THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:55

Mái nhà chung của trẻ em khuyết tật Hà Nội

Chăm sóc, PHCN gắn với dạy chữ, dạy nghề cho trẻ khuyết tật 

Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật (trực thuộc Sở LĐ- TB&XH Hà Nội) nằm tại thôn Tràng An, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, đang nuôi dưỡng 130 trẻ em khuyết tật của thành phố Hà Nội, có độ tuổi từ 1 đến 18 tuổi.

                                                        Các em nhỏ Trung tâm chữa bệnh giáo dục LĐXH số II Hà Nội 

Đây là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ khuyết tật khép kín, toàn diện cả về thể chất và tinh thần, kết hợp chặt chẽ giữa chăm sóc và giáo dục, hướng nghiệp. Trung tâm có đội ngũ cán bộ nhân viên nhiều kinh nghiệm, đoàn kết, có kỷ cương, tình thương và trách nhiệm, luôn tạo điều kiện tốt nhất giúp các cháu khuyết tật sớm hoà nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Chúng tôi đến Trung tâm khi các em đang học chương trình giáo dục đặc biệt hệ 8 năm với ngôn ngữ kí tự. Ông Lê Văn Hoàng - Giám đốc Trung tâm cho biết: “Ở đây, các cháu được nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, giáo dục văn hóa, học nghề, để khi đủ 18 tuổi, các cháu có thể hòa nhập với cộng đồng, xã hội, trở thành một công dân có ích”.

Tổng diện tích toàn đơn vị hơn 5.000 m2 với hệ thống cây xanh đa dạng và cơ sở hạ tầng khang trang, sạch đẹp, có vườn hoa cây cảnh xanh và khu vui chơi giải trí, không khí mát mẻ trong lành.

Gần 40 năm qua, Trung tâm đã nuôi dưỡng, dạy văn hóa, PHCN và tái hòa nhập cộng đồng cho trên 1.000 trẻ khuyết tật. Có em đã trở thành doanh nhân giỏi, có cuộc sống ổn định và hạnh phúc.

Nơi gửi gắm niềm tin của cha mẹ có con khuyết tật 

Rời Trung tâm tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, chúng tôi đến với Trung tâm PHCN Việt- Hàn, nơi gửi gắm niềm tin của các cha mẹ có con khuyết nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng. Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Kim Cam- Giám đốc Trung tâm cho biết: “Trẻ tự kỉ phải được phát hiện sớm, can thiệp  sớm, Trung tâm luôn trăn trở để tìm phương pháp hỗ trợ, can thiệp cho các trẻ khuyết tật, đặc biệt là trẻ tự kỷ một cách hiệu quả nhất”.

 Hoạt động phục hồi chức năng, tại Trung tâm PHCN Việt - Hàn


Đến thăm các nhà nội trú của trẻ, ấn tượng đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp đó hình ảnh ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ trong  từng ngôi nhà. Mặc dù trẻ ở đây bị khuyết tật đặc biệt nặng, song với sự chăm sóc  tận tình, chu đáo của các cán bộ, nhân viên nơi đây các em đã có một mái nhà đầm ấm, tràn đầy sự yêu thương.

Trung tâm PHCN Việt Hàn được trang bị các thiết bị PHCN chuyên dụng, hiện đại như máy siêu âm, kéo giãn cột sống, điện xung, điện phân, sóng ngắn, châm cứu laser Trẻ em khuyết tật được tiếp nhận vào Trung tâm thông qua việc khám tuyển tại các địa phương và phân loại theo các dạng tật để áp dụng các hình thức phục hồi chức năng cho phù hợp. Bên cạnh đó còn có đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên sâu về giáo dục đặc biệt, tâm lý, công tác xã hội, bác sỹ... thuận lợi cho công tác khám, trị liệu tâm lý và PHCN cho trẻ khuyết tật.

Với sự tận tâm và nỗ lực không ngừng của tập thể BGĐ, CBVC, người lao động trong những năm qua nhiều cháu học sinh khuyết tật đã tiến triển một cách rõ rệt, đó là các cháu: Nguyễn Đức Độ, Đỗ Minh Quân, Nguyễn Tuấn Anh, Lê Mạnh Dũng, Đỗ Danh Bách, Nguyễn Diệu Linh...

Các em nhỏ Trung tâm PHCN Việt - Hàn đang vui chơi trong khuôn viên của Trung tâm


Một trong số những trẻ được can thiệp thành công nhất là cháu Nguyễn Thế Khiêm đã được hòa nhập, hiện đang học lớp 2D Trường Tiểu học Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Gia đình không thể giấu được niềm vui sướng vì sau 2 năm dài nỗ lực can thiệp, chữa trị, giáo viên chủ nhiệm lớp đã nhận xét, Khiêm có thể đáp ứng được mọi chương trình học như một học sinh bình thường. 

Hiện Trung tâm PHCN Việt - Hàn đang chăm sóc, nuôi dưỡng 116 em khuyết tật trong đó có 101 em dưới 16 tuổi, trong năm qua, đã có 15 em hòa nhập cộng đồng. Đây là nơi rất phù hợp để PHCN về vận động và tinh thần.

Có thể nói, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng, trẻ khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng và tại các trung tâm Bảo trợ xã hội trên địa bàn TP Hà Nội trong nhiều năm qua đã thu được những kết quả đáng trân trọng, góp phần phá vỡ rào cản, tạo điều kiện cho một bộ phận trẻ khuyết tật trên địa bàn Hà Nội được học tập, hòa nhập để đảm bảo sự phát triển.

Bên cạnh đó, đã tạo được niềm tin của cha mẹ trẻ khuyết tật về năng lực và chất lượng chuyên môn giáo dục hòa nhập cộng đồng cho các trẻ sau một thời gian vào Trung tâm.

Thanh Nhung/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh