Mở nhà hàng ăn uống cần chuẩn bị những thủ tục pháp lý gì?
- Pháp luật
- 13:40 - 24/04/2016
Vừa qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới vụ việc, ông Nguyễn Văn Tấn (SN 1966, thường trú tại P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM) bị cơ quan điều tra khởi tố do chậm đăng ký kinh doanh cho quán phở, cà phê Xin Chào tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh.
Quán cafe xin chào của ông Nguyễn Văn Tấn
Liên quan đến vụ việc trên, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, nếu kinh doanh dịch vụ ăn uống, cà phê thì cần những thủ tục pháp lý nào cho phù hợp với quy định của phạm pháp luật, tránh rơi vào trường hợp lao đao như ông Nguyễn Văn Tấn. PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty luật Hợp danh Thiên Thanh) để tìm câu trả lời.
Thưa luật sư, để mở một cửa hàng kinh doanh ăn uống, bán cà phê thì cần làm những thủ tục gì?
- Luật sư Trần Tuấn Anh: Để có thể kinh doanh dịch vụ nhà hàng ăn, uống thì trước tiên chủ cơ sở phải chuẩn bị hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đăng ký kinh doanh.
Tùy vào loại hình đăng ký kinh doanh thì cơ quan cấp khác nhau có trách nhiệm cấp giấy phép. Ví dụ, trường hợp kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh như ông Nguyễn Văn Tấn thì cơ quan có thẩm quyền cấp thuộc Phòng kinh tế của UBND cấp quận/huyện.
Sau khi được cấp phép đăng ký kinh doanh, cơ sở kinh doanh chuẩn bị hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP). Khi đã được cấp hai loại giấy tờ trên, cơ sở mới đủ điều kiện đi vào hoạt động.
Để được cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP, chủ cơ sở kinh doanh cần chuẩn bị gì thưa luật sư?
Để làm được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, điều kiện tiên quyết là cơ sở phải được cấp phép đăng ký kinh doanh trước để đưa vào hồ sơ.
Điều 36 Luật ATTP đã quy định rất rõ về hồ sơ xin Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP gồm: Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; bản sao giấy chứng nhận kinh doanh; bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh ATTP theo quy định.
Ngoài ra, trong hồ sơ còn phải có giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp và giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ từ cá nhân, tổ chức kinh doanh thực phẩm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm ATTP tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Nếu nhận thấy cơ sở đủ điều kiện thì phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Theo luật sư, vì sao có tình trạng cơ sở kinh doanh được cấp phép kinh doanh nhưng chưa có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP nhưng vẫn hoạt động dẫn tới việc bị lực lượng chức năng kiểm tra xử lý?
Theo quy định, sẽ không được phép tiến hành kinh doanh khi chưa có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP. Bởi nguy cơ gây mất ATTP ảnh hưởng tới sức khỏe khách hàng từ cơ sở hoạt động kinh doanh khi chưa được kiểm tra về ATTP là rất lớn.
Tuy nhiên, thực tế không ít cơ sở kinh doanh phải đi vào hoạt động trước khi cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm bởi theo quy định, trước khi cấp giấy, cơ quan có thẩm quyền sẽ kiểm tra thực tế điều kiện ATTP tại cơ sở.
Để chuẩn bị cho buổi kiểm tra, chủ cơ sở phải thuê đầy đủ số lượng đầu bếp, nhân viên phục vụ, phải tiến hành lưu mẫu thức ăn; phải có hàng hóa là thực phẩm đầu vào để kiểm tra về nhãn mác, xuất xứ, chất lượng...
Điều này có nghĩa rằng, trước khi cơ quan kiểm tra ATTP xuống kiểm tra thực tế để thẩm định, các cơ sở kinh doanh phải buộc phải hoàn thiện tất cả các khâu từ nhân công cho tới thực phẩm cho cơ sở của mình mới thể có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận đảm bảo ATTP.
Theo quy định, sau buổi kiểm tra thực tế ATTP của cơ quan chức năng, cơ sở kinh doanh phải ngưng hoạt động, chờ cấp giấy chứng nhận.
Tuy nhiên, thời gian từ lúc nộp hồ sơ tới khi thẩm định, rồi chờ nhận giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP không phải ngắn, cơ sở kinh doanh lại chịu nhiều áp lực về chi phí thuê nhân công, thuê mặt bằng… nên đó có thể là lý các cơ sở doanh doanh thường đi vào hoạt động trước khi cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Nếu cơ quan chức năng kiểm tra trong thời gian này, cơ sở kinh doanh có thể bị xử lý hành chính.
Xin cảm ơn luật sư!
CÙNG CHUYÊN MỤC
Cảnh báo bệnh tay chân miệng bùng phát mùa hè: cha mẹ cần biết gì?
Tay chân miệng – cơn ác mộng mùa hè của bé yêu nhà bạn? Đừng chủ quan! Bệnh có thể biến chứng nguy hiểm chỉ trong tích tắc. Cùng tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách...
3 tháng trước
Tin nên đọc