Mở cửa thị trường dịch vụ cần đúng với các cam kết quốc tế
- Huyệt vị
- 21:56 - 04/12/2016
Trong 98 nhóm lĩnh vực dịch vụ được rà soát thì đa số đã phù hợp với các FTA kể trên. Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), cụ thể đã có 85 nhóm tương thích với cam kết WTO, 81 nhóm tương thích với TPP và với EVFTA có 84 nhóm.
Tuy nhiên, bà Trang cũng cho biết, sau 10 năm thực hiện WTO vẫn có tới 10 lĩnh vực luật pháp Việt Nam chưa tương thích, thể hiện tốc độ chậm chạp của Việt Nam để thích ứng với các FTA.
Trong khi đó với TPP và EVFTA, tuy là 2 FTA mới nhất vẫn đang trong vòng đàm phán, thì số lĩnh vực chưa tương thích lại khá thấp, tương ứng 14 và 11 lĩnh vực. Giải thích cho điều này, bà Trang cho rằng có những nhóm lĩnh vực mà chúng ta đang “vô ý” mở cửa cho NĐT nước ngoài. Nghĩa là trong đàm phán thì chúng ta cố gắng để giữ nhưng pháp luật trong nước thì lại không hề có quy định cụ thể với NĐT nước ngoài, dẫn tới tình trạng “mở cửa vô ý”.
Lấy ví dụ trong trường hợp này như việc chúng ta không có quy định điều kiện đầu tư riêng ở các lĩnh vực giải trí, kinh doanh trò chơi điện tử; dịch vụ thú y; bảo vệ, duy trì và tu bổ di sản vật thể; võ thuật khí công, thể thao mạo hiểm; dịch vụ phục vụ bữa ăn trên máy bay… Hoặc chúng ta không quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh với điều tra, đánh giá rừng tự nhiên, khai mỏ, đóng gói hàng hóa, hội chợ triển lãm, phân phối băng đĩa.
“Điều này có nghĩa là chúng ta mở cửa vì chúng ta không có quy định điều kiện đầu tư riêng với NĐT nước ngoài, chứ không phải vì chúng ta muốn để họ vào”, bà Trang khẳng định.
Theo đó, nhóm rà soát khuyến cáo các mục tiêu để Việt Nam tham gia các FTA mà không bị “hớ”. Đó là cần mở cửa đúng cam kết, nhưng cũng phải mở cửa một cách khôn ngoan, có ý thức, mở cửa một cách minh bạch và hợp lý; với những điều pháp luật Việt Nam chưa tương thích với các cam kết thì cần sửa pháp luật để phù hợp với những cam kết mở cửa.
Thay mặt các doanh nghiệp thành viên, ông Nguyễn Tương, Trưởng đại diện, Hiệp hội Logistics Hà Nội cho rằng, các cam kết về vận tải của Việt Nam trong WTO là chưa rõ ràng và đã gây hiểu nhầm trong quá trình thực hiện. Do đó, cần có sự hiểu đúng các cam kết bằng cách liệt kê các cam kết trong WTO, TPP hay EVFTA về vận tải biển để doanh nghiệp nắm rõ và thực thi cho đúng
Là người trực tiếp tham gia đàm phán các hiệp định WTO năm 2007, đến nay là hiệp định TPP, ông Ngô Công Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương lại cho rằng Việt Nam đang tuân thủ rất tốt WTO. “Việt Nam được đánh giá là một trong những nước thực thi hiệp ước WTO nghiêm túc nhất. Đây cũng là lý do vì sao chúng ta được mời để tham gia đàm phán hiệp định TPP”, ông Khanh khẳng định.
ũng theo ông Khanh, “thực tế Việt Nam đang đi xa hơn WTO rất nhiều, chính sách thông thoáng hơn, đặc biệt ở lĩnh vực dịch vụ”. Ví dụ điển hình cho vấn đề này là dịch vụ cầm đồ ở Việt Nam hiện không do các tổ chức tài chính đứng đầu, không do Ngân hàng Nhà nước quản lý mà cho đối tác nước ngoài tham gia, chỉ cần họ không vi phạm pháp luật Việt Nam. Lĩnh vực này chưa hề được đề cập trong cam kết WTO. Đây là tiến bộ về tài chính được rất nhiều nước quan tâm trong quá trình đàm phán.
Nhận định về cách thức áp dụng TPP và EVFTA trong thời gian tới, ông Khanh cho biết, không cần sửa bất cứ văn bản luật nào mà sẽ áp dụng trực tiếp những cam kết trong TPP vào thực tế. Nghĩa là chúng ta cam kết gì trong TPP sẽ phải thực thi đúng những cam kết đó trong thực tiễn với những nước cùng tham gia đàm phán. Vì vậy, tất cả các bộ, ngành, địa phương phải hiểu chính xác, hiểu đúng về những cam kết trên.