Mô hình đào tạo cao đẳng tiên tiến của Nhật Bản tại Việt Nam
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:51 - 06/07/2018
Các đại biểu tham gia diễn đàn Kosen chụp ảnh lưu niệm.
Ông Isao Taniguchi, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đào tạo kỹ thuật Nhật Bản cho biết, Kosen là tổ chức đào tạo bậc cao đẳng riêng của Nhật Bản, nhằm đào tạo nguồn nhân lực tiên tiến có kỹ năng thực hành và khả năng sáng tạo. Tại Nhật Bản, mô hình Kosen rất thành công và đang đóng góp vào sự phát triển kinh tế cao của Nhật Bản với nền tảng là khoa học và công nghệ.
Kosen đào tạo các kỹ sư có tính sáng tạo và thực tiễn để giải quyết các vấn đề xã hội trên toàn thế giới và tạo ra một sự đổi mới bằng sức mạnh của công nghệ.
Theo ông Isao Taniguchi, trong thời đại sáng tạo ngày nay, kỹ sư là “nguồn nhân lực, kho báu của xã hội”, quan trọng nhất đối với mỗi quốc gia và thế giới. Do vậy, cần phải đào tạo các kỹ sư và giáo dục sinh viên bằng giáo dục chuyên môn cao đẳng tiên tiến. Bởi, nguồn nhân lực chất lượng cao được coi là một trong các trụ cột quan trọng và là đòn bẩy phát triển kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, chia sẻ các mô hình phát triển đào tạo tiên tiến nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng đối với Việt Nam là hết sức cần thiết.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân, cho biết Kosen là mô hình đào tạo kết hợp rất tốt giữa phát triển năng lực thực hành cùng phát triển về đào tạo văn hóa, giáo dục, đặc biệt chú trọng đến giáo dục phẩm chất, hành vi cho người học. Trong đó, Kosen chú trọng tuyển sinh những học sinh có năng lực vào đào tạo trên khả năng gợi mở tư duy sáng tạo gắn với tìm hiểu, nắm bắt vấn đề xã hội, từ đó giải quyết vấn đề với sự hướng dẫn của các thầy, cô giáo.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, mô hình này chưa thu hút được nhiều học sinh giỏi, nguyên nhân khách quan do doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu phát triển các lĩnh vực về thương mại, dịch vụ, chưa chú trọng phát triển về công nghiệp chế tạo. Đặc biệt là cơ hội việc làm trong lĩnh vực khoa học công nghệ kỹ thuật chưa nhiều và người Việt Nam vẫn còn tâm lý học để có bằng cấp cao hơn là học để có nghề phù hợp và gắn với đam mê nghề nghiệp.
Theo Thứ trưởng Lê Quân, việc mở rộng đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề chất lượng cao hết sức quan trọng, vì vậy thông qua việc triển khai chương trình này, Bộ LĐ-TB&XH mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhật Bản để mở rộng mô hình trên.
Được biết, đặc điểm của mô hình Kosen là gắn kết đào tạo nhân lực chất lượng cao với doanh nghiệp; đào tạo không chỉ trang bị lý thuyết mà hướng tới kỹ năng thực hành, khả năng sáng tạo của người học thông qua các hoạt động thực hành, nghiên cứu; đặc biệt mô hình này có tính chất phân luồng mạnh từ cấp THCS. Những đặc điểm của mô hình này hoàn toàn phù hợp với nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
Mô hình đào tạo Kosen được Việt Nam thực hiện trong 4 năm với mục tiêu: Giáo dục an toàn, đào tạo sự sáng tạo, nghiên cứu tốt nghiệp, giáo dục thiết kế kỹ thuật, đào tạo tích cực, học tập... Hiện Việt Nam đã có 8 cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp của Bộ Công thương đào tạo theo mô hình Kosen, trong đó có 3 trường đại học và 5 trường cao đẳng. Theo đánh giá, việc triển khai đào tạo theo mô hình này giúp học sinh, sinh viên có cơ hội phát triển tư duy sáng tạo, tích cực, chủ động hơn trong học tập, hội nhập tốt với môi trường nghề nghiệp.