THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:36

Mặt trái của tiêu chí tuyển sinh đại học

 

Tác dụng phụ không có khả năng tiên đoán
Mỗi cơ chế khi đặt ra đều có mục tiêu tốt đẹp của nó nhưng khi triển khai thì mới biết các tác dụng phụ không có khả năng tiên đoán. Tiêu chí tuyển sinh đại học được Bộ GD-ĐT dùng với các mục tiêu, đó là: điều phối phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và quản lý chất lượng đào tạo của các trường đại học bằng cách kiểm soát số lượng sinh viên đầu vào tương ứng với năng lực đào tạo của từng ngành trong trường. Tiêu chí được đánh giá trên số lượng và trình độ của giảng viên của ngành và cơ sở vật chất của trường.
Giáo dục đại học cần thời gian từ 4 - 5 năm, có nghĩa tuyển sinh năm nay thì 4 - 5 năm sau mới gia nhập thị trường lao động, trong khi đó thị trường lao động trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 thay đổi mau chóng. Do đó rất khó để có một đánh giá nhu cầu của thị trường lao động một cách chính xác sau 5 năm. Thêm nữa thị trường lao động trong nền kinh tế thị trường thì nên do thị trường điều tiết. Gần đây báo chí thường xuyên nêu vấn đề số lượng lớn sinh viên ra trường hằng năm không có việc làm. Phải chăng một phần là do thiếu sót trong đánh giá nhu cầu của thị trường lao động?
Sản phẩm của một tổ chức đào tạo là nguồn nhân lực đã được đào tạo bởi tổ chức ấy. Do đó chất lượng đào tạo của một trường nên đánh giá ở chất lượng của sản phẩm, năng lực của sinh viên ra trường hay nói một cách khác là tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm. Dùng tiêu chí tuyển sinh trên can thiệp sâu vào quy trình đào tạo đi đến một số mặt trái có tác hại đến cá nhân sinh viên, đến gia đình của sinh viên và cả xã hội.
Cách đánh giá cho tiêu chí tuyển sinh trên dựa trên mô hình đào tạo cổ điển (Edu 1.0), đó là sinh viên đến trường và vào lớp học. Giảng viên cũng đến trường để dạy. Trong khi đó nền giáo dục 4.0 thì sinh viên không nhất thiết phải đến trường mà có thể học ở nhà hoặc ở công ty đối tác đào tạo. Giảng viên cũng không hẳn phải đến trường mà có thể ở bất kỳ nơi nào có kết nối mạng. Do đó tiêu chí tuyển sinh hiện nay hạn chế, nếu không nói là tạo áp lực không cho phép ứng dụng các mô hình đào tạo mới.
 

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại một trường đại học ở TP.HCM ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Ngành khó tuyển...
Tiêu chí tuyển sinh cho từng ngành đưa đến việc đa số trường đại học đưa ra điểm chuẩn để xét tuyển cho từng ngành tùy theo số lượng hồ sơ xin nhập học chứ không phải năng lực tối thiểu cần thiết để có thể hoàn tất chương trình đào tạo của ngành ấy. Ngành “hot” có số lượng hồ sơ cao thì có điểm chuẩn cao. Ngành khó tuyển thì điểm chuẩn thấp cho dù chương trình đào tạo khó hơn. Điều này đưa đến một số vấn đề.
1.Sinh viên vào học ngành mình có thể xin vào chứ không phải ngành mình yêu thích. Một khi đã không thích thì không có động lực để học và đặc biệt là để vượt qua các khó khăn của ngành, nhưng vì áp lực gia đình nên cố gắng duy trì. Nếu ra trường thì cũng không mấy hứng thú với môi trường công việc, do đó khó xin được việc làm vì nhà tuyển dụng nhìn thấy được mức độ cảm hứng với công việc thấp.
2. Sinh viên không được chuyển ngành sau khi nhập học. Vì muốn bảo vệ lượng sinh viên cho từng ngành và vì điểm chuẩn tuyển sinh khác nhau, các bộ môn sẽ không muốn sinh viên chuyển ngành và hầu như các trường đại học không cho phép sinh viên chuyển ngành sau khi vào học. Các chương trình đào tạo đại học ở Mỹ cho phép sinh viên được chuyển ngành ở bất kỳ thời điểm nào với lượng thất thoát tín chỉ thấp nhất có thể. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục Mỹ vào cuối 2017 thì có trung bình 1/3 sinh viên chuyển ngành trong thời gian học đại học ở Mỹ trong vòng 3 năm đầu. Có ngành con số này lên đến 1/2. Điều này cho thấy việc không cho phép chuyển ngành ở đại học hoàn toàn không phù hợp với quy trình phát triển cá nhân và đặt áp lực định hướng nghề nghiệp vào học sinh khi còn ở trung học - khi chưa đủ trưởng thành. Có nhiều trường hợp sinh viên muốn chuyển ngành sau năm thứ nhất nhưng không được và dưới áp lực của gia đình phải cố gắng hoàn tất rồi bỏ bằng cấp để làm chuyện khác hoặc học lại từ đầu ngành mình thích. Đây là sự hoang phí tài nguyên lao động (thời gian của sinh viên), hoang phí đầu tư (tiền của phụ huynh và của sinh viên) và hoang phí xã hội (nhân lực không làm công việc được đào tạo).
3. Nghịch lý trong phát triển đại học. Ngoài việc cần có môi trường học tập tốt, muốn phát triển một ngành trong đại học cần giảng viên và sinh viên giỏi. Sinh viên giỏi sẽ là nguồn động lực giúp giảng viên phát triển giáo trình có chất lượng cũng như nghiên cứu chuyên sâu. Nếu chất lượng đầu vào kém sẽ dẫn đến chất lượng đầu ra kém và sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu của ngành và của trường. Hạ điểm chuẩn để tuyển sinh cho ngành không phải là phương án tốt để xây dựng và phát triển ngành trong đại học.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh