Mầm non tư thục “chao đảo”: Nguy cơ trẻ thiếu chỗ học
- Giáo dục nghề nghiệp
- 09:02 - 12/04/2022
Trường bỗng dưng… “biến mất”
"Chị ơi, Hà Nội bắt đầu cho học sinh mầm non đi học trở lại nhưng con em không còn chỗ để học nữa. Trường đã giải thể rồi!", chị Thu Thủy (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết khi có thông tin Hà Nội cho trẻ mầm non đi học từ ngày 13/4. Đó cũng là những ngỡ ngàng, lo lắng của nhiều phụ huynh khi sau một đợt nghỉ dài do dịch bệnh Covid-19 thì trường của con bỗng dưng…"biến mất".
Chị Hiền (ngõ 908 Kim Giang, Hoàng Mai, Hà Nội) đến trường mầm non để làm thủ tục nhập học trở lại cho con trai 2 tuổi thì “phát hiện” ngôi trường con theo lúc trước dịch không còn nữa, thay vào đó là một doanh nghiệp. Tá hỏa, chị gọi điện cho giáo viên cũ của con thì được biết, trường đang tìm địa điểm khác rẻ hơn để mở lại, trụ sở trước trong khu đô thị Eden Rose có chi phí thuê quá cao nên không thể duy trì hoạt động.
“Trường đã đóng cửa để phòng, chống dịch từ ngày 1/5/2021. Sau khi trường kêu gọi, tôi và một số phụ huynh đã ủng hộ 1 - 3 tháng tiền học để hỗ trợ nhà trường duy trì. Giờ đây, trường chuyển địa điểm mới và cho biết 1 tuần nữa mới sang sửa xong để đón học sinh. Con tôi sẽ phải ở nhà thêm 1 tuần nữa mà chưa thể đi học theo lịch của Bộ GD&ĐT”.
Hai vợ chồng chị Nguyễn Mai (quê ở Phú Thọ) chưa kịp vui mừng vì con sẽ được đi học trở lại thì chuyển sang lo lắng vì nhận được thông tin trường học của con đã giải thể.
“Vợ chồng tôi chưa biết xin cho con ở đâu. Chúng tôi làm công nhân, thuê trọ ở quận Thanh Trì (Hà Nội) nên để đăng ký cho con học trường công lập rất khó khăn bởi liên quan đến giấy tờ, thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng rất phức tạp. Trong khi công việc thường xuyên đi sớm về khuya, lại làm theo ca nên không thể đón con đúng giờ theo quy định của trường công lập. Hiện các điểm trường tư thục gần nhà trọ cũng đều treo biển thông báo đóng cửa, thanh lý đồ đạc nên để tìm được trường phù hợp gửi con đối với vợ chồng tôi bây giờ thật sự khó như mò kim đáy bể", chị Mai buồn rầu chia sẻ.
Theo ghi nhận, hiện rất nhiều phụ huynh có con ở độ tuổi mầm non đang học ở các trường dân lập, tư thục tại Hà Nội đối diện với nỗi lo tìm trường mới cho con khi các trường thông báo đóng cửa vì dịch kéo dài, cơ sở không đủ năng lực tài chính để tiếp tục mở trường.
Mở trường rồi lại “đỏ mắt” tìm giáo viên
Biết tin nhà trường được hoạt động lại, chị Nguyễn Thị Hoa, chủ Trường Mầm non Ánh Sao đăng tin tuyển giáo viên trong các hội nhóm trên Facebook với mức lương 7 - 8 triệu đồng/ tháng.
Những ngày qua, rất nhiều trường mầm non tư thục đồng loạt đăng tin tuyển giáo viên khiến nhu cầu tăng cao, trở nên khan hiếm. Theo chị Hoa, nhiều cô giáo mầm non đã tìm công việc khác với mức lương tốt hơn nên dù đăng tin tuyển giáo viên mấy ngày nay, thậm chí hạ tiêu chuẩn tuyển dụng về trình độ và số năm kinh nghiệm nhưng trường vẫn không có hồ sơ nào ứng tuyển.
“Việc thiếu giáo viên là lo lắng chung của nhiều cơ sở mầm non tư thục chứ không riêng cơ sở của tôi. Đáng lo nhất là hiện giáo viên mầm non không tha thiết với nghề bởi lương thấp, công việc vất vả. Trường học được mở cửa mà thiếu giáo viên thì cũng rất đau đầu", một chủ cơ sở mầm non tư thục tại Hà Nội nói.
Gần 1 năm tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều trường mầm non tư thục rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn vốn, không thể chi trả tiền thuê mặt bằng, nhiều giáo viên gặp khó buộc phải xin nghỉ việc, chỉ còn rất ít cô cố bám trụ với nghề. Nhiều chủ trường chia sẻ sẵn sàng chi trả mức lương cao hơn, thậm chí hạ yêu cầu, chỉ mong có nhân sự như: Thay vì yêu cầu bằng cấp đúng chuyên ngành mầm non và có kinh nghiệm ít nhất 2 năm, giờ vẫn cần yêu cầu bằng cấp nhưng không nhất thiết phải có kinh nghiệm vì các cô sẽ được đào tạo sau khi nhận. Tuy nhiên, câu chuyện nhân sự mầm non vẫn đang là vấn đề đau đầu, các chủ trường vẫn đang “đỏ mắt” tìm cách thu hút giáo viên.
Mong mỏi chính sách “vào” cuộc sống
Ngày 12/2/2022, Công điện số 126/CĐ-TTg do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký có nội dung: Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về điều kiện, trình tự, thủ tục, mức lãi suất cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập. Thủ tướng yêu cầu “tập trung thực hiện, hoàn thành dứt điểm” ngay trong quý I/2022.
Trước đó, tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ, ngày 30/1/2022, Chương trình nêu rõ: "Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 1.400 tỷ đồng".
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, thành phố hiện có 1.145 cơ sở giáo dục mầm non với hơn 525.000 trẻ theo học. Trong đó, trẻ em theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục là hơn 158.000 trẻ, chiếm 30%. Việc nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, rao bán, nhiều người lao động phải chuyển việc do ảnh hưởng của dịch bệnh đã dẫn đến nguy cơ 1,2 triệu trẻ trong độ tuổi mầm non trên cả nước không có chỗ học. “Đây là một con số không nhỏ”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Như vậy đã sang quý II/2022, các trường và giáo viên vẫn chờ đợi thông tin chính thức từ phía Bộ GD&ĐT, mong mỏi chính sách hỗ trợ nhanh chóng được thực hiện.
Thông tin từ Bộ GD&ĐT, từ tháng 5 đến 12/2021, cả nước có hơn 28.500 cơ sở giáo dục mầm non tạm dừng hoạt động; 58 trường và 526 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục phải giải thể. Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục hiện đảm nhiệm việc nuôi dạy cho 22,3% số trẻ ở độ tuổi đến trường. 90.500 người lao động đang làm trong hệ thống này với hơn 19.000 cơ sở, trong đó bao gồm cả trường mầm non và các nhóm trẻ. Kết quả rà soát của Bộ cho thấy, 95,2% cơ sở giáo dục mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng, 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên.