THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:27

Những thầy thuốc trong thế giới người điên

Tình người trong chốn tỉnh mê

Chúng tôi đã đến với Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Thường Tín, Hà Nội) vào một buổi chiều tháng giêng. Buổi chiều mùa xuân, những màn mưa phùn giăng làm bầu trời trở nên ảm đạm. Không khí ở bệnh viện Tâm thần càng trở nên ảm đạm hơn.

Từng tốp những bệnh nhân tâm thần ngồi co ro với nhau trên ghế đá dưới mái hiên của sảnh bệnh viện. Họ mặc áo bệnh nhân, đồng phục màu xanh. Những thân hình chẳng giống ai, tóc tai bù xù, rũ rượi những ánh mắt vô hồn, thẫn thờ nhìn trời mưa. Thi thoảng trong số họ lai có những tiếng la hét hoảng loạn, cười rồi khóc chỉ trong một khoảnh khắc.

Lúc chúng tôi đến, chị Nguyễn Thị Phương, Y tá trưởng Khoa Cấp tính nữ) đang gồng mình giữ một bệnh nhân nữ ngoài 50 tuổi luôn mồm chửi rủa mọi người, tay chân giẫy giụa liên tục. Đưa bệnh nhân vào phòng, trên trán chị Phương lấm tấm mồ hôi, cho dù ngoài trời vẫn lạnh trên 10 độ C, chị Phương hài hước: “Bác này còn dễ đấy, nhiều bệnh nhân khi lên cơn còn vật ngửa bác sĩ ấy chứ!” .

Bệnh nhân bị tâm thần được chữa trị tại bệnh viện (ảnh minh họa)

Chị Phương cho biết, bệnh nhân đến đây từ rất nhiều vùng miền khác nhau, đủ mọi lứa tuổi. Và đa phần họ phát bệnh vì phải hứng chịu những cú sốc quá lớn trong cuộc sống như: Thất tình, bị chồng bạo hành chồng bạo hành trong thời gian dài, mất con, căng thẳng do học tập, công việc, hay phá sản trong làm ăn kinh tế... Cũng theo chị Phương, vừa mới cách đây hơn một tháng bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân H, quê ở Hà Nam, là sinh viên một trường cao đẳng, yêu một chàng trai quê ở Thanh Hóa. Nhưng do gia đình H ngăn cản nên họ đành phải chia tay. Quá đau khổ vì cuộc tình bị dang dở, H hóa tâm thần. Ở trong viện, có hôm trời rét H cởi hết cả quần áo, chạy lông nhông ngoài sân bôi hết đất lên tóc, mặt. Những lúc như vậy các  y tá bác sĩ lại phải ra dỗ dành rồi đưa H vào tắm gội, nhưng có hôm H chống đối không cho tắm hất cả xô nước vào người y tá.

Những trường hợp như H rất nhiều. Hầu hết bệnh nhân tâm thần được điều trị ở đây gia đình đều rất hoàn cảnh và họ không có người thân chăm sóc. Chính vì vậy việc điều trị, chăm sóc cho người bệnh bình thường đã vất vả, khó khăn, thì việc làm đó đối với những người bệnh nhân tâm thần càng khó khăn và gặp nhiều bất trắc gấp bội. “Thông thường với bệnh nhân thì chỉ mong gặp được bác sĩ, nhưng với bệnh nhân tâm thần lại ngược lại, các bác sĩ phải “hóa thân” nói cười cùng người bệnh để trò chuyện dỗ dành họ”.

Rời Khoa Cấp tính nữ, chúng tôi đến Khoa Điều trị tự nguyện, bác sĩ Lê Thị Tố Uyên, Trưởng khoa- người vừa được vinh danh trong chương trình “Phụ nữ ngành y tận tâm với nghề” tâm sự: “Khi mới tốt nghiệp, nhận nhiệm vụ vào làm ở bệnh viện này, tôi cũng sợ. Chưa kể, khi tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần họ không kiểm soát được hành vi, cảm xúc. Nói thật, các bác sĩ làm ở bệnh viện khác được người ta trọng vọng còn nói đến bác sĩ tâm thần nhiều người buồn cười! Những đêm đang ngủ, bệnh nhân dậy đốt màn, đánh nhau... bác sĩ phải bật dậy, tìm cách xử lý là chuyện thường tình”.

Chị Nguyễn Thị Phương cho biết, một người bị tâm thần mà mấy người trong gia đình còn trông không xuể thì mấy chục người tâm thần mà 4 bác sĩ, y tá trong một ca trực trông sao được hết. Nhiều khi bệnh nhân dỡ nóc nhà trốn, bác sĩ đi xe máy đuổi theo, lần tìm mọi hướng để đưa bằng được bệnh nhân về viện. Không kể bác sĩ, các nhân viên trực cũng không bao giờ được ngủ, thức 24/24, sáng giao ban mặt bạc đi, nhưng khi gặp bệnh nhân vẫn phải tươi cười, niềm nở...

Hạnh phúc khi người bệnh trở về với cuộc đời

Là người gắn bó với bệnh viện Tâm thần Trung ương I từ những năm 1986, tiến sĩ, Thầy thuốc ưu tú Tô Thanh Phương, Trưởng khoa Cấp tính nữ chia sẻ: “Vào những năm 80 – 90, là thời điểm đất nước đang chuyển mình. Đời sống của các y bác sĩ lúc đó vốn đã gặp rất nhiều vất vả, với các bác sĩ tâm thần càng vất vả hơn, khiến không ít người đã từ bỏ nghề bởi không chịu nổi những khó khăn, áp lực.

Bản thân tôi cũng có không ít cơ hội để chuyển sang làm những công việc khác nhàn hạ, thu nhập cao, tuy nhiên tôi vẫn quyết tâm “bám nghề”. Công việc của những người thầy thuốc vốn đã không phải lúc nào cũng suôn sẻ,  nhưng đối với nghề bác sĩ tâm thần lại vất vả hơn rất nhiều so với lĩnh vực khác. Ai mới vào nghề này, lúc đầu đều sợ hãi, lo lắng, căng thẳng trong môi trường làm việc khác người ở đây. Nhưng rồi sau một thời gian ngắn, lại cảm thấy thương người bệnh. Với họ mình cần phải có tình thương, có sự cảm thông sâu sắc thì mới có thể làm được...”.

Chữa trị cho những bệnh nhân tâm thần quả thật là công việc không đơn giản (ảnh minh họa)

Hơn 30 năm gắn bó với nghề đã có bao nhiêu lượt bệnh nhân được bác sĩ Phương cứu chữa tận tình trở lại được với cuộc sống đời thường. Khi chúng tôi đề cập đến vấn nạn phong bì và những vấn đề liên quan đến y đức gây bức xúc trong dư luận, TS Phương chia sẻ: “Bệnh tâm thần là bệnh mạn tính, phải điều trị liên tục kéo dài khiến gia đình bệnh nhân khánh kiệt, thậm chí rất nhiều người bệnh lang thang, cơ nhỡ... nên chúng tôi luôn đến với bệnh nhân bằng tất cả tình thương và trách nhiệm của một người bác sĩ. Đồng thời, chúng tôi phải tìm mọi cách để có thể chia sẻ, an ủi bệnh nhân như một người bạn, một người thân để hiệu quả điều trị có thể đạt được kết quả mong đợi.

Đối với những thầy thuốc trong bệnh viện tâm thần thì chỉ mong sao người bệnh được ổn định về tâm lý để trở lại với cuộc sống tươi sáng đời thường. Mặc dù không nhận được quà tặng là những chiếc phong bì nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên nhận được tin nhắn, gọi điện hay những món quà nhỏ của những người bệnh khi họ được hồi phục tâm lý”.

TS Phương xúc động khi nhớ về những kỷ niệm với bệnh nhân, nhiều bệnh nhân cảm động trước sự tận tâm của bác sĩ, khi khỏi bệnh đã bày tỏ tình yêu và một mực đòi lấy TS Phương, trong đó có bệnh nhân Lù Thanh Tâm (dân tộc Mường) quê Lạng Sơn. Ngoài ra, TS Phương cũng không thể nhớ hết được những món quà bất ngờ của người bệnh, đó là chiếc đèn lồng gửi từ Quảng Nam, ông cứ ngỡ là của bạn bè gửi tặng, truy tìm mãi không ra. Đến sau này TS Phương mới biết đó là món quà của một nữ bệnh nhân. Hay có lần, một ông cụ lặn lội từ Nam Định tìm đến, xin gặp bác sĩ Tô Thanh Phương bằng được để khoe rằng cậu con trai bị bệnh trầm cảm đã được bác sĩ Phương chữa khỏi đang làm luận án thạc sĩ tại Hàn Quốc...

Ở một nơi không có tệ phong bì phong bao, nơi bệnh nhân thần trí không sáng suốt, các y bác sĩ không thường xuyên được cảm ơn như những thuốc ở chỗ khác. Nhưng những lời cảm ơn mà họ nhận được đều xuất phát tự đáy lòng. Chính vì vậy mà nhiều bác sĩ, điều dưỡng vẫn miệt mài phục vụ chăm sóc những bệnh nhân tâm thần bằng cả tình thương yêu giữa con người với con người. 

NGUYỄN SÍU – THANH HUYỀN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh