Mô hình khởi nghiệp gắn với đời sống sinh viên
- Giáo dục nghề nghiệp
- 19:01 - 14/06/2018
Ảnh minh họa
Mô hình của CSAM
Tổng quan về hệ thống, Hồ Xuân Hùng sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, thành viên của mô hình khởi nghiệp CSAM cho biết: Dự án hướng tới triển khai tại các ký túc xá (KTX), bệnh viện, khách sạn, nhánh dịch vụ thứ nhất là cung cấp phòng trọ; nhánh dịch vụ thứ hai bao gồm cung cấp tiện ích đời sống như giặt là, tạp hóa, rạp chiếu phim mini, hỗ trợ học tập cho sinh viên. CSAM đã tạo lập hệ thống lưu trữ dữ liệu để phục vụ khách hàng.
Về thị trường, theo nghiên cứu, miền Bắc hiện tại là “điểm nóng” về xây dựng và triển khai các trường đại học. Cụ thể, ở miền Bắc đang có gần ½ số trường đại học. Đây chính là thị trường mà CSAM muốn hướng tới. Trong tháng 1 và tháng 5/2018 vừa qua, CSAM đã thành công trong việc triển khai hệ thống tại KTX ĐH Bách khoa Hà Nội và KTX Pháp Vân. Sau khi đã triển khai tại hai khu vực KTX, doanh thu đạt được là 350 triệu đồng. Kết quả đạt được sau khi triển khai tại KTX ĐH Bách khoa Hà Nội và KTX Pháp Vân là hơn 11.000 lượt tương tác thông qua hệ thống quản lý, hơn 4000 khách hàng sử dụng tới 98% chỗ ở trong KTX. Có 5 nhóm dịch vụ gia tăng, đạt 3000 lượt sử dụng, 73% lượt quay lại sử dụng dịch vụ này.
Hiện đang có hơn 11.000 sinh viên trong hệ sinh thái của CSAM. Trong thời gian tới, CSAM sẽ tiếp tục triển khai đến các KTX của các trường ĐH lớn, mục tiêu đến cuối năm 2018 sẽ có 15 KTX với 20.000 sinh viên trong hệ sinh thái, doanh thu ước đạt 1,5 tỷ đồng. Tầm nhìn dài hạn, năm năm 2020 sẽ có 50 KTX và 20 dịch vụ đi kèm. Năm 2022, CSAM kỳ vọng một bước tiến lớn vào các bệnh viện, chung cư, khách sạn,...
Kết hợp quản lý và dịch vụ xã hội
Nhận diện đối thủ cạnh tranh, CSAM cho rằng: Hiện nay, cũng có những đối thủ về phần mềm lập trình và chuỗi cửa hàng tiện lợi, gặt là. Tuy nhiên, đó cũng chính là điểm mạnh của CSAM, khi đã tích hợp được hai điểm mạnh của các đối thủ ở cả hai khía cạnh là công nghệ và dịch vụ. Đây cũng chính là điểm mới của KTX thời công nghệ kỹ thuật số.
Khi các sinh viên ra trường, nhu cầu ở lại Hà Nội để làm việc và sinh sống chiếm tỷ lệ cao, trong khi họ cũng không có nhiều kinh phí để chi trả cho các dịch vụ thuê nhà, cũng như các chi phí dịch vụ khác, và các bạn sinh viên này cũng vẫn có thể nhận được hỗ trợ thông qua dịch vụ của CSAM để tiết kiệm chi phí cho mình.
Được biết, hiện nay CSAM đang xúc tiến làm việc với 2 đơn vị trường ĐH khác để tiếp tục triển khai mở rộng hệ thống, về cơ bản tiềm năng của hệ sinh thái còn rất lớn và là xu thế mở để kết nối với các sinh viên và các sinh viên với nhau, đặc biệt là các bạn sinh viên ở KTX
Nguyễn Thành Trung trưởng nhóm CSAM chia sẻ: Dự án là sự kết hợp hài hòa giữa hệ thống quản lý sinh viên với dịch vụ xã hội. Không chỉ là việc mở ki ốt hay cửa hàng, mà thông qua hệ thống quản lý, các bạn sinh viên sẽ được hỗ trợ một cách tối đa về nhu cầu sinh hoạt và học tập. Thay vì chỉ lưu thông tin quản lý đơn thuần, mà CSAM còn có sự tương tác, gắn kết giữa các sinh viên với nhà quản lý, thông qua sự tương tác, sinh viên sẽ đánh giá, cho điểm chất lượng dịch vụ,... Tận dụng tối đa cơ sở vật chất và tiện ích sẵn có mà chưa hoạt động hiệu quả, để có thể xây dựng giá thành dịch vụ phù hợp với sinh viên, thường thấp hơn bên ngoài từ 30% - 50%. Bên cạnh đó, vai trò của nhà trường rất quan trọng khi đồng thời định hướng và cung cấp thông tin, giúp tiếp cận với sinh viên, cũng như tạo hành lang pháp lý để CSAM có thể triển khai hệ thống. Các sinh viên sẽ không còn lo lắng khi đăng ký phòng ở KTX nữa, CSAM sẽ trợ giúp họ công việc này. Các dịch vụ tiện ích chất lượng trong sinh hoạt hàng ngày cũng sẽ được cung cấp với giá thành rẻ. Ngay cả khi các sinh viên đã trưởng thành, CSAM vẫn có thể tư vấn hữu ích cho họ dựa trên cơ sở dữ liệu thông tin được cập nhật trước đó...