THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:13

Mạng xã hội: Khi trò đùa trở thành hành vi phạm pháp

 

Những trò đùa chết người

Hai vụ việc xảy ra gần đây xuất phát từ thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook đã thực sự gây rúng động: Vụ hai cô gái bị một trang web bịa đặt đưa tin hiếp dâm một nam thanh niên đến chết và vụ dùng nước rửa chân pha trà đá cho khách. Cả hai vụ việc này lan truyền đến chóng mặt với hàng triệu lượt chia sẻ. Cư dân mạng được phen bình luận rôm rả và tiến hành truy tìm hai cô gái kia cũng như địa chỉ quán trà đá đã mang nước rửa chân để pha trà cho khách.  Hậu quả là, nó đã gây không ít phiền toái cho các khổ chủ. Hai cô gái đang học cấp 3 thì gần như bị khủng hoảng tinh thần, bỏ cả học, không dám đi đâu vì xấu hổ với mọi người xung quanh. Còn quán trà đá vỉa hè để nuôi mấy đứa con ăn học của một phụ nữ nghèo thì đóng cửa, thậm chí nguy cơ cho tất cả các quán trà đá bởi sau khi xem clip kia, nhiều người thề sẽ không bao giờ ghé chân vào bất cứ quán trà đá vỉa hè nữa.

Thế nhưng sự thật của những thông tin kia đến đâu? Chỉ khi cơ quan chức năng vào cuộc người ta mới ngã ngửa khi phát hiện ra rằng tất cả những thông tin đó đều là bịa đặt. Làm gì có chuyện hai cô học sinh cấp 3 cưỡng hiếp một thanh niên đến chết, chỉ là trò đùa ác ý của môt ai đó. Còn vụ lấy nước rửa chân pha trà cũng là trò câu like của một chủ hiệu cắt tóc. Trước đó, tháng 7/2016, cư dân mạng cũng được phen xôn xao khi một thanh niên ở Quảng Bình đăng tải thông tin một tài xế xe Camry rút súng bắn chết 2 người trện xe tải sau khi va chạm và bỏ chạy. Ngay sau đó, công an Quảng Bình đã phải vào cuộc và bắt được thanh niên tung tin là Ngô Đình  Sơn ở Quảng Bình, Sơn khai chỉ đăng tải thông tin để câu like và để mọi người chú ý đến FB mình…

 

Vô trách nhiệm  khi chia sẻ hay bình luận trên mạng xã hội, nhiều người đang tiếp tay cho cái ác

Bịa đặt, xuyên tạc, tung tin đồn nhảm, thậm chí xúc phạm danh dự người khác, nhiều người dường như không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật khi họ đem mạng xã hội ra làm trò đùa. Sau khi bị phát hiện, tất cả các đối tượng phát tán những thông tin sai lệch trên đều chung một câu bào chữa: chỉ là một trò đùa cho vui chứ không có ác ý gì. Mạng xã hội là ảo, thế nhưng hậu quả là thật và tất cả những nạn nhân của trò đùa đó đều phải gánh chịu, ai sẽ đền bù cho họ những thiệt hại gây ra? Thậm chí, một số nạn nhân của những tin đồn thất thiệt đã tìm đến cái chết vì bị sỉ nhuc. Năm 2013 một nữ sinh ở Thạch Thất Hà Nội đã uống thuốc diệt cỏ tự tử vì bị chế ảnh bêu xấu trên FB, cũng năm đó, một nữ sinh ở Đà Nẵng cũng suýt chết vì tự tử sau khi bị xúc phạm trên trang FB cá nhân…

Đừng để mình rơi vào 'bẫy' thông tin

Hiện tại, các qui định về quản lý thông tin trên mạng xã hội còn chưa đầy đủ, chặt chẽ nên có nhiều vấn đề phát sinh ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý. Cùng với đó là sự thiếu ý thức, trách nhiệm của người sử dụng facebook đã khiến mạng xã hội trở nên thật giả lẫn lộn. Nếu không tìm hiểu kỹ và sáng suốt, người dùng mạng xã hội sẽ rất dễ rơi vào 'bẫy' thông tin, gây ra hậu họa khôn lường cho bản thân và người khác. Điều này đặc biệt quan trọng với những người nổi tiếng hay có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng, vì thông tin họ chia sẻ tác động đến số đông.

PGS.TS Tâm lý học quản lý Trần Thị Thu Mai cho rằng, giới trẻ hiện nay cứ thấy thông tin hấp dẫn là chia sẻ lên tường để được nhiều người thích (like), với họ như vậy là thành công, là thỏa mãn khi được mọi người chú ý.  Trong khi đó, có thể thấy rằng,  “lây lan cảm xúc” là hiện tượng khá phổ biến và dễ thấy hiện nay trên mạng xã hội, nó dẫn đến việc nhiều người dùng mạng xã hội nhấn nút chia sẻ một cách thiếu kiểm soát. “Người dùng mạng xã hội, nhất là những người nổi tiếng nên suy nghĩ thật kỹ trước khi tạo nên sự "lây lan cảm xúc" không cần thiết này trong cộng đồng”- bà Mai lưu ý

Rõ ràng, mạng xã hội đã xuất hiện vài năm ở Việt Nam và sức mạnh ghê gớm của nó không ai có thể phủ nhận. Ngoài tác dụng trong việc thông tin, giải trí, bán hàng kiếm sống, chia sẻ thông tin hữu ích thì  nhiều người đã lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền chống phá nhà nước, để xúc phạm, hạ nhục cá nhân và nhiều mục đích xấu khác, thậm chí chỉ là đùa cợt cho vui. Do vậy, việc ứng xử thế nào với mạng xã hội cũng còn là một vấn đề đáng quan tâm. Không phải ai cũng biết cách hành xử chuẩn mực, đúng đắn, phát huy đúng sức mạnh của công nghệ thông tin, tính lan tỏa của mạng xã hội…Thiếu trách nhiệm với những thông tin chia sẻ, những lời bình luận trên mạng xã hội, nhiều người vô tình đang tiếp tay cho cái ác và để lại những hậu quả khôn lường…

DUY ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh