Vụ cháu bé bị 'yêu râu xanh' xâm hại ở vườn chuối: Cục Trẻ em không đồng tình với quyết định cho bị can tại ngoại
- Dược liệu
- 15:41 - 19/03/2019
Ngày 24/2, cháu Q. (9 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội) đi học thêm tiếng Anh về gần tới nhà thì xuất hiện người đàn ông lạ nói bố mẹ nhờ đón cháu về. Sau khi từ chối, cháu bị người đàn ông ép lên xe và chở đến một vườn chuối thuộc xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, cách nhà Q. khoảng 5km và có dấu hiệu bị xâm hại.
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam không đồng tình với cách áp dụng biện pháp tố dụng đối với đối tượng xâm hại trẻ em được tại ngoại.
Gia đình đã làm đơn trình báo công an. Sau đó, đối tượng nghi xâm hại cháu bé là Nguyễn Trọng Trình (31 tuổi) đã bị bắt và khai nhận toàn bộ hành vi. Vụ án đã được Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) khởi tố bị can đối với Nguyễn Trọng Trình để điều tra. Tuy nhiên, sau 8 ngày tạm giam, đơn vị này đã cho Trình được tại ngoại.
Về vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng: “Vụ án hiện đang trong quá trình đang điều tra. Việc vội vàng kết luận đây là một "tội phạm ít nghiêm trọng" và cho phép tại ngoại là không phù hợp với quan điểm tư pháp, chính sách pháp luật của Bộ luật tố tụng hình sự trong quá trình giám định, xác minh điều tra với một vụ án hình sự xâm hại tình dục trẻ em”.
Theo người đứng đầu Cục Trẻ em, Thủ tướng đã có Chỉ thị 18/CT-TTg 2017 về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em thì cơ quan điều tra có thẩm quyền tiến hành triệt để các biện pháp tạm giam, tạm giữ để phục vụ công tác điều tra đối với một vụ án hình sự cho đến khi các thủ tục tư pháp hoàn tất, tòa tiến hành xét xử. Cho nên, Cục Trẻ em không đồng tình với việc cho phép bị can đang bị khởi tố liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em được tại ngoại.
Cũng theo ông Nam, trong các trường hợp cụ thể, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể liên hệ, trao đổi với cơ quan bảo vệ trẻ em để có được những tư vấn cần thiết. Lãnh đạo Cục Trẻ em cho hay, việc cho phép đối tượng đang bị điều tra hình sự về xâm hại tình dục trẻ em được tại ngoại đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Ông Nam đề xuất: “Thời gian tới nên tiếp tục nâng cao năng lực cho cơ quan điều tra cấp huyện, vì họ là đơn vị trực tiếp xử lí, thụ lí các vụ án liên quan xâm hại tình dục. Các đơn vị này cần cân nhắc, thận trọng trong việc áp dụng quy định pháp luật với vụ việc xâm hại tình dục trẻ em”.
Ông Đặng Hoa Nam cho biết, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã phối hợp với Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) trực tiếp tiếp cận nạn nhân, gia đình nạn nhân để trợ giúp dịch vụ phục hồi về tâm lý, thể chất và các biện pháp hỗ trợ tư pháp khác. Ngày 18/3, Cục Trẻ em cũng đã gửi công văn yêu cầu Sở LĐ-TB&XH Hà Nội khẩn trương xác minh thông tin bị can đã được tại ngoại để báo cáo UBND TP Hà Nội về việc hỗ trợ nạn nhân và tiến hành tố tụng theo đúng quy định của pháp luật đối với vụ án hình sự xâm hại tình dục trẻ em.
Ông Nam cảnh báo, một số luật sư đề nghị tổ chức tiếp xúc với nạn nhân và gia đình nạn nhân là không đúng quy định của pháp luật.
Cũng trong ngày 18/3, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam có công văn gửi đến Công an TP. Hà Nội và Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội nêu rõ, đây là một vụ án nghiêm trọng xâm phạm đến tính mạng thân thể của nạn nhân, các chứng cứ cho thấy đây là một vụ “hiếp dâm người dưới 16 tuổi” mà nạn nhân đã bị hành hạ dã man.
Việc cháu Q. bị gãy răng hàm dưới, rạn xương tay phải chứng tỏ có sự vật lộn dùng bạo lực và trước đó có sự đe dọa dùng bạo lực rất mạnh. Khi có kết quả giám định thương tật thì có thể khởi tố thêm tội “Cố ý gây thương tích” tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015. “Việc bị can Trình được tại ngoại do phạm tội “ít nghiêm trọng” là không phù hợp với quy định của pháp luật và có thể gây nguy hiểm cho xã hội, bởi lẽ, nhân thân bị can Nguyễn Trọng Trình đã có một tiền án về tội “trộm cắp tài sản” vào năm 2013 chưa được xóa án tích”, công văn của Hội nêu rõ.