THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:28

Mối tình Hàn Mạc Tử - Kim Cúc, người trong cuộc nói gì?

 

                                                                                       Thi sĩ Hàn Mặc Tử

Hàn Mạc Tử là một hồn thơ quằn quại, tứa máu. Đó là một thế giới thơ điên loạn chưa từng có. Tuy vậy, bên những dòng thơ điên loạn ấy, vẫn có những vần thơ trong trẻo đến lạ thường. “Đây thôn Vĩ Dạ” trong tập “Thơ điên” là một bài thơ như thế. Hàn Mạc Tử làm bài thơ này để tặng người đẹp Hoàng Thị Kim Cúc và mối tình thơ giữa hai người đã trở thành đề tài bàn luận của nhiều tác giả trong nhiều thập niên qua. Bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” cũng đã làm cho thôn Vỹ, một làng quê bình thường ở Huế trở nên nổi tiếng, khiến cho du khách trăm miền khi đến Huế phải tìm thăm. Sao anh không về chơi thôn Vỹ / Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên/ Vườn ai mướt quá xanh như ngọc / Lá trúc che ngang mặt chữ điền/ Gió theo lối gió mây đường mây/ Dòng nước buồn tênh hoa bắp lay /Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay...

Mối tình Hàn Mạc Tử - Kim Cúc sinh ra bài thơ tuyệt bút “Đây thôn Vỹ Dạ” là có thật, cũng không phải đơn phương mà ở cả hai phía. Nhưng người đời lại thêu dệt nên quá nhiêu giai thoại ly kỳ, sai lệch về mối tình này trong những cuốn sách của họ. Cả những tác giả rất thân thiết với Hàn Mạc Tử như cụ Quách Tấn, Trần Thanh Mại, em trai nhà thơ là Nguyễn Bá Tín… cũng vậy. Cả nhà thơ Chế Lan Viên, rất yêu Hàn Mạc Tử, cũng đã làm cho bà Kim Cúc phật lòng. Thế hệ sau này cũng có những sai sót lặp lại khi viết về mối tình Mạc Tử- Kim Cúc. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của bà Kim Cúc (1913 - 2013), tháng 8/2013, NXB Đà Nẵng đã ấn hành tập sách “Lá trúc che ngang - chuyện tình của cô tôi” của bà Hoàng Thị Quỳnh Hoa, cháu gọi bà Hoàng Thị Kim Cúc là cô ruột. Cuốn sách dày 198 trang gồm 3 phần. Phần I: Nói lại (hay đính chính) những điều mà lâu nay các tác giả viết sai, tưởng tượng thêm về mối tình Hàn Mạc Tử - Kim Cúc, theo nguyện vọng tha thiết của bà trước khi “rời cõi tạm”. Phần II là chân dung bà Hoàng Thị Kim Cúc, một nhà giáo mô phạm, một cuộc đời cư sĩ. Một hành giả tu tại gia, không lấy chồng. Nhưng cũng có tác giả nghĩ sai về mục đích tu hành là “để đêm ngày hương hoa tụng niệm, tưởng nhớ mối tình bất diệt của thi sĩ” thì thật quá đáng. Thư bà Kim Cúc gửi cho anh trai (là bố của tác giả Quỳnh Hoa) viết: “... các nhà viết sách tìm tòi, moi móc những mẩu chuyện không đúng sự thật... nhưng thật ra thì câu chuyện không có gì bí ẩn, cũng thường tình như bao nhiêu chuyện tình khác thôi...”. Phần III là thủ bút bài thơ “đây thôn Vỹ Dạ”, “Sao Vàng Sao” của Hàn Mạc Tử tặng mà Kim Cúc lưu giữ được, thủ bút của Kim Cúc, những bài thơ và văn xuôi của Kim Cúc với bút hiệu Hoàng Hoa. và những bài thơ của bằng hữu viết tặng Kim Cúc sau khi biết được cô là người yêu đầu tiên của Hàn Mạc Tử. Kim Cúc cũng có bài thơ “Ở đây thôn Vỹ” viết năm 1941, một năm sau khi Hàn Mạc Tử qua đời với bút hiệu Hoàng Hoa thôn nữ: Bao năm hoa sống nơi thôn Vỹ / Thầm giữ trong lòng một ý thơ... / Hồn anh lẩn khuất tận mô xa / Hoa biết cùng ai thổ lộ ra... Những thủ bút, những bức thư lưu lại, những bài thơ của hai người mà bà Kim Cúc lưu giữ cẩn thận và trước khi mất đưa hết cho cháu ruột là Hoàng Thị Quỳnh Hoa. Nhờ đó cuốn sách nói lên toàn bộ sự thật về mối tình Hàn Mạc Tử - Kim Cúc. Phần cuối sách còn có những trang ảnh quý về Hàn Mạc Tử và Kim Cúc, gia đình Kim Cúc và thư từ qua lại giữa Kim Cúc với các nhà văn. Phải nói rằng đây là cuốn sách viết về Hàn Mạc Tử - Kim Cúc chính xác nhất, vì nó là sách của đứa cháu ruột, người trong cuộc viết theo  yêu cầu và tư liệu, thư từ, bút tích của cô mình để lại.  Xin điểm qua mấy điểm nhấn mà bà Quỳnh Hoa đã nhắc tới trong sách.

 

                                                                                   Bà Hoàng Thị Kim Cúc

Trước hết, đầu đề bài thơ Hàn Mạc Tử viết ban đầu là “Ở đây thôn Vỹ Giạ”, gửi tặng Hoàng Thị Kim Cúc năm 1939. Bài thơ nổi tiếng làm cho “nàng thơ” nổi tiếng theo. Nhưng sau đó những người biên tập đã bỏ chữ “ở”, sửa chữ “Giạ” thành chữ “Dạ”, thành bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ”. Em trai Hàn, Nguyễn Bá Tín viết: “Có nhiều người nặng óc giáo khoa chê chữ “ở” trong đầu đề hơi quê, không nhẹ nhàng, văn vẻ, vì vậy tự động bỏ chữ “ở” đi cho ngắn gọn”(NBT: Hàn Mạc Tử trong riêng tư). Việc này nằm ngoài ý muốn của Hàn Mạc Tử. Về câu thơ “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”, nhiều nhà phân tích cho rằng, mặt chữ điền là mặt đàn ông. Có người lại  cho rằng “mặt chữ điền” là Hàn Mạc Tử viết về cái bình phong trước cổng mà ngôi nhà nào ở Huế cũng có.v.v.. Nhưng trong sách bà Hoàng Thị Quỳnh Hoa viết: “Tôi giống Cô ở cái mặt vuông chữ điền, khuôn mặt được thi vị hóa trong một bài thơ của thi sĩ Hàn Mạc Tử”. Đúng như nhà thơ Hà Nhật đã viết: ...Mặt chữ điền, chứ nhất định không phải là mặt trái xoan! Ngày trước, người Huế không thích những tiêu chuẩn đẹp quen thuộc của xứ đàng ngoài. Các đời vua triều Nguyễn ngày trước không bao giờ tuyển người đẹp xứ Bắc vào cung.  Chỉ có người đàng trong mới có khuôn mặt đẹp chữ điền, đẹp mà kín đáo, phúc hậu và trang trọng, quý phái”.

Câu thơ mở đầu bài thơ “Sao anh không về chơi thôn Vỹ” có người cho rằng đó là lời của Hoàng Cúc mời Tử. Quách Tấn viết thư cho Kim Cúc: “Cô gái Vỹ Dạ trong bài “Sao anh không về chơi thôn Vỹ” có phải là chị chăng ?.Và có phải do chị gửi tặng Tử một phiến ảnh chụp bên khóm trúc với lời mời về thăm thôn Vỹ chăng? (thư ngày 23/3/1971). Bà Kim Cúc đã trả lời Quách Tấn: “Thưa ông, bức ảnh đó chỉ là bức ảnh phong cảnh chụp ảnh hoàng hôn mua ở phố. Trong ảnh không có cô gái nào khác ngoài cô chèo đò. Cô gái mà ông hỏi đó là do sức tưởng tượng của thi nhân...”... “Ngoại trừ bức ảnh phong cảnh đó và bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Dạ”, thì Tử và tôi không có thư từ gì cho nhau nữa cả” (15/4/1971). Thế mà 17 năm sau, trong cuốn “Đôi nét về Hàn Mạc Tử”, Quách Tấn vẫn viết “Khi Tử đau nằm ở Quy Nhơn, Hoàng Cúc có gửi vào một tấm ảnh “cô gái Huế” với lời mời “ra chơi thôn Vỹ”. Nghĩa là nhà văn Quách Tấn đã cố tình hiểu câu thơ đó là lời mời Tử của Hoàng Cúc. Tác giả Quỳnh Hoa kết  luận: “Thực ra câu thơ như lời mời ấy là thi sĩ cảm hứng viết ra, không liên quan gì đến Hoàng Cúc cả”. Đó là sự thật. Nhưng lại nghĩ, Hoàng Cúc không mời, nhưng trong thi hứng của Tử thì tình yêu đã mời gọi chàng về.

Ảnh minh họa: HT

 

Tác giả sách Lá trúc che ngang... cũng viết về sự nhầm lẫn của Nguyễn Bá Tín  trong cuốn hồi ký “Hàn Mạc Tử anh tôi”, viết rằng: “Cho tới khi anh đau nặng rồi năm 1939 chị Cúc còn cho anh một phiến ảnh 6x 9: Chị Cúc mặc áo lụa trắng như những cô gái Huế thời bấy giờ đứng trong vòm cây xanh mát. Anh làm ngay bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” . Vì thế mà có  hai câu thơ “Lá trúc che ngang mặt chữ điền và Áo em trắng quá nhìn không ra”.  Đó là suy luận sai sự thật, mà tác giả Quỳnh Hoa gọi là “bóp méo sự thật”. Nói cách khác đó là cách hiểu thơ thô thiển. Thơ là sản phẩm của trí tưởng tượng, không thể căn cứ vào từng câu thơ để suy đoán về hành trình của nhà thơ. Từ đó bà Hoàng Thị Kim Cúc đã có thư gửi “Cậu mợ Tín” (16/10/1987) nói rõ sự thật về những lần gặp gỡ giữa hai người: “...Tử có tới gặp tôi hai lần. Lần đầu chỉ nói bâng quơ vài câu rồi chào về. Lần thứ hai, Tử mạnh dạn trong dáng điệu rụt rè, lắp bắp mấy lời tỏ tình rồi đưa tặng tôi tập thơ “Bâng khuâng” với mảnh giấy nhỏ có ghi mấy hàng chữ. Tôi bàng hoàng rồi cũng rụt rè từ chối. Không nhận sách, không nhận thơ (thư)... Gần cuối năm 1936,  khi Tử về dự Hội chợ Huế, mang theo một xấp tập “Gái quê” vừa in xong. Có gặp tôi cùng đi với anh em trong hội chợ. Tử đưa tặng anh em tôi mỗi người một cuốn, có đề chữ tặng, không tặng tôi mà chỉ yên lặng đứng nhìn! Mấy hôm sau, Ngâm cho biết Tử có về nhà tôi ở Vỹ Dạ  mà lại đứng ngoài ngõ nhìn vô. Rồi từ ngày đó chúng tôi không gặp nhau lại, không thư từ thăm viếng, hứa hẹn, mỗi người một ngả...”. Cho đến năm 1939, khi Tử bị bệnh nặng, Hoàng Cúc mới gửi bưu thiếp với mấy lời thăm hỏi sức khỏe sau một tấm ảnh phong cảnh Huế...

Nhà văn Quách Tấn còn dàn dựng chuyện ông nội Kim Cúc không chấp nhận Tử vì chê thi sĩ “không  xứng mặt đồng sàng”. “Câu chuyện bịa đặt trên được đưa lên sân khấu, diễn đoạn Tử nhờ người đến cầu hôn, bị ông bà thân nhà gái từ chối, hắt hủi... diễn viên đóng vai ông bà nội tôi thì chua ngoa lắm”. Nghe thông tin sai lệch này, bà Kim Cúc xốn xang lắm, liền viết thư cho Quách Tấn (15/1/1971). Nhận được thư, Quách Tấn viết thư hứa sẽ sửa chữa. Nhưng 17 năm sau, trong cuốn “Đôi nét về Hàn Mạc Tử” (1988), Quách Tấn vẫn viết: “Tử muốn đưa tình yêu vụng lén đến cuộc hôn nhân. Nhưng hôn sự bất thành... vì thân sinh của Hoàng Cúc – lúc bấy giờ làm tham tá sở Đặc Điền mà Tử là Tùy thuộc - chê Tử không xứng mặt đồng sàng”. Trong cuốn “Hàn Mạc Tử trong riêng tư”, Nguyễn Bá Tín cũng có nhắc lại chuyện hư cấu này. Không chỉ về mối tình Tử – Cúc, mà cả về gia đình Hàn Mạc Tử cũng bị hư cấu những việc sai sự thật. Trong hồi ký  của Quách Tấn do Quê Mẹ xuất bản năm 1988, phần phụ lục có in bài của Trần Thanh Mại. Bà Như Lễ, chị ruột của Hàn Mạc Tử đã nói: “Trần Thanh Mại nói về trường hợp sanh Hàn Mạc Tử  một cách hết sức xuyên tạc! Ông nói rằng bà thân chúng tôi đã uống rượu lậu... và say lướt khướt. Do đó sanh ra Tử thiếu tháng. Cho nên Tử sinh ra chỉ bằng con nhái chàng nằm lỏng lẻo trong bàn tay một người lớn”. Không hiểu những hư cấu sai sự thật này nhằm mục đích gì ?

Sách “Lá trúc che ngang...” còn cho biết nhiều tác giả là nhà văn, nhà báo sau này, do không tìm hiểu mà lấy tư liệu người đi trước, nên cũng hiểu sai mối tình Hàn Mạc Tử - Kim Cúc. Ngay Chế Lan Viên cũng nhầm khi cho rằng bài “Ở đây thôn Vỹ Giạ” in trong tập “Nắng Xuân”. Bà Kim Cúc đã có lá thư dài gửi cho nhà thơ Chế Lan Viên ngày 10/9/1987: “Kg anh Chế Lan Viên. Hôm đọc xong tờ Sông Hương số 25 ra tháng 5/1987, tôi rất ngạc nhiên khi thấy anh nhắc đến tôi trong lời giới thiệu bài “Ông Nghị gật”... Tôi định viết thư thưa Anh rõ mấy điều hiểu lầm về tôi qua tập Nắng Xuân. Nhưng rồi nghĩ lại tôi yên lặng cho qua. Nhưng vừa rồi tôi lại đọc trong tập sách “Bài thơ thôn Vỹ”, trong bài Sông Thương, Sông Hương trong dòng văn học..., tôi cũng được Anh lưu tâm  giới thiệu với mấy điều ngộ nhận trên. Không hiểu Anh đã dựa vào đâu để nhắc đến tôi với mấy lời thiếu tế nhị trên... Tôi lấy làm phiền lòng hết sức”.

Rõ ràng khi đề tựa cho tập thơ tình tiền chiến “Đây thôn Vỹ Dạ” do Tạp chí Sông Hương xuất bản, trong bài tựa Sông Thương, Sông Hương... Chế Lan Viên viết: “... Lẽ nào không nhắc đến Hoàng Cúc. Chính Mai Đình mang đến tôi một tập “Nắng Xuân” có đăng bài “Sao anh không về chơi thôn Vỹ” của Tử tặng Cúc...”. Thực ra bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” Hàn Mạc Tử viết năm 1939, không ở trong tập “Nắng Xuân”. Sau khi đọc Lời tựa này, bà Kim Cúc đã viết thư phàn nàn  nhà thơ họ Chế. Chế Lan Viên đã phải viết lá thư dài tới 8 trang chữ li ti để thanh minh và xin lỗi. Hay như trong bài “Ba mối tình của Hàn Mạc Tử” của Kiêm Đạt in trong Phụ nữ diễn đàn (Mỹ - 1985), thông tin về cả “ba người tình” đều không đúng. Kiêm Đạt bịa ra rằng, “Bài thơ thôn Vỹ” là Hàn ghi lại “mối tình tinh khiết, tuyệt trần” với Thương Thương. Còn bịa ra Hoàng Cúc thì “...yêu thương vô cùng nhiệt”, làm cả thơ tặng Hàn đăng trên Tạp chí Sông Hương: “Người đã cho ta kỷ niệm đầu/ Và nghìn cay đắng, gởi về sau / Không gian mờ mịt, thời gian tím/ Ai biết chăng ai nỗi thảm sầu...”. Đến nỗi bà Cúc đã bực bội thảo một bức thư gửi ông Tổng biên tập tòa soạn Tạp chí Sông Hương, nhưng sau đó không gửi. 

Sách “Lá trúc che ngang... còn dẫn cụ thể, các tác giả Lữ Huy Nguyên trong cuốn “Hàn Mạc Tử thơ và đời” đã trích Quách Tấn cho rằng: “Hoàng Cúc không đẹp, nhưng thùy mị... giữ cốt cách và phong độ của một cô gái quê”. Bà Kim Cúc rất xinh gái, lại là gái Huế, dạy trường Đồng Khánh, sao lại quê được? Trần Thị Huyền Trang trong bài “Những bóng dáng khuynh thi” thì cho rằng: “Hàn Mạc Tử đã gọi nàng bằng cái tên rất thơ Hoàng Cúc”. Hàn không bao giờ gọi như thế cả.

PhanxiPăng trong bài “Sự thật về mối tình Hàn Mạc Tử - Hoàng Thị Kim Cúc và bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ” cũng có sai lầm tương tự. Hoàng Cúc là bút hiệu của  bà Kim Cúc từ trước khi biết Hàn Mạc Tử,  Phạm Xuân Tuyển trong sách “Đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử”, hay Vũ Hải trong cuốn “Hành trang cho thơ và sự trở lại chính mình của Hàn Mạc Tử”... cũng có những chi tiết cuộc đời hay nhận định sai về  bà Kim Cúc và mối tình của hai người: “Sinh thời lúc Hàn Mạc Tử còn sống, Kim Cúc chưa được nghe một lời tỏ tình trực diện hay một bức thư tình trực diện nào  do chính Hàn Mạc Tử thổ lộ với mình...”- thì cũng không đúng, vì theo lời cô (bà Kim Cúc) kể thì Hàn Mạc Tử đã hai lần đón đường Kim Cúc muốn làm quen, Tử có nói mấy lời “lí nhí tỏ tình” trực diện với Kim Cúc.  Đa phần những huyền thoại sai lạc là  lặp lại những sai trái của nhà văn Quách Tấn và Nguyễn Bá Tín.

  Hàn Mạc Tử sinh ra ở Lệ Mỹ, Đồng Hới, nên ông còn có bút hiệu Lệ Thanh. Trong bài thơ “Bóng mây qua” của Hoàng Hoa (Kim Cúc) có lời đề từ bằng hai câu thơ của Lệ Thanh: “Nước non muôn dặm tình đương nặng / Sự nghiệp trăm năm chí chửa thành”. Đây cũng là bài thơ Cúc viết về Tử: “Gặp gỡ nhau chi cái buổi đầu / Chữ chàng còn đó, bóng chàng đâu /Năm năm vắng mặt trên nhân thế / Để lại cho ai  mối thảm sầu…”. Nghĩa là không  yêu mà yêu. Không cầm tay mà tình rất đậm đà. Đó chính là mối tình thơ bất diệt.

Đây là cuốn sách đáng đọc. Tác giả Quỳnh Hoa “hy vọng từ nay về sau sẽ không còn sự hiểu lầm đáng tiếc nữa về mối tình đầu của thi sĩ. Từ nay về sau không còn ai có thể ly kỳ hóa một kỷ niệm êm đềm thơ mộng của cô tôi”. 

Nhà thơ Ngô Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh