CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:46

Môi trường thượng nguồn sông Hương bị đe dọa nghiêm trọng

Giữa tháng 9/2016, dù không có mưa lũ nhưng nước sông Hương vẫn chuyển màu đỏ gạch 

Nhưng với hàng loạt bãi cát sạn mọc lên nhan nhãn, nhiều doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp với hình thức sản xuất thô sơ nằm dọc 2 bờ cả phía thượng lẫn hạ nguồn sông Hương như hiện nay, Quần thể Di tích Huế có vươn lên để trở thành Di sản Cảnh quan Văn hóa Thế giới được hay không?

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế có viết: “Cảnh quan thiên nhiên luôn được xem là thành tố quan trọng trong cơ cấu không gian kiến trúc nói chung và trong không gian một di sản (vật thể) nói riêng. Đối với quần thể di tích Cố đô Huế - khu di sản văn hóa thế giới đầu tiên  của Việt Nam, thì yếu tố cảnh quan thiên nhiên lại càng có ý nghĩa quan trọng. Ngay từ khi mới hình thành đến khi trở thành một quần thể hoàn chỉnh, các di tích kiến trúc của Huế luôn gắn bó mật thiết với cảnh quan thiên nhiên rộng lớn bao quanh, trong đó dòng sông Hương đã trở thành một nhân tố đặc biệt mang tính kết nối nối của cả hệ thống. Bởi vậy, việc bảo tồn di sản văn hóa cố đô Huế một cách bền vững không thể tách rời việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên gắn liền với dòng sông Hương.”

Cũng theo tham luận này thì: “Nếu lấy Kinh thành Huế làm trung tâm có thể tính từ chùa Thiên Mụ đến chân núi trường Sơn nơi sông Hương bắt nguồn là vùng thượng nguồn. Thời Nguyễn, triều đại này vẫn tính từ đồi Long Thọ (Long Thọ Cương) trở lên là bắt đầu của “Thiên Địa trục”, nơi linh cửu các vị hoàng đế triều Nguyễn thường dừng lại trước khi được đưa về nơi cõi vĩnh hằng.” Khu vực thượng nguồn sông Hương nói nôm na là nơi yên nghỉ của các vua chúa thời Nguyễn và ngày nay, các lăng tẩm Hoàng gia triều Nguyễn đã trở thành một phần trong Quần thể di tích Cố đô Huế, như: Lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định… Bên cạnh đó là hàng trăm chùa chiền, miếu mạo có tiếng ở xứ Cố đô.

Hiện nay, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên phía thượng nguồn sông Hương, như: thủy điện, nông lâm nghiệp với các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ chất thải hóa học hay hoạt động khai khoáng đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan văn hóa 2 bên bờ sông, tác động tiêu cực đến hạ du. Trong đó, hoạt động khai thác cát sạn phía thượng nguồn sông đã làm nhiều đoạn sông bị sạt lở nặng trong nhiều năm qua, nước sông bị ô nhiễm, đe dọa khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích. “Trong số hàng trăm bến bãi, địa điểm khai thác cát lớn, đã trở thành địa điểm như công trường xây dựng, hàng trăm ghe thuyền lớn nhỏ, hàng trăm vòi rồng hút cát rầm rập cả ngày lẫn đêm. Di tích bị xâm hại, các cột mốc ngày xưa dưới thời vua Gia Long cắm để bảo vệ lăng tẩm bị mất dần, sạt lở có nơi bị khoét sâu vào tuyến Quốc lộ 49 khoảng 1m gây mất an toàn nghiêm trọng”, TS. Phan Thanh Hải phản ánh trong tham luận. Không những thế, nhiều bến bãi còn “cắm” ngay giữa lòng khu dân cư đông đúc, trước mặt trường học, trụ sở chính quyền địa phương,…

Hai bên bờ thượng nguồn sông Hương thường xuyên xảy ra sạt lở trong những năm gần đây. Một phần nguyên nhân của sự việc là do nạn khai thác cát sạn lòng sông bừa bãi

Trong khi đó, một số hoạt động khác như mỏ đá, phát triển tiểu thủ công nghiệp với lối sản xuất cũ kỹ, lạc hậu cũng đã và đang đe dọa đến môi trường cảnh quan hai bên bờ thượng nguồn sông Hương. Một trong những cơ sở tiểu thủ công nghiệp đang gây bức xúc lớn cho người dân trong khu vực đó là cơ sở tái chế giấy phế liệu Thủy Bằng (thôn Cư Chánh 2, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy). Cơ sở tái chế giấy phế liệu nằm ở một ngọn đồi nhỏ đầu đường dẫn vào bến đò Than. Trong bán kính từ 200 – 500m xung quanh cơ sở này có Lăng vua Thiệu Trị, Lăng Sọ (hay còn gọi là lăng Cơ Thánh, nơi an nghỉ của cha vua Gia Long), Điện Hòn Chén.

Theo đơn phản ánh của người dân địa phương, cơ sở này đã tồn tại đến nay khoảng 20 năm. Những năm đầu, chỉ có 1 máy tái chế giấy với khoảng 5 – 7 công nhân làm việc và hoạt động 24/24. Chất đốt chủ yếu được cơ sở này sử dụng là than đá. Khi mùa mưa đến, nước thải từ nhà máy này chảy tràn xuống khu dân cư, xuống đường đi, xuống ruộng. Mùi hôi thối phát tiết từ cơ sở ra không chỉ người dân sống xung quanh mà ngay cả người qua đường cũng ngửi thấy.

“Hiện nay, do làm ăn có lời nên chủ cơ sở tái chế giấy đầu tư phát triển thêm 4 – 5 máy, với khoảng 20 công nhân chia thành nhiều ca làm việc cả ngày lẫn đêm. Nhà máy này thu mua cả củi gỗ làm chất đốt để đốt lò, một ngày tiêu thụ củi đốt tương đương 5 – 6 lò gạch. Hàng ngày, người dân sống xung quanh phải hít thở và hứng chịu khói bụi, tro bay ra từ nhà máy, nhất là khi trời trở gió, khói từ nhà máy bay phủ kín cả một vùng. Khắc nghiệt hơn nữa là cứ vào buổi chiều, công nhân nhà máy lột keo, cao su dán két dồn lại rồi cho vào lò đốt tạo ra những cột khói đen ngòm, cùng mùi hôi khắc độc hại, khó chịu. Chưa kể chất thải trong nhà máy đổ xuống sông Hương để hàng ngàn người dân TP. Huế hứng chịu hay đổ đi đâu không thấy”, người dân phản ánh trong đơn.

Qua thực tế chúng tôi cũng nhận thấy từ cơ sở này có 2 ống dẫn nước loại to nối trực tiếp từ nhà máy xuống sông Hương. Khu vự phía sau nhà máy có 2 bể lắng nước thải chứa đầy nước thải màu đỏ ngòm của phẩm màu. Và, chỉ có chủ cơ sở, công nhân và trời mới biết nguồn nước thải này có được lọc kỹ rồi mới thải xuống sông hay khi nào bể lắng lọc phát huy tác dụng mà thôi.

Bể lắng chứa nguồn nước thải và 2 ống dẫn nước nối trực tiếp xuống thượng nguồn sông Hương của cơ tái chế giấy Thủy Bằng

Cũng nằm trong khu vực này, một ngọn đồi vốn hiện hữu ngay bên bờ sông Hương nay đã biến mất trước việc khai thác mỏ đá của một đơn vị khai khoáng.

Một quả đồi vốn hiện hữu ngay bên bờ sông Hương nay đã bị một đơn vị khai khoáng "gọt" để lấy đá phục vụ xây dựng

Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, khai khoáng ở phía thượng nguồn sông Hương đang gây ảnh hưởng đến cảnh quan sinh thái đang cần được bảo vệ. Theo TS Phan Thanh Hải, sông Hương là một trong 5 dòng sông đặc biệt đã được Trung ương liệt vào danh sách cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Những hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan 2 bên bờ sông, trong bán kính 50m tính từ bờ sông đi vào đều không được thực hiện.

Trong tham luận “Vai trò cảnh quan sinh thái đôi bờ sông Hương – đô thị sinh thái thành phố di sản Cố đô Huế”, PGS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia có dẫn: Bàn về “chính sách lồng ghép quan điểm phát triển bền vững vào quy trình của Công ước Di sản văn hóa thế giới”, UNESCO xác định “Bên cạnh việc bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của các di sản thế giới, các quốc gia thành viên cần nhận diện và phát huy các tiềm năng di sản có thể mang lại cho xã hội. Đồng thời, các thành viên quốc gia cũng cần đảm bảo rằng chiến lược bảo tồn và quản lý của mình phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững rộng lớn hơn. Trong quá trình này, cần đảm bảo rằng những giá trị nổi bật toàn cầu không bị ảnh hưởng.”

CAO TIẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh