“Món ngon vùng miền” chào năm mới 2018
- Văn hóa - Giải trí
- 16:43 - 08/12/2017
BTC Chương trình cho biết, gần 100 đồng bào của 11 dân tộc (Tày, Dao, Mông, Thái, Mường, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, RagLai, Ê Đê, Khmer) đến từ 11 tỉnh thành trên cả nước (Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng) cùng Nhà hát Tuồng Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam sẽ tham gia sự kiện. Ngoài ra, BTC cũng huy động thêm nhiều đồng bào dân tộc Mông (tỉnh Điện Biên), La Chí (tỉnh Hà Giang), Tày, Nùng (Cao Bằng)... tham gia.
Du khách sẽ có cơ hội hòa mình vào không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc miền Tây Bắc, Đông Bắc với điểm nhấn là không gian văn hóa chợ vùng cao có chủ đề “Chợ phiên vùng cao đầu năm mới”. đến từ các tỉnh cho hoạt động hằng ngày. Đây cũng là điểm nhấn của chuỗi hoạt động “Món ngon vùng miền” mang đậm sắc màu các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc. Những người dân tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng mang hương vị ẩm thực dân tộc cho du khách nếm thử: thắng cố, mèn mén, xôi nếp bảy màu, gà quay dân tộc, lợn quay, nấu rượu ngô người Mông, cá nướng, canh vón vén… Tại đây, du khách có thể mua được những sản vật đặc trưng địa phương như: thổ cẩm, nhạc cụ, đồ khô sản vật, rượu, măng, miến, rau, củ, quả tươi... và tìm hiểu các nghề thủ công truyền thống: đan lát, dệt thổ cẩm, làm nhạc cụ, nấu rượu. Đặc biệt, không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian xuống chợ của đồng bào dân tộc; không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian; không gian ẩm thực giới thiệu sản vật của các dân tộc Mông, Dao, Thái, Mường, Khơ Mú, Tày...
Ảnh minh họa
Đặc biệt, BTC sẽ giới thiệu nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông tỉnh Điện Biên. Đây là kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải - một loại hình tri thức dân gian về nghề thủ công truyền thống đã gắn bó với đồng bào Mông từ ngàn xưa, phản ánh cá tính, ước vọng của con người. Năm 2017, nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của đồng bào dân tộc Mông xã Sa Lông huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trong tháng 12/2017, Ban Tổ chức tái hiện Tết Khu Cù Tê - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của dân tộc La Chí, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Đây là ngày Tết dân gian truyền thống lớn nhất, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người La Chí, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nhân dịp này, đồng bào La Chí sẽ giới thiệu một số món ăn đặc trưng. Tại Làng cũng sẽ diễn ra Hội thi thổi cơm của đồng bào dân tộc Thái tỉnh Sơn La. Đồng bào sẽ chuẩn bị nguyên liệu thô, giã thóc thành gạo, lấy lửa tự nhiên, nấu cơm trong không khí vui vẻ, ấm cúng dịp đầu năm mới. 15 người sẽ được chia làm 5 đội, thực hiện đồ xôi với 5 chõ đồ màu sắc đỏ, tím, vàng, xanh và trắng. Sau đó, các nghệ nhân sẽ trình bày “Mâm cơm đoàn kết” đón chào năm mới...
Ngoài ra, trong các dịp cuối tuần sẽ có chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống “Rạng rỡ quê hương” của Nhà hát Tuồng Việt Nam; Chương trình biểu diễn Rối cạn “Chào năm mới” của diễn viên, nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam; Chương trình biểu diễn nghệ thuật Xiếc chào năm mới” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam… Các hoạt động này góp phần bảo tồn, phát huy, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống; tăng cường giao lưu giữa các dân tộc nhân dịp đầu năm mới 2018; đồng thời thu hút khách du lịch, hình thành điểm đến tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng trưng bày, giới thiệu các bức ảnh về cảnh sắc, cuộc sống và con người vùng cao với chủ đề “Sắc màu vùng cao”; tái hiện không gian giới thiệu nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông tỉnh Điện Biên; tái hiện Tết Khu Cù Tê - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của dân tộc La Chí tỉnh Hà Giang, hội thi thổi cơm của đồng bào dân tộc Thái tỉnh Sơn La... Không khí vui tươi phấn khởi dịp đầu năm mới sẽ được tạo nên khi du khách cùng đồng bào các dân tộc trải nghiệm không gian Làng Văn hóa, giao lưu dân ca, dân vũ và trò chơi dân gian.