CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:02

Mạng xã hội - Hiểm họa khôn lường với học sinh, sinh viên

 

Nhiều trường hợp học sinh, sinh viên vì thiếu văn hóa ứng xử trên mạng xã hội dẫn đến mâu thuẫn, bạo lực học đường.


Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, việc sử dụng mạng xã hội giúp người học tìm kiếm thông tin tạo nên những tác động tích cực và hiệu quả đến kết quả học tập. Nhưng bên cạnh đó cũng có những ảnh hưởng lớn đến tâm lý người sử dụng, mất thời gian, mất tập trung trong học tập. Một số người do sử dụng quá nhiều nên có biểu hiện “nghiện”, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tình cảm, hình thành lối sống ảo.

Có những trường hợp vì thiếu văn hóa ứng xử trên mạng xã hội dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, bạo lực học đường… Ngoài ra, một số học sinh, sinh viên còn sa đà vào các trang web đen, tệ nạn mại dâm, đánh bạc thông qua môi trường mạng.

PGS. TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho rằng, xét trong những hành vi nghiện, hành vi nghiện facebook có thể là một kiểu của hành vi nghiện mới. Hành vi này chưa hoàn toàn đáng sợ xét trên bình diện hậu quả lâm sàng hay hậu quả xã hội. “Nhưng xét trên bình diện độ tuổi và nhân cách của con người, hành vi nghiện này sẽ ảnh hưởng khủng khiếp đối với hoạt động học tập của học sinh”, ông Sơn nhấn mạnh.

Theo ông Sơn, ở góc độ quản lý, hiện ngành giáo dục chưa quy định học sinh phải sử dụng facebook ra sao. Điều đáng lo ngại là hệ lụy của facebook không dừng trong thế giới ảo. Đơn giản nhất là cãi nhau, đánh nhau, xúc phạm thầy cô giáo, phản đối nhà trường, dẫn đến những hậu quả đau lòng.

Về phía học sinh, nhiều em không ngần ngại chia sẻ việc “thân thiện” với facebook đến mức không thể dễ dàng nghe lời bố mẹ không dùng nữa. Vì mong được nhiều người quan tâm đến những gì mình bày tỏ, chia sẻ, nhiều học sinh rơi vào trạng thái sống ảo, lệ thuộc cảm xúc từ facebook rồi dẫn đến lẫn lộn giữa đời sống thực và mạng. 

Về việc định hướng cho học sinh việc sử dụng facebook sao cho phù hợp, theo PGS TS Huỳnh Văn Sơn, chúng ta không chỉ trách cứ các bạn trẻ mà cần hiểu và đồng cảm. Đối với gia đình cần, định hướng và nhắc nhở con cái trong việc lựa chọn loại hình giải trí lành mạnh và sử dụng facebook một cách hợp lý. 

Tại hội nghị Giao ban “Công tác Giáo dục Chính trị tư tưởng học sinh, sinh viên khu vực phía Nam” tại TP. Hồ Chí Minh ngày 8/6/2018, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng thông tin, thời gian gần đây tình hình chính trị tư tưởng có liên quan đến học sinh, sinh viên có diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch, phản động nước ngoài thực hiện nhiều hoạt động lôi kéo, chuyên dụ dỗ học sinh, sinh viên khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện nhiều âm mưu chia rẽ, chống phá Đảng và Nhà nước.

Những hoạt động ấy ít nhiều có tác động đến học sinh, sinh viên. Cụ thể trong thời gian qua đã có một số học sinh, sinh viên bị Hội thánh của Đức chúa trời lôi kéo; việc học tập – rèn luyện bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị các cơ sở giáo dục trên cả nước cần thường xuyên thực hiện các giải pháp tuyên truyền để học sinh, sinh viên hiểu, nắm bắt vấn đề để không bị lôi kéo các hoạt động trái pháp luật.

Thứ trưởng cũng lưu ý các trường, học sinh, sinh viên cần cẩn trọng với các học bổng từ các tổ chức nước ngoài không rõ ràng, minh bách nhằm tránh bị dụ dỗ, lôi kéo song song đó là các giải pháp cụ thể đến từng chi hội, sinh viên trong bối cảnh mà các thế lực thù địch, chống phá đang đẩy mạnh chiêu bài “ diễn biến hòa bình” để kích động.

“Các trường cần sớm nắm bắt tư tưởng sinh viên để khi các em có dấu hiệu khác thường, chệch hướng thì nhanh chóng trao đổi, tuyên truyền, tháo gỡ để không bị lôi kéo”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

 

Theo khảo sát của Bộ GD&ĐT với 2.000 học sinh, sinh viên 4 tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP. HCM, Thái Nguyên, Hải Phòng, có 92,5% sinh viên và 84,5% học sinh cấp THCS và THPT thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook, ngoài ra còn sử dụng một số mạng xã hội khác như Zalo, Yahoo, Youtube, Zingme…

Trong đó, 26% số người sử dụng dưới 1 giờ/ngày, 40% sử dụng từ 1 - 3 giờ và 34% sử dụng trên 3 giờ. Về thời điểm truy cập, có tới 45% cho biết sử dụng mạng bất kỳ lúc nào và có thiết bị truy cập trong tay.

Về mục đích sử dụng, phần lớn để giao lưu, kết bạn, trò chuyện, nhắn tin (trên 92%); cập nhật thông tin bạn bè và xã hội (trên 82%); phục vụ mục đích học tập và việc làm (81%); tìm kiếm nghề nghiệp và việc làm (trên 32%)...

HOA HẠ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh