểu làm sao tôi may mắn được lão tặng cuốn sách nhân dịp ra Hà Nội dự Đại hội Nhà văn năm ngoái, lại còn ghi “Quý yêu ông anh...”
Nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Cuốn sách đọc rất thú và bổ ích cho nhiều lớp độc giả, vậy mà mãi đến nay mới dám lách cách gõ bàn phím những dòng này vì “hầu chuyện” một người quá nổi tiếng, chữ nghĩa biến hóa khôn cùng như Trần Đăng Khoa thì... hãi lắm, kinh lắm - chữ lão hay dùng đó - không khéo ất ơ khen nhầm chỗ dở, hoặc làm cuốn sách hay thành dở, sau này gặp nhau, lão không thèm chào thì nguy to, nhất là nay lão có chân trong “lục trụ” triều đình Hội Nhà văn, tức là lão đứng trên đầu trên cổ mình. Nhưng rồi nghĩ ra “mẹo”, mình không khen hay - dở gì sất - ngoại trừ “Lời tựa” của Hà Vân - chỉ nói mình thích và kể ra trong sách có những chi cho thiên hạ biết, vậy thôi.
Ở trên đã viết cuốn sách có 80 bài; nay nói thêm là có bài rất ngắn, chỉ hơn trang sách - trừ phần câu hỏi của bạn đọc thì phần lão viết chưa đầy trang. Người hỏi phần lớn là học sinh, giáo viên xoay quanh những bài thơ và giai thoại trong cuộc đời của lão. Ví như bài “Cuộc chơi mà Tổng thống Mỹ không tham dự được”, câu hỏi của hai bạn đọc chiếm gần 2 trang, “thắc mắc” vì sao tác giả lại sửa phần cuối bài thơ “Kể cho bé nghe”, NXB Kim Đồng in năm 2001? Hỏi vậy vì sách cũ in có câu: “Ngu xuẩn nhất nhì / Là Tổng thống Mỹ”, nhưng sách in mới sửa lại là “Ríu ran cành khế / Là cậu chính chòe / Hay múa xập xòe / Là cô chim trĩ…” Một câu hỏi “hóc búa”, người mà đầu óc chỉ số IQ hơi bị…thấp hoặc ngại chuyện “nhạy cảm”, ắt sẽ làm bài “lờ”, nhưng lão thì hết đăng lên báo và nay in thành sách:
“Đoạn nói về Tổng thống Mỹ là văn bản đầu tiên viết từ năm 1967... Chú sửa để bài thơ giữ được cái hơi tự nhiên, trong sáng, nó hợp với không khí đồng dao của toàn bài chứ không phải vì Tổng thống Mỹ. Nói về Tổng thống Mỹ lúc ấy như thế, đến bây giờ chú vẫn nghĩ là không sai... Nếu Tổng thống Nixon sáng suốt thật sự thì ông ấy đã chẳng “ngã ngựa” giữa đường. Chú sửa câu thơ ấy là vì, có nó, cả bài thơ mất đi sự hồn nhiên. Đây là cuộc chơi chỉ có chó, mèo, cào cào, châu chấu mà Tổng thống Mỹ không thể can dự vào được...”
Chuyện chính trị và nghệ thuật thơ mà lão viết “ngon ơ” trong có mấy dòng. Tôi trích gần hết bài trả lời của lão - mà có lẽ chỉ trích một bài thôi, kẻo lão kiện “ông anh quý yêu” đạo văn để lấy nhuận bút thì sự nghiệp trong sạch gần tám thập kỷ của mình tiêu tan. (Viết đến đây, chợt muốn “nói riêng” với lão: Này, chú mi khôn thật! 80 câu hỏi của Thượng Đế, rồi nhiều bài thơ được dẫn ra in lại, có khi chiếm gần trăm trang, “bỗng dưng” Trần Đăng Khoa được hưởng nhuận bút cả! Nói tếu theo kiểu lão cho vui, chứ lão chắc cần chi tiền, năm nào cũng có sách in lại, báo nào cũng muốn đặt lão viết bài mà...) Không trích dẫn thêm, nhưng phải bổ sung rằng, lão không chỉ hầu chuyện các học sinh, cô giáo khi phân tích nghệ thuật và kể kỷ niệm các bài thơ viết từ tuổi thơ của mình như “Góc sân và khoảng trời”, “Sao không về Vàng ơi”, “Mưa”, “Khi mùa thu sang”... mà còn bàn về nhiều tác giả lớn trong nước và thế giới như Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Duy, Lê Lựu... cho đến Sergei Yesenin (nhà thơ thiên tài Nga), Mạc Ngôn (nhà văn Trung Quốc - Nobel văn học)...
Có tác giả trẻ hẳn là còn ít người biết như nhà văn Fallko Henig (Đức), chỉ trong một lần gặp trong chuyến thăm Đức, Trần Đăng Khoa đã kể lại trong một bài viết dài 7 trang với rất nhiều chi tiết sinh động, bất ngờ. Ví như nhân bàn đến cuốn tiểu thuyết của Fallko Henig được tái bản nhiều lần với cái tên khá kỳ lạ “Cái gì cũng ăn cắp cả”, nhà văn trẻ nói với lão Khoa: “...Ngay cả anh nữa, anh có dám chắc với tôi rằng, anh là một kẻ lương thiện không?... Anh là nhà văn. Anh sống bằng nghề văn. Cốt truyện anh lấy từ đời sống. Rõ ràng đấy là chuyện của người khác. Anh biến thành tác phẩm của anh. Rồi anh thành người nổi tiếng. Anh có tiền đút túi. Thế thì rõ ràng anh cũng là một kẻ cắp...” Lập luận khá... kỳ cục, nhưng lão Khoa không bác bỏ, chắc là lão muốn để bạn đọc... cười cho vui, nhưng biết đâu rồi sẽ tự “liên hệ” mình đã “ăn cắp” cái gì đó trong đời! Điều nữa, cũng cần bổ sung là trong sách cũng có một số bài dài trên 10 trang, viết công phu như mấy bài in ở cuối sách (bài trả lời về cuốn sách “Hạnh phúc đích thực” của thiền sư Thích Nhất Hạnh và hai bài về Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Một mảng nữa trong cuốn sách cũng rất đáng kể là khi lão hầu chuyện các Thượng Đế tò mò về những giai thoại, về đời sống riêng tư của lão. Chỉ đọc các nhan đề đã thấy lắm trò vui: “Chuyện lão Khoa ve gái”, “Sự thật chuyện lão Khoa đi buôn”, “Lão Khoa làm cố vấn ái tình”, “Cách mua sắm của lão Khoa”…; rồi chuyện về người mẹ, về người anh - nhà thơ cũng rất tài hoa Trần Nhuận Minh…
Vì thế, như trên tôi đã viết, “Hầu chuyện Thượng Đế” bổ ích cho nhiều lớp người; và ta có thể hình dung cuốn sách như một bữa tiệc phong phú, đồng thời là một “chân dung tự họa” của lão, sinh động là cái chắc, nhưng chân thực hay không thì có... Trời mới biết. Vì lão là nhà văn, có quyền “hư cấu” mà. Đó là chưa kể ngôn ngữ của lão có thể phù phép bịa chuyện như thật! Bạn không tin, tìm sách đọc sẽ thấy...
Một sự tình cờ - nếu như bài này được đăng vào tháng 4 thì coi như đó là “món quà” nhỏ mừng sinh nhật “Lão”; tất nhiên là tôi cũng vui vì được “ăn theo” Thần đồng Thơ Việt...