Mối tình đơn phương của Hàn Mạc Tử
- Văn hóa - Giải trí
- 14:36 - 16/02/2015
Toàn cảnh thôn Vĩ Dạ thuộc TP. Huế.
Hàn Mạc Tử lấy thôn Vĩ Dạ làm trung tâm tiêu biểu cho Huế. Cảnh đẹp trong bài thơ không có cung điện, chùa chiền, lăng tẩm mà cảnh đẹp ở đây là thiên nhiên thật thơ mộng được chắt lọc chính xác và cô đọng trong ký ức, trong tiềm thức tư tưởng của nhà thơ với vườn cau xanh, khóm trúc biếc, dòng Hương lặng lờ trôi, con đò ngủ yên bên bến, vầng trăng bàng bạc, sương khói lung linh:
Sao anh không về thăm thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Và:
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Chân dung Hàn Mạc Tử.
“Dòng nước buồn thiu”, “Thuyền ai đậu bến...”, “có chở trăng về kịp tối nay?”. Một chút buồn đã nhập vào trong tâm dạ của thi sĩ, kéo theo cả không gian Huế đi vào một nỗi buồn trống vắng.
“Thuyền ngủ bên sông” khi trăng đã đầy khoang rồi mà không chịu rời bến. Vẻ đẹp trầm lặng, lững lờ muôn thuở của Huế đã làm “cháy lòng” các thi nhân và chính người viết bài này cũng đã có lần ngẩn ngơ trước bến Ngự Bình:
Ôm con thuyền sóng vô tình
Sóng ơi cứ vỗ cho mình vu vơ...
(Chia tay với Huế)
Mộ Hàn Mạc Tử.
Người đẹp xuất hiện! Xuất hiện trong sương khói bàng bạc mờ đi hình ảnh người mà bao tháng ngày tâm tưởng nhà thơ hằng mong đợi.
Em, có thật là em đấy không? Làm sao anh thấy rõ được bóng em? thấy rõ được tình em có đậm đà hay không? “khách đường xa đến”, “áo trắng nhìn không ra”:
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Bài thơ mở đầu bằng một câu hỏi của một thiếu nữ và được kết thúc bằng một câu trả lời, nhưng đồng thời cũng là một câu hỏi lại, vừa tế nhị vừa tinh tế của bài thơ, “Cốt để dò xem tình ý lạ”:
Ai biết tình ai có đậm đà
Nếu cho rằng nhà thơ trách móc về sự bạc tình, thiếu chung thuỷ của người yêu thì hoàn toàn không đúng. Tôi nghĩ rằng bài thơ xuất xứ trong một hoàn cảnh và không gian có thật cho một đối tượng cụ thể.
Bên mộ Hàn Mạc Tử.
Đối tượng đó là Kim Cúc. Thật ra thì Kim Cúc đâu đã nhận lời yêu Hàn Mạc Tử mà bảo là thiếu chung thuỷ? Nhà thơ đã tự chất vấn mình có ý hiềm trách một con người mà mình đã thầm yêu trộm nhớ.
Và đây là minh chứng, chị Kim Cúc đã tự trách mình. Thực tế lúc đó tôi đã 21 tuổi rồi sao mà “ngơ quá”. Chữ “ngơ” mà chị Kim Cúc dùng ở đây là ngây thơ, ngờ nghệch! Đúng là “ngơ” thật.
Người ta đã đến tặng sách, trao thư tỏ tình với mình, nếu mình không “ưng” thì cứ nhận đi, xem anh chàng này “trồng cây si” đến bao giờ?. Sau đó “tuỳ cơ mà ứng biến” thì đã sao.
Con gái đã 21 tuổi mà “chạy trốn” tình yêu như sợ ong đốt thì thật là dại!
Chúng ta tiếc thay! Nếu chị Kim Cúc mạnh dạn chút nữa, nhìn về phía trước, bước thêm mấy bước nữa vào vườn thơ của Hàn Mạc Tử, để cho nhà thơ tài hoa của dân tộc có dịp tung hứng sáng tạo, thì ngày nay chúng ta sẽ được thưởng thức thêm nhiều bài thơ tuyệt vời như “Đây thôn Vĩ Dạ”, “Cô gái đồng trinh”.
Ý chính của bài thơ là trả lời câu hỏi giả thiết của con gái Vĩ Dạ “Sao anh không về thăm thôn Vĩ”. Chúng ta sẽ lắng nghe nhà thơ trả lời: “Vĩ Dạ đẹp lắm, tôi biết, đẹp cả cảnh lẫn người, nhất là ở đó có người con gái tôi hằng ước mơ được gặp.
Nhưng sao người con gái ấy ngây thơ trong trắng quá, khiến tôi đâm ra ngỡ ngàng, tưởng như người xa lạ lại thêm ở đây sương khói mông lung quá, làm cho tôi không thấy rõ được lòng của người ấy đối với tôi có đậm đà hay không?
Mà khi chưa biết được điều đó, thì tôi chưa thăm Vĩ Dạ, vì có lần giai nhân đã từ chối không nhận thư của thi sĩ”. Do vậy “mối tình” của Hàn Mạc Tử với người đẹp Kim Cúc là một mối tình gần như đơn phương.
Đúng vậy, bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” được tác giả cảm xúc sau khi nhận được tấm hình một cô gái chèo thuyền trên dòng Hương thơ mộng mà Kim Cúc đã mua từ hiệu ảnh Tăng Vinh (Huế) gởi tặng Hàn Mạc Tử.
Theo tôi khi bình giảng bài thơ này, nhất là đối với các em học sinh, sinh viên, chúng ta không nên khai thác nhiều về mối tình của nhà thơ với Kim Cúc, bằng cách gán ghép, so sánh.
Chắp nối những hoàn cảnh, kết cấu những không gian sự việc, những câu thơ như “Cô gái đồng trinh”, những câu thơ không có dính dáng đến “mối tình’’ giữa nhà thơ và Kim Cúc như:
“Anh ánh lên cho nguồn sáng trong xanh
Đây là trăng? Thanh thuỷ đặc như tình
Đây là nước? Bờ hồn không dậy sóng”
(Bức thư xanh)
“Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ
Em có chồng rồi, hết ước mơ”
Hàn Mạc Tử rất nhạy cảm trước người đẹp và đã sớm khám phá ra một tâm hồn đẹp ẩn chứa trong một thanh nữ ở thôn Vĩ Dạ có dung nhan kiều diễm của xứ Huế mơ mộng giàu chất thi ca. “Đây thôn Vĩ Dạ”, là một bài thơ tình tuyệt vời, mãi mãi trường tồn trong nền văn học nước nhà.