CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:25

Tại sao “Cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”?

 

Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet.

 

Từ Văn minh Lúa nước đến cuộc sống hiện tại

Nền văn minh lúa nước đã xuất hiện tại vùng Đông Nam Á cách đây khoảng 10.000 năm về trước. Trong đó cư dân Việt chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi nền văn minh này. Chính vì thế tính mùa vụ luôn được chú trọng hơn bao giờ hết, khi được đề cao, con người ta sẽ luôn tin tưởng vào một đấng thần linh tối thượng có quyền cai quản về thời tiết, mùa màng và súc vật, việc cầu cúng cũng từ đó xuất hiện. Cư dân Việt bắt đầu canh tác mùa màng thường sau tết Nguyên đán, vào dịp này và nhất là dịp tết Nguyên tiêu - Rằm tháng Giêng, người dân Việt ta thường đi lễ để cầu nguyện cho một mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, công việc hanh thông. Vì vậy ngày Rằm tháng Giêng luôn được nhân dân ta đề cao là như vậy.

 

 

Bước ra từ khoa nghi

Khoa nghi hay còn gọi là khoa cúng, được dùng trong các nghi lễ nơi chùa, đền… ta thường thấy xuất hiện đường thỉnh mời như: “...Cung thỉnh thiên quan, địa quan… Thượng nguyên tích phúc thiên quan, Trung nguyên xá tội địa quan, Hạ nguyên giải ách thủy quan…”. Ở đây chúng ta thấy khoa nghi được dùng trong các nghi lễ được xuất hiện từ xưa và truyền cho tới ngày nay, các khoa nghi này là nơi thể hiện rõ nét tinh thần Tam giáo đồng nguyên của các bậc tiền bối. Sự khéo léo hòa hợp tư tưởng đó đã giúp người Việt thể hiện ước vọng của mình tới các đấng thần linh qua các nghi lễ. Ngày Rằm tháng Giêng là dịp được các địa điểm tâm linh như chùa, đền… tổ chức cúng Thượng nguyên, cung nghinh thiên quan giáng phúc, vì thế mà được gọi là “Thượng nguyên tích phúc thiên quan”. Từ đó để lí giải vì sao người dân Việt ta thường đi cúng lễ vào dịp này, nó cũng từ khoa giáo của ông cha ta mà ra.

 

 

Niềm tin và ước vọng

Trong cuộc sống không ai là không mong muốn những điều may mắn, tốt đẹp sẽ đến bên mình và gia đình, bên cạnh những nỗ lực hoàn bị vật chất quanh mình, họ còn luôn chọn  những dịp tốt nhất trong năm để đi lễ cầu nguyện cho một cuộc sống hạnh phúc, tươi vui. Những ước vọng của họ thể hiện niềm tin trong sáng vào tín ngưỡng và tôn giáo, bởi con người không thể tách rời yếu tố vật chất và tinh thần, khi yếu tố vật chất và tinh thần được cân đối thì mọi sự cũng từ đó mà thuận lợi, hanh thông.

Xuất phát từ những điều trên mà đời này qua đời khác người dân Việt ta vẫn truyền nhau câu: “Cúng quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng” hay “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng” là  như vậy. 

VĂN ĐẠI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh