Mệnh lệnh hành chính 'bóp nghẹt' doanh nghiệp
- Huyệt vị
- 14:44 - 22/10/2016
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Một trong những vụ việc gây bức xúc cộng đồng doanh nghiệp (DN) nhất là trường hợp miễn nhầm 176,3 tỉ đồng thuế cho Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) của Bộ Tài chính. Trước đó, nhận chỉ đạo triển khai việc chống thất thu, nợ đọng, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn 3342 tăng cường rà soát, quản lý thu thuế nhà thầu. Trong suốt giai đoạn 2011 - 2014, thanh tra thuế đã tiến hành kiểm tra, truy thu hơn 1.000 tỉ đồng thuế nhà thầu (giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt) của hàng nghìn DN, trong đó có Formosa Hà Tĩnh.
Thế nhưng, trong văn bản hướng dẫn hỗ trợ các DN chịu thiệt hại sau sự kiện người dân phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 trong vùng biển Việt Nam, Bộ tài chính lại xếp Formosa Hà Tĩnh vào diện được miễn truy thu thuế nhà thầu, với số tiền 176,3 tỉ đồng. Sự việc khiến các DN khá bức xúc, vì cùng một loại hình kinh doanh, cùng đối tượng nhưng Formosa được miễn thuế, còn các DN khác lại “è cổ” ra đóng. Cuối tháng 9.2016, Bộ Tài chính lại công khai trước dư luận khẳng định việc miễn thuế cho Formosa là đúng đối tượng. Bộ này cho biết theo điều 4, Thông tư số 60/2012/TT-BTC ngày 12.4.2012, Formosa Hà Tĩnh thuộc đối tượng không áp dụng thu thuế nhà thầu.
Chính sách thuế tù mù, thiếu minh bạch gây thiệt hại, bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệpẢNH: NGỌC THẮNG
Theo các chuyên gia, nếu Bộ Tài chính giải thích đúng thì Tổng cục Thuế truy thu thuế các DN là hoàn toàn sai quy định pháp luật, gây thiệt hại hơn 1.000 tỉ đồng trong suốt một thời gian dài; khi đó Tổng cục Thuế phải trả lại số tiền hơn 1.000 tỉ đồng cho các DN đã bị truy thu trong suốt thời gian qua.
Ngược lại, nếu Bộ Tài chính sai, thì Formosa không thể được miễn thuế. “Trong bất kể trường hợp nào thì tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược thế này không chỉ gây thiệt hại cho các DN, còn khiến DN không biết đường nào mà lần, mất niềm tin vào chính sách thuế”, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính bình luận.
Ngay cả giải thích mới đây của Bộ Tài chính cũng vẫn hoàn toàn khó hiểu và không thuyết phục. Bởi tại Thông tư số 134/2008/TT-BTC và Thông tư số 60/2012/TT-BTC, Bộ đã xác định hoạt động bảo hành là một loại dịch vụ và không thuộc đối tượng không áp dụng thuế nhà thầu. Đồng thời, các thông tư này cũng khẳng định trong trường hợp dịch vụ kèm theo là miễn phí và không tách biệt với giá trị hàng hóa, máy móc thiết bị nhập khẩu thì nhà thầu phải có nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp... Như vậy, Formosa Hà Tĩnh không thể thuộc đối tượng được miễn giảm thuế theo giải thích nêu trên của Bộ Tài chính.
Đại diện một công ty có trụ sở tại Hà Nội cho biết, DN của ông cũng có nhập khẩu hàng hóa kèm dịch vụ bảo hành theo diện này và trước đó đã bị truy thu thuế hàng tỉ đồng. Sau một thời gian dài khiếu nại, đến nay vẫn chưa biết là có được trả lại tiền thuế đã nộp trước đó hay không?
Doanh Nghiệp thiệt đủ đường
Công ty Vedan Việt Nam cũng có đơn gửi Thủ tướng về việc bị hải quan “ép” nhập khẩu than của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV). Văn bản nêu rõ, công ty có xây dựng lò hơi đốt than phun (60 MW), công suất 307 tấn hơi/giờ, hằng tháng đều nhập khẩu than trung bình 31.500 tấn.
Ngày 27.9 vừa qua, theo Vedan, trong buổi làm việc với Chi cục Hải quan Long Thành (Đồng Nai), công ty được hướng dẫn việc nhập than phải thực hiện theo Thông báo số 346/TB-VPCP ngày 26/8/2014, tức công ty muốn nhập than trực tiếp phải được sự đồng ý của Thủ tướng hoặc phải ký hợp đồng nguyên tắc với Tập đoàn TKV hoặc Tổng công ty Đông Bắc. Vedan suy luận, thông báo này chỉ áp dụng đối với các DN nhà nước, chứ không phải các DN nước ngoài hay tư nhân. Nếu thực hiện theo chỉ đạo này, Vedan khẳng định mình sẽ gặp khó khăn, tổn thất nặng nề do hợp đồng đã ký kết.
Một trường hợp khác cũng phản ánh rõ bất cập, hạn chế của chính sách khiến ngân sách thất thu thuế không nhỏ là vụ Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan. Vào VN kinh doanh từ năm 2014, nhưng công ty này không nộp một đồng thuế nào.
Nguyên nhân, trong gần 3 năm qua Tổng cục Thuế loay hoay không biết xếp loại hình “vận tải taxi ứng dụng công nghệ cao” này vào loại hình kinh doanh gì để đánh thuế. Trước sức ép của dư luận, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn hướng dẫn cho 2 Cục Thuế Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Văn bản này yêu cầu từng tài xế lái Uber phải đứng ra khai, nộp thuế. Nhưng éo le ở chỗ hợp đồng Uber ký kết ăn chia với tỷ lệ 80 - 20 (Uber nhận 20%, tài xế nhận 80% doanh thu) được Uber nhận tiền rồi chuyển thẳng về Hà Lan.
Hướng dẫn thiếu tính khả thi nên buộc Bộ Tài chính sau đó phải tuyên bố hủy bỏ văn bản trên; đồng thời ban hành Công văn 11828, để hướng dẫn lại với hai nội dung cơ bản. Thứ nhất, Uber phải đóng thuế giá trị gia tăng 3% trên doanh thu được hưởng, tương tự đối với thuế thu nhập DN là 2%. Tổng cộng hai sắc thuế, Uber nộp 5% trên 20% doanh thu mình được hưởng. Thứ hai, Uber, hoặc đứng ra hoặc ủy quyền cho Uber VN kê khai, nộp thuế thay cho các tài xế.
Ròng rã nhiều năm trời không đưa ra được chính sách thuế để hướng dẫn DN thực hiện nghĩa vụ với ngân sách, khi ra văn bản lại hướng dẫn không phù hợp với thực tiễn, thiếu tính khả thi, theo Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải, đó cũng là minh chứng rõ ràng về lỗ hổng chính sách thuế của cơ quan quản lý. Thời gian qua, không chỉ hai trường hợp này, mà rất nhiều công văn hướng dẫn thiếu rõ ràng, mập mờ làm ảnh hưởng, gây bất công, thiệt hại lớn cho các DN, đặc biệt các DN làm ăn đàng hoàng, nộp thuế đầy đủ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, hiện Chính phủ đang đẩy mạnh vai trò kiến tạo, xây dựng môi trường chính sách thông thoáng, thủ tục hành chính đơn giản, gỡ bỏ mọi rào cản, mệnh lệnh hành chính để DN có không gian, động lực phát triển. Vì thế, cách làm như của ngành thuế vừa qua rõ ràng khiến DN càng mất niềm tin vào chính sách và triệt tiêu động lực phát triển, cũng như trách nhiệm của họ với nhà nước. |