CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:11

Kết quả tái cơ cấu nền kinh tế chưa thực sự rõ nét

 

Chiều 20/10, trình bày trước Quốc hội Báo cáo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá: Nhờ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2015, môi trường kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, thuận lợi. Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định; tăng trưởng kinh tế từng bước hồi phục; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo.Thực hiện ba trọng tâm tái cơ cấu của nền kinh tế đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tái cơ cấu các ngành kinh tế đã đạt được một số thay đổi về chuyển dịch tỷ trọng các ngành, Tái cơ cấu vùng kinh tế cũng được chú trọng thực hiện…

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế

 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu của Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 nhằm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực phát triển, qua đó thay đổi cơ cấu và trình độ của nền kinh tế, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng suất cao hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn, có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn và đảm bảo tăng trưởng xanh, sạch, bền vững.

Thẩm tra về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận định: Tái cơ cấu đã giúp kinh tế vĩ mô ổn định, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 79,9% lên 82,6%, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 20,1% xuống 17,4%. Quá trình cơ cấu lại đã bước đầu nâng cao kỷ cương trong đầu tư công; hệ thống các tổ chức tín dụng được giám sát chặt chẽ hơn và có một số biện pháp để xử lý các tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém, khoanh vùng nợ xấu; thể chế quản lý doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được hoàn thiện; cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã được triển khai thực hiện; tái cơ cấu công nghiệp, dịch vụ đang được triển khai từng bước.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, tái cơ cấu nên kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu đề ra

 

Tuy nhiên, Ủy ban kinh tế cho rằng kết quả tái cơ cấu nền kinh tế chưa thực sự rõ nét, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; chưa làm rõ mô hình tăng trưởng, phương thức phân bổ nguồn lực xã hội về cơ bản chưa thay đổi. Tái cơ cấu vẫn chưa được quán triệt, triển khai sâu rộng ở các bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Mục tiêu “đến cuối năm 2015 bảo đảm cơ bản hoàn thành cơ cấu lại nền kinh tế” theo Nghị quyết số 86/2014/QH13 của Quốc hội chưa hoàn thành. Đặc biệt, các vấn đề tồn đọng trong quá trình tái cơ cấu giai đoạn vừa qua còn nhiều, những vấn đề mấu chốt trong từng trọng tâm tái cơ cấu vẫn chưa được tháo gỡ, tiếp tục là những yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Hiệu quả đầu tư công còn thấp, tái cơ cấu đầu tư công chưa gắn với tái cơ cấu tài chính công; huy động qua ngân sách, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn, bội chi ngân sách rất cao, nợ công tăng nhanh; hiệu quả sử dụng vốn nhà nước chưa được cải thiện đáng kể.

Các doanh nghiệp nhà nước  hoạt động chưa hiệu quả, quản trị doanh nghiệp còn yếu kém; việc sắp xếp, đổi mới khu vực kinh tế nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm so với yêu cầu và lộ trình đã phê duyệt; hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp còn thấp.

Tái cơ cấu tổ chức tín dụng mới đạt kết quả bước đầu, cần tiếp tục đẩy mạnh để đạt mục tiêu đề ra; nợ xấu và hoạt động yếu kém của một số tổ chức tín dụng chưa được giải quyết triệt để, làm giảm hiệu quả cung cấp vốn tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế; thị trường tài chính chưa được cơ cấu hợp lý để nâng cao vai trò của thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp.

Các nội dung khác trong Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế như tái cơ cấu các ngành, kinh tế vùng chưa được triển khai nhiều; chưa gắn kết 3 trọng tâm tái cơ cấu với tái cơ cấu tài chính công, khu vực công; chưa chú trọng đến tái cơ cấu ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Phát triển du lịch còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế cho rằng bài học cần lưu ý là khâu tổ chức thực hiện, việc nâng cao nhận thức, quyết tâm của các ngành, địa phương trong chỉ đạo và đề ra cách triển khai phù hợp trong thực tiễn, từ đó cần nhận thức đầy đủ, chỉ đạo quyết liệt hơn ở cả trung ương và địa phương. Cần kết hợp cả biện pháp hành chính và thị trường để thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu kinh tế giai đoạn tới.

Do giai đoạn 2011-2015 tái cơ cấu chưa đạt mục tiêu đề ra; kết quả thực hiện tái cơ cấu 9 tháng đầu năm 2016 tiếp tục cho thấy nền tảng kinh tế vĩ mô và một số cân đối lớn của nền kinh tế chưa tạo sự vững chắc cần thiết để đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 nhằm đề ra nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành các mục tiêu trong Đề án tổng thể tái cơ cấu 2013-2020, khắc phục hạn chế trong thực hiện 3 trọng tâm tái cơ cấu thời gian qua và đáp ứng yêu cầu nêu trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết số 86 của Quốc hội cũng như bối cảnh mới.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh