Mỗi xã, phường có ít nhất 1 trường mầm non công lập
- Giáo dục nghề nghiệp
- 11:23 - 22/10/2022
Ông Mai Phương Liên, Phó trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở GD&ĐT) cho biết, căn cứ trên thực tế quy mô của các đơn vị, TP Thủ Đức và 21 quận, huyện đã tiến hành rà soát và sắp xếp lại các đơn vị có quy mô chưa phù hợp.
Trong đó ngành học Mầm non đã sắp xếp, sáp nhập thành 17 trường mới từ 32 điểm trường có qui mô nhỏ, dự kiến sắp tới sẽ tiếp tục sáp nhập thêm 11 trường.
Cũng theo đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM, không sáp nhập các trường mầm non vào các trường phổ thông; đảm bảo quyền lợi đến trường của trẻ em; đảm bảo mỗi xã, phường có ít nhất 1 trường mầm non công lập.
Ngoài ra TP còn thực hiện nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt tại các địa bàn đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, tiếp tục phát triển các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục để giảm áp lực cho các trường mầm non công lập.
Trong năm học 2021 - 2022, thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 18 dự án xây dựng mới, nâng cấp và mở rộng các cơ sở giáo dục mầm non, với tổng kinh phí lên đến hơn 630 tỷ đồng. Tổng số phòng học mới đưa vào sử dụng là 205 phòng học, tăng thêm 113 phòng học so với năm học trước.
Song song đó, kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ, thu hút giáo viên mầm non công lập theo Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND ngày 6/7/2017, Nghị quyết 04/2021/NQ-HĐND ngày 23/3/2021 của Hội đồng Nhân dân TPHCM là hơn 202 tỷ đồng (trong năm 2021) và 190 tỷ đồng (năm 2022).
Để chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023, TPHCM dự kiến chi khoảng 129.866 triệu đồng để TP Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện sửa chữa, mua sắm trang thiết bị trong hè cho các cơ sở giáo dục mầm non.