Mang trách nhiệm và tình thương đến tận nhà
- Bài thuốc hay
- 23:05 - 12/12/2016
- Mang trách nhiệm và tình thương đến tận nhà
Văn Thị Trà Ly, cô nhân viên trẻ trung xinh xắn của Bưu điện thị xã La Gi thoăn thoắt dẫn chúng tôi đến nhà cụ Nga, như đã thân thuộc từ rất lâu. Cô bé ân cần hỏi han cụ, đếm tiền trao tận tay cụ rồi cẩn thận mở sổ, mở hộp son dấu, lấy vân tay cụ, điểm chỉ vào phần chữ ký. Người già mắt kém tay run, có khi cũng chả biết chữ nghĩa gì.
Cụ Nga điếc nặng, hỏi một đằng trả lời một nẻo. Trà Ly rưng rưng: Tội nghiệp cụ lắm chị ơi, cụ vẫn phải tự nấu cơm đó, sống ăn sống, chín ăn chín vậy thôi, có biết gì đâu.
Trà Ly làm thủ tục trả tiền trợ cấp tại nhà cho cụ Trần Thị Nga
Tôi hỏi: “Em được huyện phân công đến nhà trả trợ cấp cho cụ à? Trà Ly trả lời: - “Em trả trợ cấp ở điểm chi trả của huyện, quá ngày không thấy cụ đến lấy, em theo địa chỉ tìm đến nhà thì mới biết hoàn cảnh cụ như vậy. Từ đó, cứ hàng tháng em tự mang tiền đến cho cụ. Việc trả hết tiền cho người nhận là trách nhiệm của mình thôi”.
Còn mấy trường hợp chi trả tại nhà nữa, Trà Ly cứ thoăn thoắt dẫn đường. Gia đình ông Hạnh có 2 người khuyết tật và 1 người được hưởng chế độ phục vụ; gia đình em Khánh Trâm bênh tâm thần… đến gia đình nào Trà Ly cũng vừa chuyện trò như người thân từ lâu, vừa làm thủ tục chi trả, sổ sách rất nhanh chóng.
“Em làm bưu điện lâu chưa?” – “Mới có vài tháng thôi mà chị”! Thấy tôi quá đỗi ngạc nhiên, chị Nguyễn Thị Hồng Diệp, nhân viên Bưu điện tỉnh Bình Thuận nói: “Con bé nó lanh lắm đó. Mà bưu điện cũng mới chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội bắt đầu từ tháng 9 năm nay thôi ạ”.
Cái gì cũng mới, công việc mới, con người thực hiện mới, chỉ có những đối tượng thụ hưởng chính sách là cũ. Họ mong muốn luôn nhận được đầy đủ, nhanh chóng những đồng tiền trợ giúp của nhà nước để cuộc sống đỡ khó khăn hơn, thậm chí với một số người, nguồn trợ cấp ít ỏi đó là tất cả nguồn sống của họ, không có gì khác. Còn tôi mong muốn, trong bộ máy chi trả có thật nhiều những người như Văn Thị Trà Ly, luôn giữ được sự nhiệt tình với công việc và sự vị tha với những người yếu thế, lúc nào cũng như những ngày đầu tiên tiếp xúc với đối tượng, không bao giờ bị cùn mòn cảm xúc và lòng trắc ẩn!
- Vừa chỉnh việc cũ, vừa tập làm việc mới
5 năm qua, cùng với hệ thống bưu điện trên toàn quốc, Bưu điện tỉnh Bình Thuận đã tiến hành chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cho trên 14 nghìn đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH tại 127 xã phường của tỉnh với tổng số tiền trên 49 tỷ đồng mỗi tháng.
Bà Phạm Thị Bạch Nga lĩnh lương hưu tại điểm chi trả
Tôi gặp bà Phạm Thị Bạch Nga, 73 tuổi, giáo viên cấp 1 nghỉ hưu ở điểm lĩnh lương hưu tại phương Phú Trinh, TP. Phan Thiết. Bà Nga nói: Bưu điện họ làm nhanh lắm, ai đến lĩnh lương cũng hài lòng hết. Chỉ phải cái lương hưu cô thấp quá, có 2 triệu 7 thôi, hai ông bà tiêu chừng ấy mỗi tháng, con cái nghèo cũng không giúp gì được bố mẹ nên cũng khó khăn”.
Về việc chi trả lương hưu, bà Lê Thị Hồng Vân, Phó giám đốc BHXH tỉnh Bình Thuận cho biết: Từ khi chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua bưu điện, chưa xảy ra tình trạng mất mát, tiền đến tay đối tượng nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ.
Tuy nhiên, đối tượng quản lý lớn nên không tránh khỏi thiếu sót. Ví dụ như công tác quản lý, tăng giảm, di biến động đối tượng đôi khi chưa kịp thời; dù bưu điện có tập huấn chính sách cho nhân viên liên tục, nhưng khi đối tượng thắc mắc thì nhân viên bưu điện vẫn không thể giải thích cặn kẽ, thấu đáo như cán bộ chính sách được... Tất cả những vấn đề đó, BHXH và Bưu điện phải thường xuyên trao đổi để giải quyết và phối hợp tốt hơn.
Từ tháng 9 năm nay (2016) Bưu điện Bình Thuận thêm nhiệm vụ mới: Chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội. Toàn tinh có trên 32 nghìn đối tượng thụ hưởng bao gồm người cao tuổi cô đơn, trẻ mồ côi, người khuyết tật... với số tiền chi trả trên 9,55 tỷ đồng.
Chi trả trợ cấp cho người khuyết tật tại Phường Phú Trinh, TP Phan Thiết
Ông Lê Tấn An – Giám đốc bưu điện tỉnh Bình Thuận tâm sự: Tháng 9 là tháng đầu tiên chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội, chúng tôi lo đến mất ăn mất ngủ vì nguồn tiền trợ cấp này phụ thuộc vào ngân sách địa phương nên không ổn định về thời gian. Đến ngày thông báo phát cho bà con rồi mà tiền thì huyện có huyện không, ngày 17/9 mới có tiền để phát khiến bà con sốt ruột, bức xúc. Rồi cũng chưa nhận được thông tin về đối tượng nào phải chi trả tận nhà nên vừa làm vừa... mò mẫm, tìm hiểu đối tượng cũng như công việc.
Chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội rất nhanh chóng, thuận tiện
Cùng chung băn khoăn với bà Hồng Vân, Phó giám đốc BHXH tỉnh, ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó giám đốc sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Thuận chia sẻ: Việc chi trả qua bưu điện đáp ứng được yêu cầu, đúng đối tượng, đầy đủ, chính xác, giảm bớt khối lượng công việc cho cán bộ lao động và anh em ở cơ sở. Nói thật, từ khi bưu điện chi trả rất tin tưởng chứ trước kia đưa tiền cho một số đối tượng chi trả chúng tôi không yên tâm chút nào. Tuy nhiên vạn sự khởi đầu nan, cũng có hạn chế về việc giải thích chế độ chính sách khi đối tượng thắc mắc, thông tin về đối tượng của bưu điện còn hạn chế, cần thêm thời gian để nắm bắt. Mọi việc chỉ mới bắt đầu, tất cả phải cùng nhau chủ động tháo gỡ vướng mắc, khắc phục khó khăn để công việc này đi vào ổn định.
Ông Hòa khẳng định: Cá nhân tôi thấy việc chi trả qua bưu điện nếu làm tốt thì rất thuận lợi, tôi ủng hộ chương trình chính đáng này.