THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:40

Mang niềm vui đến với mọi trẻ em Việt

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận; Giám đốc UNICEF khu vực Đông Á – Thái Bình Dương Daniel Toole;Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam Pratibha Mehta; Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Youssouf Abdel-Jelil cùng nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà Nước, Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành; đại sứ quán các nước và lãnh đạo một số tỉnh thành phố, các tổ chức phi chính phủ cùng tham dự lễ kỷ niệm.

 

 

Tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm

 

Phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Chính phủ Việt Nam và UNICEF đã có một lịch sử hợp tác lâu dài và tin cậy lẫn nhau từ khi nước Việt Nam vừa thống nhất (30/4/1975). Từ những ngày đầu UNICEF hiện diện tại Việt Nam, Chương trình hợp tác quốc gia do UNICEF hỗ trợ đã có định hướng mục tiêu là sẽ chuyển đổi dần từng bước cách thức hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam, từ cứu trợ khẩn cấp sau chiến tranh sang đáp ứng các nhu cầu cơ bản về giáo dục, y tế cho trẻ em. Đến nay, Chương trình này đang được tập trung vào mục tiêu cải thiện các dịch vụ xã hội, đặc biệt là việc xây dựng hệ thống luật pháp, chính sách để trẻ em Việt Nam được phát triển tối đa mọi khả năng của mình. 

Việt Nam và UNICEF đã có quá trình hợp tác tin cậy thông qua việc triển khai các chương trình cụ thể nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của trẻ em Việt Nam với ba giai đoạn chính. Giai đoạn thứ nhất (từ năm 1975-1990): UNICEF đã hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh để hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em. Trong bối cảnh Việt Nam vừa mới bước ra khỏi chiến tranh, sự hỗ trợ của UNICEF trong thời gian này tập trung chủ yếu vào xây dựng lại trường học cho trẻ em, đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp về y tế và nâng cấp các dịch vụ y tế ở nông thôn. Để hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em, Chính phủ Việt Nam và UNICEF đã tập trung hỗ trợ về dinh dưỡng, chăm sóc y tế cơ bản thông qua Chương trình về dinh dưỡng; Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường; Chương trình tiêm chủng mở rộng; Chương trình kiểm soát bệnh tiêu chảy; Chương trình Phụ nữ trong phát triển và Truyền thông.…

 

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn sự giúp đỡ của UNICEF trong suốt 40 năm qua

Những thành tựu mang dấu ấn trong giai đoạn này phải kể tới đó là: Chương trình nước sạch nông thôn được bao phủ khắp toàn quốc vào năm 1993, được đánh giá là một trong những chương trình hợp tác mà UNICEF đã hỗ trợ thành công nhất tại Việt Nam (tính trên phương diện hiệu quả chi phí và số người được hưởng lợi từ chương trình, trong đó bao gồm cả trẻ em).

Chương trình tiêm chủng mở rộng đã bao phủ tới 85% trẻ em ở Việt Nam vào năm 1995, đã giúp Việt Nam thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000 và bệnh uốn ván ở bà mẹ và trẻ sơ sinh vào năm 2005. Chương trình kiểm soát bệnh tiêu chảy đã triển khai ở 40 tỉnh, thành phố của Việt Nam và giúp bảo vệ được 62% trẻ em dưới 5 tuổi trong cả nước vào năm 1990.

Chương trình Phụ nữ trong phát triển và Truyền thông, với việc dịch và phát hành cuốn tài liệu của Liên hợp quốc về  “Những điều cần thiết cho sự sống” bằng tiếng Việt và 5 tiếng dân tộc thiểu số (gồm Mông, Thái, Tày – Nùng, Bana và Gia Rai), đã giúp hơn 100 nghìn phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam có kiến thức về 10 chủ đề liên quan tới sức khỏe và sự sống còn, bao gồm cả nuôi con bằng sữa mẹ, tiêm phòng, vệ sinh trong gia đình và HIV/AIDS.…

Giai đoạn thứ hai (từ năm 1990 đến 2005): đã hình thành khung pháp lý đầu tiên và bước đầu thúc đẩy những hoạt động hợp tác về chuyên môn liên quan tới trẻ em. Giai đoạn này được đánh dấu bởi một sự kiện đặc biệt khi Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em vào tháng 2 năm 1990. Việc phê chuẩn này góp phần tạo khuôn khổ vững chắc để xây dựng các chương trình hỗ trợ cho trẻ em Việt Nam.

Trong giai đoạn này, sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và UNICEF chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực chuyên môn sâu liên quan tới trẻ em như: xác định các nhóm dân số thiệt thòi nhất, chuyển định hướng chương trình sang các vấn đề về quyền trẻ em; tăng cường việc đưa trẻ em tới trường học, mở rộng mạng lưới và các dịch vụ về y tế, cũng như mở rộng việc cung cấp các dịch vụ này…

Trong khuôn khổ hợp tác quốc gia những năm 1991 - 1995, UNICEF đã hỗ trợ Bộ GD&ĐT cải thiện chất lượng giáo dục. Chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường đã nỗ lực để đạt các mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch hành động quốc gia và Thập niên về nước sạch và vệ sinh môi trường quốc tế vào năm 2000.

Bước vào giai đoạn hợp tác 1996 – 2000, UNICEF đã dành nhiều nỗ lực để hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề mới nổi lên liên quan tới trẻ em. Lần đầu tiên, UNICEF tại Việt Nam có một dự án dành riêng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là dự án “Phát triển dân tộc thiểu số và Vùng đô thị nghèo”. Dự án đóng vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu thúc đẩy “sự sống còn, phát triển, quyền được bảo vệ và quyền tham gia của trẻ em và phụ nữ” theo các quy định của pháp luật và phù hợp với các nguyên tắc của Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

Trong giai đoạn hợp tác 2001 - 2005, với 8 mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đã đánh dấu bước chuyển hướng tích cực trong Chương trình hợp tác Việt Nam – UNICEF với “Chương trình thúc đẩy quyền trẻ em Việt Nam”.  Sự thay đổi về hướng tiếp cận này đã giúp mở rộng các hoạt động hỗ trợ của UNICEF sang các lĩnh vực có liên quan tới trẻ em như phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em, bảo vệ  trẻ em, thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Đồng thời, với cách tiếp cận này, UNICEF đã tham gia vận động chính sách vì quyền trẻ em mạnh hơn trong các lĩnh vực như HIV/AIDS, bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng bị bóc lột, bị bạo lực, bị sao nhãng, tạo điều kiện để UNICEF tham gia hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn trong xây dựng luật pháp, chính sách, giám sát quyền trẻ em và xử lý các vi phạm về quyền trẻ em.

 

 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đánh giá cao chương trình hợp tác giữa Việt Nam - UNICEF

Giai đoạn thứ ba (từ năm 2006 đến nay): Hỗ trợ tăng cường năng lực quốc gia trong xây dựng chính sách, pháp luật cho trẻ em. Sự hợp tác tích cực trong giai đoạn này được ghi nhận thông qua việc triển khai các Chương trình như: Chương trình Vì sự sống còn và phát triển của trẻ em nhằm hướng tới các nhóm dân số thiệt thòi, giảm bớt tình trạng bất bình đẳng đối với trẻ em thiệt thòi theo cách bền vững; tăng cường các chính sách dựa trên bằng chứng và ngân sách để mở rộng các can thiệp.

 

 

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các tổ chức quốc tế chụp hình lưu niệm

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ Việt Nam cảm ơn sự hỗ trợ của Liên hợp quốc luôn đồng hành cùng nhân dân Việt Nam trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước và đối với công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em nói riêng. Nhìn lại 40 năm qua mới thấy sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế, đặc biệt là UNCEF. Dù đất nước còn khó khăn nhưng Chính phủ luôn ưu tiên nguồn lực cho con người, đặc biệt là trẻ em. Trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là những đối tượng được quan tâm nhất. “Chúng ta rất hài lòng về những điều đã làm được cho trẻ em nhưng không thể quên được hiện nay vẫn còn nhiều trẻ em chưa được hạnh phúc trọn vẹn. Việt Nam luôn cần sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Nếu như trước đây, Việt Nam cần sự hỗ trợ rất cụ thể bằng vật chất của các tổ chức quốc tế nhưng đến một ngày nào đó lại cần sự hỗ trợ chia sẻ về những kinh nghiệm quốc tế”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Vân Khánh - Mạnh Dũng/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh