Mở rộng cơ hội xét tuyển vào đại học
- Giáo dục nghề nghiệp
- 15:27 - 10/02/2017
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Hồ Chí Minh) chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi THPT.
ĐH Quốc gia TP.HCM ưu tiên xét tuyển bằng quy định riêng
ĐH Quốc gia TP.HCM xét tuyển dựa trên 5 phương thức: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GD-ĐT với 5% chỉ tiêu mỗi ngành. Ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của ĐH này với 15 - 20% chỉ tiêu mỗi ngành. Xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia với 50 - 80% chỉ tiêu tùy ngành. Thí điểm xét tuyển bằng kết quả kỳ thi kiểm tra năng lực tại Trường ĐH Quốc tế. Cuối cùng là xét tuyển 5% chỉ tiêu thí sinh (TS) khu vực Tây Nam bộ và Tây nguyên. Dù theo phương thức nào, TS vẫn phải đảm bảo 2 điều kiện sơ tuyển: tốt nghiệp và có trung bình cộng điểm trung bình 3 năm THPT từ 6,5 điểm trở lên (bậc ĐH) và 6,0 điểm trở lên (bậc CĐ).
Trong số 5 phương thức này, điểm đáng chú ý là ưu tiên xét tuyển bằng quy định riêng. Nếu năm ngoái, chỉ tiêu dành cho phương thức này chỉ tối đa 10% thì năm nay tăng lên 15 - 20% chỉ tiêu tùy ngành. Năm nay ĐH này cũng mở rộng số lượng trường THPT có học sinh (HS) được tham gia xét tuyển theo hình thức này. Bên cạnh 82 trường THPT chuyên và năng khiếu đã áp dụng năm ngoái còn có thêm 34 trường thuộc nhóm trường có điểm trung bình thi THPT cao nhất trong hai năm 2015 và 2016 (Xem thông tin trên thanhnien.vn).
Theo PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH này, việc xét tuyển HS 2 nhóm trường phổ thông này sẽ áp dụng điều kiện nhận hồ sơ tối thiểu gồm: tốt nghiệp năm 2017; đạt danh hiệu HS giỏi 3 năm THPT (hoặc là thành viên đội tuyển của trường hoặc tỉnh thành tham dự kỳ thi HS giỏi quốc gia); hạnh kiểm tốt 3 năm phổ thông. Thời gian nhận hồ sơ từ 15.5 - 15.6 và công bố từ 26 - 30.6.
Riêng với phương thức xét tuyển TS khu vực Tây Nam bộ và Tây nguyên, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa thông tin: đối tượng xét được quy hoạch đào tạo trình độ ĐH chính quy đáp ứng nguồn nhân lực tại địa phương. Bên cạnh đảm bảo đúng yêu cầu quy hoạch địa phương, TS diện này còn được xét dựa trên kết quả thi THPT hoặc kết quả kỳ thi kiểm tra năng lực được thí điểm tại Trường ĐH Quốc tế. Theo quy định của Bộ, các TS này có thể trúng tuyển với điểm thi thấp hơn ngưỡng đảm bảo đầu vào của Bộ 1 điểm và phải học bổ sung kiến thức sau khi nhập học.
Cũng theo PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, năm 2018 ĐH này sẽ tuyển sinh dựa trên bài thi đánh giá năng lực ở phạm vi toàn hệ thống. Còn năm nay bài thi đánh giá năng lực mới chỉ thí điểm ở Trường ĐH Quốc tế bằng bài thi SAT II.
Ưu tiên học sinh giỏi ngoại ngữ vào sư phạm
Theo phương án dự kiến, Trường ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh sẽ dành tối đa 20% chỉ tiêu từng ngành để tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển. Ngoài quy định tuyển thẳng của Bộ, trường xét tuyển thẳng TS vào các ngành ngôn ngữ: Nhật, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc; tâm lý học; tâm lý học giáo dục; công tác xã hội; quốc tế học. Các TS này đạt đủ điều kiện sau: tốt nghiệp THPT; IELTS 5,5 hoặc TOEFL iBT 61 điểm trở lên (các ngành ngoại ngữ khác có thể sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ khác); điểm trung bình từng môn lớp 12 theo tổ hợp xét tuyển (hoặc điểm trung bình 3 môn thi theo tổ hợp xét tuyển) từng ngành đạt 6,0 trở lên.
Xét tuyển bằng môn giáo dục công dân
Năm nay ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển 7.345 chỉ tiêu ở tất cả đơn vị thành viên, trong đó Trường ĐH Công nghệ 1.120, Trường ĐH Khoa học tự nhiên 1.420, Trường Khoa học xã hội và nhân văn 1.610, Trường ĐH Ngoại ngữ 1.225, Trường ĐH Kinh tế 680, Trường ĐH Giáo dục 300, Khoa Luật 400, Khoa Y dược 190, Khoa Quốc tế 400.
Ngoài các tổ hợp môn thi truyền thống, các đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội còn xét nhiều tổ hợp môn và bài thi mới, một số ngành lần đầu tiên còn đưa điểm thi môn giáo dục công dân vào để xét.
Cụ thể, Trường ĐH Công nghệ ngoài xét các tổ hợp A, A01 còn xét A02 (toán, lý, sinh), D05 (toán, sinh, Anh).
Trường ĐH Khoa học tự nhiên xét các tổ hợp A, A01, A02, A14 (toán, khoa học tự nhiên, địa), B, C01 (toán, lý, văn), C02 (toán, hóa, văn), C04 (văn, toán, địa), D10 (toán, địa, Anh), D07, D08, D90 (toán, khoa học tự nhiên, Anh).
Trường Khoa học xã hội và nhân văn xét các tổ hợp khối A, C, D truyền thống (trong đó D là từ D01 - D06), D78 - D83 (gồm văn, ngoại ngữ các thứ tiếng khác nhau, khoa học xã hội).
Trường ĐH Ngoại ngữ xét khối D truyền thống (từ D01 - D06), D78 (văn, khoa học xã hội, tiếng Anh), D90.
Trường ĐH Kinh tế xét tổ hợp A, A01, B, D01, C15 (toán, văn, khoa học xã hội), D96 (toán, khoa học xã hội, Anh).
Trường ĐH Giáo dục xét các tổ hợp A, A01, C00, C14, D01-D06 (D truyền thống), D90-D95 (toán, khoa học tự nhiên, các ngoại ngữ), D21-D25 (toán, hóa, các ngoại ngữ), D31-D35 (toán, sinh, các ngoại ngữ), D61-D65 (văn, sử, giáo dục công dân), D78-D83.
Khoa Luật xét các tổ hợp A, C, D01-D06, D78-D83, D90-D95.
Khoa Y dược xét các tổ hợp A, A01, B00, D07.
Khoa Quốc tế xét tổ hợp A, A01, D01, A12 (toán, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội).
Điểm đáng chú ý trong đề án tuyển sinh của Trường ĐH Luật TP.HCM năm nay là bổ sung các tổ hợp mới có môn giáo dục công dân để xét tuyển tất cả các ngành của trường (gồm: văn, giáo dục công dân, ngoại ngữ và toán, giáo dục công dân, ngoại ngữ). Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng Đào tạo trường này, cho biết kiến thức giáo dục công dân rất cần thiết với các ngành đào tạo của trường. Bên cạnh đó, điều này cũng giúp tăng thêm cơ hội xét tuyển cho TS bằng tổ hợp mới. Trường sẽ tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển kết hợp bài kiểm tra năng lực với tỷ lệ tính điểm như sau: Điểm học bạ 6 học kỳ (10% điểm trúng tuyển), thi THPT quốc gia (50%). Những TS vượt qua vòng xét tuyển sẽ làm bài kiểm tra năng lực do trường tổ chức (40% điểm trúng tuyển).
Quý Hiên - Hà Ánh
|
CÙNG CHUYÊN MỤC
“Xuân nồng ấm, trao yêu thương ” cho HSSV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Nhằm hỗ trợ động viên HSSV có hoàn cảnh khó khăn vượt khó vươn lên trong học tập và chuẩn bị đón Xuân Giáp Thìn, ngày 30-1, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ (thuộc Bộ...
11 tháng trước
Tin nên đọc