THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:31

Người đàn ông "sống lại"... giữa đám tang của mình

 

"Sống lại" trong đám tang của chính mình

Ngày 9/3, sức khỏe ông Nguyễn Văn Đạo, 53 tuổi, ngụ Kim Sơn, Châu Thành, Tiền Giang, đã dần bình phục sau 4 ngày từ Bệnh viện Quân y 120 về nhà.

Trước đó, sáng mùng 4 Tết Nguyên đán (tức ngày 22/2), ông Đạo bị đột quỵ tại nhà dì ruột ở TP Tân An (Long An) nên được người thân đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An cấp cứu. Tại đây, nhiều lần ông Đạo hôn mê, ngưng tim nên được bệnh viện cho về nhà lo hậu sự vào tối 22/2. Trên đường về, bệnh viện có đưa theo ống thở để đến nhà rút ổng thở là bệnh nhân chết.

Trở về nhà, sau khi rút ống thở, gia đình, người thân ông Đạo đã dựng rạp, lo quan tài, nhạc lễ chờ sẵn và dự định sẽ tẩm liệm vào lúc 19h30 ngày 23/2. Người nhà đã tổ chức tụng kinh cầu siêu cho ông Đạo. Cả trăm người đã đến dự đám tang, chia buồn với gia đình.

 

Ông Đạo (phải) bên ân nhân cứu mạng.

Tuy nhiên có ông Phạm Tấn Lộc (ngụ TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đến dự đám tang vào trưa ngày 23/2, khi vào nhìn mặt bạn lần cuối đã sờ lên ngực ông Đạo, thấy còn ấm nên khuyên người nhà đưa ông Đạo đến bệnh viện cấp cứu. 

Ông Lộc kể lại: “Gia đình tôi ở xã Kim Sơn nhưng tôi về TP Mỹ Tho sống đã mười mấy năm. Là chòm xóm với nhau, sáng hôm đó mẹ ruột tôi không đi dự đám tang được nên gọi điện thoại cho tôi về dự thay. Khi đó tôi gọi những người ở xóm xem khi nào an táng để về cho kịp thì được người nhà thông báo ông Đạo vẫn còn ấm và chờ chết”.

Theo ông Lộc, khi hay tin ông Đạo còn ấm, ông đã tức tốc đến nhà để bàn với gia đình đưa ông Đạo đi cấp cứu. Tuy nhiên, mọi người ai cũng ngăn cản vì nói trước sau gì ông Đạo cũng chết. Ông Lộc cho biết: “Nghe mọi người ngăn cản không còn cách nào khác nên tôi nói: “Giờ cho tôi mượn cái xác này  để đưa đi cấp cứu nếu chết thì tôi đem về trả và chịu mọi chi phí”. Khi đó mọi người đến dự đám tang mới đồng ý cho tôi gọi xe đưa ông Đạo đi cấp cứu”. 

Đến Bệnh viện Quân y 120 (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) cấp cứu, ông Đạo được các bác sĩ chẩn đoán đột quỵ não, cơ thể suy kiệt nặng nên truyền nước, bù dịch, sinh tố, thực hiện các bước điều trị. Ngày 24/2, ông Đạo bắt đầu tỉnh, bình phục dần và chính thức xuất viện vào ngày 5/3.

Số tiền bà con chòm xóm tới phúng viếng ông Đạo, sau đó được bà con sẵn lòng dành để chi trả viện phí cho ông. Ông Phạm Tấn Lộc, ân nhân cứu mạng của ông Đạo, cũng hỗ trợ gia đình người bạn nghèo 1,3 triệu đồng.

 

Ông Đạo tươi cười khi nghe chuyện chết đi sống lại của mình

Cũng theo ông Lộc, có lẽ do "số ông Đạo không chết" nên mẹ ông lại gọi ông về đi dự đám tang. Chứ nếu không giờ này ông Đạo đã nằm dưới 3 tấc đất.

Bác sĩ Hồ Văn Bảy, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Quân y 120) cho biết: “Đây là trường hợp thoát chết hy hữu, nếu người nhà không đưa đến bệnh viện kịp thời thì chắc chắn ông Đạo sẽ chết vì kiệt sức, vì đói…”.

Chiều ngày 9/3, trao đổi với PV , chị Nguyễn Huỳnh Ngoan, con gái ông Đạo cho biết: “Mấy ngày nay cha tôi đã khỏe, đi loanh quanh nhà được và ăn ngày 3 bữa cơm. Bác sĩ cho thuốc đem về nhà uống 1 tuần. Tuy nhiên, có lẽ do bị não nên bây giờ ông lúc nhớ, lúc quên”.

Nhiều trường hợp được “thần chết trả về

Thời gian gần đây, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều trường hợp người chết đang được người nhà chuẩn bị đám tang lại sống lại khỏe mạnh.

Năm 2012, anh Trần Hoàng Nam, 29 tuổi, ngụ xã Phú Túc, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, đã “chết đi sống lại” rất ly kỳ. Ngày 29/3/2012, anh Nam làm nghề thợ hồ bị rơi từ tầng 3 xuống mái tôn của kho chứa vật tư tại công trình, bất tỉnh và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. 

Thấy khả năng sống của anh Nam thấp nên ngày 4/4/2012, người nhà xin đưa anh Nam về quê. Khi về đến nhà, gia đình đang chuẩn bị khâm liệm làm đám tang thì anh Nam bỗng dưng đứng dậy, đi đốt nhang tất cả các bàn thờ trong nhà trước sự kinh ngạc của người thân trong gia đình.

Cuối năm 2012 có trường hợp cô gái tên Trần Thị Bé Năm, SN 1989, ngụ An Hòa Tây, Ba Tri, Bến Tre, chết lâm sàng bỗng dưng sống dậy. Bé Năm được chẩn đoán ung thư xương từ năm 2007 nhưng vẫn vừa trị bệnh vừa đi học. Đến năm 2009, Năm tốt nghiệp ngành Du lịch ở trường trung cấp Âu Việt (TP Hồ Chí Minh).

Đầu tháng 9/2012, Bé Năm lại trở bệnh nặng, được đưa vào bệnh viện đa khoa huyện Ba Tri cấp cứu, sau đó chuyển lên bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (TP Bến Tre) để điều trị tiếp. Sức khỏe Bé Năm ngày càng suy kiệt nên gia đình được bác sĩ động viên đưa về nhà lo hậu sự vì hết cách cứu chữa.

 

Bé Năm đã chết lâm sàng năm 2012 nhưng bỗng sống lại cho tới nay

 Bà Bùi Thị Hợp, mẹ Bé Năm cho biết: “Lúc bác sĩ gọi vào nói chuyện riêng, tôi như chết lặng khóc không thành tiếng khi nghe nói nên đưa về nếu không cháu sẽ chết ở bệnh viện bất cứ lúc nào. Vậy là tôi kêu xe đưa con về chứ không còn một tia hy vọng nào nữa. Về đến gần nhà, mọi người phải khiêng bằng cáng của bệnh viện nên chòm xóm tưởng là con bé hấp hối rồi. Vậy mà sau 3 ngày gần như mê man, chết lâm sàng, gia đình đã thay quần áo cho con để chuẩn bị khâm liệm thì Bé Năm bỗng dưng tỉnh dậy và đi lại được khiến ai cũng bất ngờ”.

Lương y Võ Văn Hưng ở chùa Phước An (thị trấn Ba Tri, Ba Tri) kể lại: “Khi ở bệnh viện đưa về người nhà có gọi điện cho tôi đến xem mạch, lúc đó Bé Năm rất yếu nhưng còn mạch thoi thóp. Tôi nói tiếp tục uống thuốc trong vòng 3 ngày nữa xem sao nhưng sau 2 ngày thì Bé Năm đã tỉnh dậy. Do uống quá nhiều loại thuốc khác nhau nên không biết Bé Năm khỏe lại là nhờ thuốc gì”. 

Trong hồ sơ bệnh án của Bé Năm các bác sĩ kết luận Bé Năm bị suy kiệt xương giai đoạn cuối và nhiều chứng bệnh khác như viêm Amiđan, trào ngược dạ dày thực quản, viêm dạ dày, túi mật, viêm đa xoang…

Sau gần 3 năm “chết đi sống lại”, bây giờ Bé Năm vẫn uống thuốc nam kết hợp thuốc tây để chống chọi lại căn bệnh ung thư xương giai đoạn cuối và vẫn sinh hoạt bình thường trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người.

PV (Theo Dân Trí)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh