CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:50

Lý Sơn: "Mỏ vàng" của các nhà báo

 

 

1.Tôi ra đảo Lý Sơn lần đầu tiên vào năm 1999. Lúc bấy giờ Lý Sơn còn là hòn đảo hoang sơ, dân cư thưa thớt, con tàu gỗ đi từ cảng Sa Kỳ ra Lý Sơn phải gần 3 tiếng mới đến nơi. Đề tài ngày ấy của tôi khi ra đảo không phải là câu chuyện “Vương quốc tỏi” hay Đội hùng binh Hoàng Sa nổi tiếng như bây giờ. Ngày ấy, lượm lặt được cái tin có người đàn bà góa chồng nhận nuôi gần chục đứa trẻ mồ côi, thế là tôi lên đường. Bài báo “Mẹ  Phú và những đứa trẻ mồ côi” là phóng sự đầu tiên tôi viết về con người trên hòn đảo này. Bài báo thứ 2 mà tôi viết về Lý Sơn chính là khởi nguồn từ chuyến đi đầu tiên, bài “Bao giờ Lý Sơn có tàu cao tốc” vào năm 2000.

Sở dĩ tôi viết bài này là khi ra đảo Lý Sơn làm việc, anh Trần Văn Thọ - CT UBND huyện cứ ao ước mãi, nếu như Lý Sơn có tuyến tàu cao tốc như Sài Gòn đi Vũng Tàu thì biết đâu vài năm sau Lý Sơn sẽ thành địa điểm du lịch biển của tỉnh Quảng Ngãi. Ước mơ là vậy và cũng rất nhiều bài báo đề cập đến vấn đề này, thế  mà mãi đến gần 5 năm sau, Lý Sơn mới lần đầu tiên có tuyến tàu cao tốc rút ngắn khoảng cách đi lại chỉ còn 1 tiếng đồng hồ. Và ở thời điểm hiện tại, khoảng cách thời gian đã rút ngắn xuống chỉ còn 25 phút mà thôi. Bây giờ, khi ngồi trên chiếc tàu cao tốc có máy lạnh thổi phù phù tôi không thể nào quên chuyến tàu đầu tiên ra đảo khi hành khách phải ngồi xen lẫn với gà vịt và vô vàn những thứ vật dụng thiết yếu mà người dân trên đảo phải mua từ đất liền vận chuyển ra.

 

 

Câu chuyện về Đội hùng binh Hoàng Sa có lẽ là đề tài nóng nhất ở huyện đảo Lý Sơn cho đến thời điểm này. Lễ Khao lề Tế lính Hoàng Sa dường như đã trở thành “chủ đề nóng” với dân làm báo ở Quảng Ngãi hơn chục năm nay, nhất là khi vấn đề chủ quyền biển đảo luôn được hâm nóng từng ngày. Nhưng ở Lý Sơn Lễ khao lề thế lính đã có từ hàng trăm năm trước nhưng chỉ mang tính địa phương, chưa nâng lên thành nghi lễ mang tầm cỡ Quốc gia. Khi tỉnh Quảng Ngãi đặt những viên gạch đầu tiên xây nền móng cho tượng đài Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải cũng là lúc báo chí khơi dậy lại và mang đến cho Lễ hội này vị trí thiêng liêng của nó trong lòng bạn đọc cả nước. Chỉ riêng con số truy cập cho từ khóa Hoàng Sa kiêm Bắc Hải cũng đã đạt con số trên 49 ngàn lượt.

Nói như vậy để thấy cầu nối của báo chí với những sự kiện tưởng chừng như bị lãng quên hoặc chỉ hiện hữu trong tâm trí của số ít người biết là vô cùng lớn. Chính báo chí chứ không phải cuộc tuyên truyền nào khác đã mang hình ảnh và thông điệp của Lý Sơn đi tới mọi miền đất nước và thậm chí còn vượt ra khỏi biên cương của tổ quốc. Cũng chính từ những thông điệp khởi đầu của báo chí đã biến Lý Sơn thành một điểm đến không thể thiếu cho mọi tầng lớp người dân khi đến miền trung và đặc biệt là Quảng Ngãi. 

 

 

Lý Sơn có hành, có tỏi là câu nói cửa miệng khi giới thiệu du khách về những sản vật truyền thống đã gắn liền với cuộc mưu sinh của người dân Lý Sơn từ lúc những cư dân khai sinh lập đến nay cùng nghề đi biển. Có thể nói cây tỏi đã là hình ảnh biểu trưng của hòn đảo này. Bất cứ nhà báo nào khi đến Lý Sơn, khi ra về cũng ấp ủ 1 bài viết về cây trồng này. Từ vị ngon của nó đến cách thức người dân Lý Sơn trồng tỏi ra sao và ngay cả một chi tiết đơn giản là mùa cây hành trên đảo trổ hoa cũng được báo giới quan tâm, khai thác. Cây tỏi ở Lý Sơn đã mặc nhiên in vào tâm thức của khách du lịch cả nước không phải qua hệ thống quảng cáo như các sản phẩm dịch vụ khác nhan nhản trên truyền hình mà chính từ những bài báo khắc họa về nó qua góc nhìn khác nhau của các nhà báo. Và cũng chính báo chí cả nước đã từng cứu cây tỏi Lý Sơn khi vạch trần thủ đoạn của một số nông dân đem giống tỏi ở Lý Sơn vào Khánh Hòa trồng rồi đem ngược về Lý Sơn bán lại cho người tiêu dùng.

Báo chí với vai trò tuyên truyền của mình trong những năm qua cũng đã làm tốt công tác phản biện, dự báo cho Lý Sơn khi những phát sinh tiêu cực nảy sinh từ sự phát triển ồ ạt của hòn đảo này để đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng tăng. Báo chí không chỉ tô đẹp cho Lý Sơn mà còn đóng vai trò dự báo những hạn chế sẽ mắc phải của Lý Sơn trong thời gian đến là rác thải, là xây dựng bừa bãi làm phá vỡ vẻ đẹp hoang sơ của hòn đảo này. Và vừa qua, báo chí cũng đã phản ảnh gay gắt sự lợi dụng của không ít cá nhân nhằm trục lợi từ du lịch và đánh mất hình ảnh của Lý Sơn trong mắt khách du lịch. Còn nhớ, cách đây gần 10 năm, Lý Sơn đã từng được qui hoạch để xây dựng một nhà máy nhiệt điện sử dụng than. Báo chí thời ấy đã từng có những bài phản ánh về sự thay đổi của Lý Sơn nếu có điện. Song, cũng không ít nhà báo tâm huyết, nhất là những nhà báo đã gắn bó với Lý Sơn cũng viết bài cảnh báo Lý Sơn sẽ trở thành đảo ô nhiễm khi xỉ than từ nhà máy nhiệt điện thải ra. Và quả thật, sau nhiều tranh luận, dự án nhiệt điện Lý Sơn đã được thay bằng điện lưới quốc gia thông qua việc kéo cáp vượt biển. Lý Sơn có điện cũng đã từng tạo ra cơn sốt trên các mặt báo về tính hiệu quả và lợi ích kinh tế - quốc phòng của nó.

 

 

Bây giờ, Lý Sơn đã như “nàng tiên” được đánh thức. Nhưng chính từ sự đánh thức có phần vội vàng trong thời gian qua đã làm cho Lý Sơn biến dạng khá nhiều. Từ vẻ đẹp rất hoang sơ, Lý Sơn đã dần được “tô son điểm phấn” quá đậm. Chính từ sự “cố làm đẹp” này đã sẽ phần nào làm giảm đi tính hấp dẫn lâu dài. Tôi từng có dự định viết một bài phân tích thật sâu về Lý Sơn nhưng chưa có dịp hoặc có thể cũng chưa có những cảm xúc thực sự để viết hết về hòn đảo này. Nhưng, tôi nhớ mãi lời tâm sự của một người bạn từ phương xa đến thăm Lý Sơn xong bảo: Chắc tôi đi một lần chứ không có lần thứ hai(!). Bạn tôi giải thích; Lý Sơn thì đẹp nhưng người ta “vội ném” vào nó đủ thứ gam màu, biến nó thành bức tranh lòe loẹt, mọi thứ vận hành lộn xộn khiến du khách mất đi sự lưu luyến.

Khi viết điều này với tư cách là nhà báo địa phương tôi cũng rất buồn. Song tôi tin lời nhận xét của bạn tôi là sự góp ý chân thành. Để níu chân du khách, để trở thành một điểm đến lý tưởng tỉnh Quảng Ngãi cũng hình thành hàng loạt những dự án phụ trợ như phố đi bộ ven biển hay công viên địa chất toàn cầu nhằm thu hút khách quốc tế. Nhưng cái chính là sự qui hoạch thiếu đồng bộ và không chi tiết đang có nguy cơ biến Lý Sơn thành một công trường ngổn ngang và khi hoàn thành thì vây quanh toàn là bê tông cốt sắt.

 

 

Hơn lúc nào hết, báo chí sẽ còn đóng vai trò quan trọng để bảo tồn cho Lý Sơn từ những điều vốn có. Song, cũng từ báo chí, thì hơn ai hết những người dân trên hòn đảo tiền tiêu này cũng cần nâng cao trách nhiệm của mình, sát cùng báo chỉ bảo vệ và gìn giữ nhưng giá trị tâm linh, và hơn cả là sự hoang sơ của Lý Sơn như thưở ban đầu.

ĐÔNG HẢI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh