CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:08

Chú trọng chất lượng quản lý, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Ngày 26/3/2014, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND về thực hiện "Đề án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2014- 2020" (sau đây gọi tắt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn). 

Với mục tiêu đến năm 2020, 95% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HC ĐB) được nhận sự trợ giúp và được cung cấp các dịch vụ xã hội phù hợp; Phát triển các hình thức nhận nuôi có thời hạn đối với trẻ em có HC ĐB; chăm sóc bán trú cho trẻ em khuyết tật nặng, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em nhiễm HIV/AIDS; nâng cao chất lượng chăm sóc, trợ giúp trẻ em có HC ĐB tại các cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội và cộng đồng.

Trẻ em cùng mẹ hiền của làng SOS Hà Nội

Chủ động chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt

 Trước khi UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch thực hiện “Đề án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh  ĐB dựa vào cộng đồng giai đoạn 2014- 2020”, các trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố đã triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống của nhóm trẻ có HCĐB. Ngoài các cơ sở bảo trợ xã hội công lập, với chức năng hoạt động cụ thể và trách nhiệm xã hội đối với trẻ em có HC ĐB, nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân đã rất nỗ lực trong công tác bảo trợ, chăm sóc đối tượng trẻ em này.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Làng trẻ SOS Hà Nội cho biết: Làng trẻ SOS Hà Nội là một trong những Làng được thành lập sớm ở Việt Nam. Trải qua hơn 20 năm hoạt động, đã là một trong những mô hình nuôi trẻ ưu việt nhất hiện nay trên toàn quốc, các em có HC ĐB ở đây đã có một mái ấm tình tương đúng nghĩa, được ăn học, vui chơi, bảo đảm các quyền trẻ em một cách tốt nhất…Tính đến quý I/2016, tổng số trẻ tại làng SOS là 235 em; số trẻ tự lập, trẻ về gia đình là 10 em.

Dưới mái nhà chung SOS, giám đốc Sinh cho biết, Làng trẻ SOS thực hiện tốt nề nếp sinh hoạt gia đình, chế độ sinh hoạt hàng ngày, tích cực tăng gia sản xuất, cải tiến bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cho trẻ, tăng cường vận động tài trợ, tiết kiệm các khoản chi chưa cần thiết, tập trung kinh phí bổ xung vào bữa ăn đảm bảo nguồn dinh dưỡng giúp trẻ phát triển tốt về thể chất, tinh thần, đảm bảo học tập và rèn luyện. “Duy trì cuộc sống gia đình đầm ấm, tương trợ giúp đỡ nhau, xây dựng và củng cố tình cảm mẹ con, anh chị em và cộng đồng Làng”, ông Sinh chia sẻ.

Ông Sinh cũng cho biết thêm, trong điều kiện thời tiết tháng 6, mùa hè nóng nực, nhiều thông tin dịch bệnh phức tạp, Làng luôn chủ động tuyên truyền, tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu như: Làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủ động phòng các bệnh dịch nguy hiểm, tăng cường chế độ ăn để tăng lượng và chất, mặc ấm, ngủ ấm… nên các cháu đều khoẻ mạnh, không có cháu nào bị nhiễm dịch, bị ốm nặng phải nằm viện nội trú.

Các em làng trẻ SOS tung tăng đến lớp

Làng SOS cũng vừa tổ chức tốt tổng kết năm học 2015- 2016 cho trẻ toàn Làng, và Lễ vào hè năm 2016. Hiện, các em đang háo hức tham gia Giải bóng đá các Làng trẻ em SOS Việt Nam, Trại hè các Làng trẻ em SOS vào tháng 6, 7/2016.

Đáng chú ý, các cán bộ công nhân viên của làng hiện đang quan tâm tìm việc làm cho trẻ ra trường năm 2016, phấn đấu 100% ra trường có việc làm. Đồng thời, quản lý tốt số trẻ đang học nghề và sống bán tự lập xa Làng, giám đốc Sinh cho biết.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, đến nay toàn thành phố có hơn 1,7 triệu trẻ em, trong đó trên 13.000 em có hoàn cảnh đặc biệt (có trên 1.000 trẻ đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội gồm 470 trẻ mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi, 408 trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng, 81 em bị ảnh hưởng HIV/AIDS, 53 trẻ lang thang). Sở LĐ-TB&XH thành phố luôn quan tâm, chỉ đạo và hướng dẫn các quận, huyện, thị xã phối hợp với các Trung tâm Bảo trợ xã hội tiếp nhận các em có HC ĐB vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của thành phố.

Cùng với đó, thời gian qua, thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng và triển khai một số mô hình bảo vệ chăm sóc trẻ em tiêu biểu như: Mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại dựa vào cộng đồng; mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực dựa vào cộng đồng; bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng. Hiện các mô hình vẫn tiếp tục được triển khai hiệu quả tại một số xã được chọn làm thí điểm ở các huyện: Ba Vì, Mê Linh, Thạch Thất, Thanh Oai, Hoài Đức, Đông Anh…

Các em nhỏ làng SOS cùng mẹ hiền chăm sóc gia đình, vườn cây...

 Nhiều mô hình có hiệu quả

Sau khi xây dựng và triển khai các mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hiệu quả, thành phố Hà Nội phấn đấu đảm bảo cho 100% trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị tổn thương được can thiệp, trợ giúp kịp thời, được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ trẻ em. Theo ông Đặng Văn Bất, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, thành phố sẽ nỗ lực để hoàn thành tốt các mục tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em (đặc biệt với nhóm trẻ em có HCĐB) tạo tiền đề vững chắc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn thành phố.

Ngày 4/2/2016, UBND TP.Hà Nội ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND về việc triển khai thực hiện “Chương trình bảo vệ trẻ em trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016- 2020”. Theo đó, UBND thành phố đặt mục tiêu 100% các quận, huyện, thị xã xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em trên địa bàn; giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng số trẻ em xuống còn 0,7%; giảm tỷ lệ gia tăng số trẻ em bị xâm hại, lạm dụng; đảm bảo trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được quản lý và có các biện pháp can thiệp, trợ giúp kịp thời để tránh rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; đảm bảo ít nhất 98% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển. 

Có thể nói, với sự quan tâm chỉ đạo của Nhà nước, của TP. Hà Nội, sự chung tay của các tổ chức xã hội, các cá nhân trong nước và nước ngoài, các vấn đề của trẻ em có HCĐB trên địa bàn Hà Nội đang từng bước được giải quyết tích cực, đem lại cuộc sống hạnh phúc, bình đẳng cho các em. 

Các em nhỏ làng SOS xinh tươi trong tiết mục biểu diễn văn nghệ

Hoạt động này cần được thực hiện với lộ trình, kế hoạch cụ thể, một chiến lược toàn diện và sâu sắc có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, chính quyền địa phương, xã hội và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

 

Hiện Việt Nam có khoảng 1,5 triệu trẻ em có HC ĐB, trong đó có khoảng 176.000 trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi. Hoàn cảnh đó không chỉ là nỗi bất hạnh của bản thân các em mà còn là nỗi đau xót của gia đình, người thân và là gánh nặng cho xã hội, cộng đồng. Những trẻ em sinh ra và lớn lên không có sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ sẽ phải đương đầu với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. 

Thanh Nhung/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh