CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:52

Mô hình đào tạo thành công với sự tham gia của doanh nghiệp

 

Hướng dẫn vận hành hệ thống cấp nước 

Đảm bảo cơ hội việc làm

TS Horst Sommer, Giám đốc chương trình “Đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam” cho biết: Trong những năm qua, nhiều nhà đầu tư đã đầu tư vào các trạm xử lý nước thải, đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên sự đầu tư sẽ không hiệu quả nếu thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng trong lĩnh vực này. Nhằm đảm bảo sau khi tốt nghiệp trường nghề, sinh viên được trang bị đầy đủ những kiến thức và kỹ năng thực tế mà doanh nghiệp yêu cầu, thì sự tham gia chủ động của khối doanh nghiệp là một yếu tố mang tính quyết định. Dự án “Đào tạo nghề trong lĩnh vực nước thải” hỗ trợ Việt Nam phát triển và thí điểm chương trình đào tạo nghề và định hướng theo nhu cầu, đồng thời bám sát thực tế ngành xử lý nước thải, qua đó đảm bảo cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.

Nâng cao tính thực tiễn của chương trình đào tạo, các doanh nghiệp trong ngành đã tham gia mạnh mẽ vào các bước mang tính quyết định như xây dựng Bộ tiêu chuẩn nghề, phát triển chương trình đào tạo dựa trên Bộ tiêu chuẩn nghề cũng như cùng thực hiện đào tạo và công tác thi cử, đánh giá. Sinh viên được trang bị kiến thức nền tảng tại trường nghề và thu thập kinh nghiệm làm việc thực tế qua các đợt đào tạo tại doanh nghiệp- hình thức đào tạo này chính là một trong những yếu tố làm nên thành công. Nguyễn Thị Nhẫn, học viên chương trình đào tạo hợp tác “kỹ thuật viên ngành Thoát và Xử lý nước thải” chia sẻ: “Các kỳ học tập tại doanh nghiệp khiến em cảm thấy mình là một kỹ thuật viên thực sự, được làm quen trong môi trường thực tế với những nhiệm vụ cụ thể. Em đã học hỏi một cách chủ động hơn rất nhiều những kiến thức thực tế và kinh nghiệm làm việc từ các thầy cô tại doanh nghiệp. Em nghĩ rằng, niềm đam mê của em trong công việc này đang ngày càng tăng thêm”.

Đẩy mạnh hợp tác đào tạo

Ông Phạm Xuân Điều, Giám đốc Trung tâm đào tạo ngành nước Việt Nam cho biết: Trong giai đoạn 10/2013 – 10/2017, Hội cấp thoát nước Việt Nam (CTNVN) đã tổ chức được 110 lớp tập huấn với sự tham dự của trên 5000 học viên. Hàng năm Hội CTNVN đều xây dựng kế hoạch đào tạo cho năm tiếp theo, gửi tới tất cả các đơn vị hội viên để khảo sát nhu cầu đào tạo và nắm bắt những chương trình đào tạo các hội viên mong muốn Hội đứng ra triển khai. Vì vậy, hầu hết các khóa học được các học viên đánh giá cao về kiến thức, kỹ năng rất bổ ích. Số lượng các lớp đào tạo bồi dưỡng tăng dần theo từng năm, nội dung đào tạo ngày càng đa dạng, thiết thực, gắn với yêu cầu đòi hỏi của doanh nghiệp.

Từ năm 2015, Hội đã phối hợp với trường ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, ĐH Xây dựng Miền tây, trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị và trường Trung cấp kỹ thuật nghiệp vụ Hải Phòng triển khai và duy trì 04 lớp đại học hệ vừa làm vừa học với trên 300 học viên đến từ các doanh nghiệp hội viên khu vực Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long. Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực của Hội đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ tích cực của các dự án quốc tế. Đặc biệt là 3 dự án của CHLB Đức, bao gồm: Dự án Hợp tác Hiệp hội Đức – Việt nâng cao năng lực ngành nước Việt Nam; Chương trình Quản lý nước thải và Chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam (TVET) Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ- WMP), Ngân hàng Thế giới (WB); Dự án phát triển ngành nước và vệ sinh tại Việt Nam thông qua các quan hệ hợp tác mới.

Được biết, “Đào tạo nghề trong lĩnh vực Nước thải” là hợp phần thuộc Chương trình hợp tác Việt – Đức “Chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam” do Tổ chức Hợp tác phát triển GIZ, dưới sự ủy nhiệm của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) thực hiện.

PHƯƠNG MINH - ANH QUANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh