THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 03:28

“Marion, mãi mãi tuổi 13”, báo động nạn quấy rối học đường

 

Marion Fraisse là cô bé 13 tuổi thông minh, xinh đẹp và chăm chỉ. Em có một gia đình hạnh phúc, sống cùng một em trai 18 tháng tuổi và một em gái 9 tuổi, cha mẹ hết mực yêu thương, họ sống ở một thành phố lớn tại Pháp. Marion ước mơ sau này sẽ trở thành kiến trúc sư. Nhưng cô bé không bao giờ thực hiện được điều đó…

 

Cuốn sách Marion, mãi mãi tuổi 13.

 

Mọi chuyện trở lên tồi tệ khi mỗi ngày cô bé đến trường bị chính những người bạn học lừa dối, lăng mạ và xâm phạm đến cơ thể. Nhà trường biết sự việc ấy, nhưng họ đã lựa chọn thái độ thờ ơ, giấu giếm, điều đó đã đẩy Marion vào sự trầm uất, tuyệt vọng và bất lực, cuối cùng cô bé đã tự sát.

Marion Fraisse đã treo cổ trong phòng vào một ngày buồn tháng hai -trước ngày lễ thánh Valentine. Điều bí mật trong cái chết của cô bé khiến bố mẹ và mọi người sững sờ. Chưa bao giờ em phàn nàn hay than vãn vì buồn chán bất hạnh, bị tổn thương hay kiệt sức. Điều gì có thể xảy ra? Cô bé đã chết vì nỗi đau tâm hồn, tình yêu bị tổn thương? Một nỗi đau tình yêu tuổi mới lớn? Hay cậu bạn trai đã trút lên cô những điều khủng khiếp nhất? Điều đó có thể là gì?

Mẹ của Marion vô cùng sửng sốt và quyết định tìm hiểu nguyên nhân vì sao cô con gái phải tìm đến cái chết. Qua những mẩu thông tin mẹ Marion thu thập tin nhắn trong điện thoại, một tài khoản facebook bí mật, những thông báo xúc phạm trên mạng xã hội cô bé dùng… Bà mẹ đã vô cùng số khi phát hiện ra con mình - Marion Fraisse đã bị quấy rối cả ở học đường lẫn trên mạng xã hội, bị nhà trường và bạn bè bỏ mặc.

Trong cùng kiệt của nỗi đau, mẹ Marion quyết định viết cuốn sách “Marion, mãi mãi tuổi 13”, cảnh báo về nạn quấy rối học đường. Bà muốn viết cuốn sách này để mỗi người đều rút ra những bài học từ cái chết của con. Để giúp các bậc cha mẹ tránh cho con cái họ khỏi trở thành hoặc nạn nhân giống như con, hoặc những tên đao phủ giống như những đứa đã khiến con mông lung lạc hướng. Để cho các cấp có thẩm quyền trong bộ máy giáo dục nỗ lực cẩn trọng hơn nữa, nỗ lực lắng nghe và có thiện chí hơn nữa đối với trẻ em khi chúng phải chịu đau đớn. Đồng thời, để mọi người cảnh tỉnh và coi nạn quấy rối học đường là một việc quan trọng, cần phải lưu tâm.

Cuốn sách “Marion, mãi mãi tuổi 13”, đã gây chấn động nước Pháp về nạn bạo lực học đường. Khi cuốn sách được xuất bản, đã trở thành chủ đề tranh luận, thảo luận trong mỗi gia đình, trong trường học. Đồng thời, là hồi chuông để các em học sinh ý thức toàn vẹn về sự nghiêm trọng của nạn quấy rối học đường.

Quấy rối học đường hay còn được gọi là bắt nạt học đường, là một sản phẩm kém văn minh của xã hội. Tháng 5/2014, Nghiên cứu đánh giá thực trạng bạo lực giới trường học với 3.000 học sinh tại 30 trường học ở Hà Nội đã công bố con số 19% học sinh cho rằng đã từng bị quấy rối hoặc bắt nạt. Vấn nạn này được nói đến nhiều trong vài năm gần đây nhưng thực tế đã có từ vài thập kỷ trước. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, chúng ta đã xem nhẹ những hành vi này và không thật sự lưu tâm đến các biểu hiện của con trẻ.

Khi nhắc tới những vấn nạn học đường, người ta thường nghĩ ngay tới những trận ẩu đả, đánh đấm của các em học sinh. Tuy nhiên, thực chất đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Quấy rối học đường còn là các hành vi bạo lực về thể xác, tinh thần, tình dục, ngôn ngữ và còn vô vàn hình thức khác mà chúng ta chưa biết hết.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê, mỗi ngày đến trường có ít nhất 5 em nhỏ bị bạo lực học đường. Nhu cầu sống còn và an toàn là những nhu cầu thiết yếu của bất kỳ ai, đối với trẻ nhỏ càng đây là nhu cầu cấp thiết cần chung tay bảo vệ của gia đình, nhà trường. Điều quan trọng, các em cần được dạy để hiểu thế nào là bạo lực học đường và biết cách lên tiếng, chia sẻ với gia đình, nhà trường nếu bị bạo lực học đường.

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh