THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:56

Kinh nghiệm làm cỗ cúng Rằm tháng Giêng 'chuẩn' nghệ nhân

Xung quanh câu chuyện Tết Nguyên Tiêu - Rằm tháng Giêng, bà Ánh Tuyết, nghệ nhân dân gian trong lĩnh vực ẩm thực được Nhà nước phong tặng, cho rằng, đây được coi là thời điểm người dân ăn thêm một ngày Tết nữa, nên mâm cỗ được chuẩn bị rất chu đáo.

 

 

"Mâm cơm cúng Rằm tháng Giêng nên đầy đủ 5 vị chua, cay, mặn, ngọt, chát. Tuy nhiên, các gia đình có thể tùy nghi biến tấu sao cho mâm cỗ gia đình phong phú, phù hợp với khẩu vị riêng". Ảnh: Phụ nữ Việt Nam

Theo nghệ nhân Ánh Tuyết, tùy vào điều kiện kinh tế hay phong tục tập quán, mỗi gia đình chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng khác nhau, tức là tùy tiền biện lễ, có khả năng đến đâu thì làm lễ như vậy. 

Điều quan trọng là mọi người đều thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn đối với ông bà, tổ tiên và cầu mong một năm an lành, may mắn.

Bà Ánh Tuyết cũng chia sẻ cách làm mâm cỗ Rằm tháng Giêng đơn giản nhưng đầy đủ dinh dưỡng cũng như đáp ứng được tiêu chí về mặt thờ cúng tâm linh.

 

Nghệ nhân ưu tú ẩm thực dân gian Ánh Tuyết. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nghệ nhân này chia sẻ: “Mâm cơm cúng Rằm tháng Giêng cơ bản có một con gà trống, đây là vật tế trong nghi lễ truyền thống. Tiếp đó là bánh chưng, tượng trưng cho sự vuông tròn của trời đất. 

Món thứ 3 là xôi gấc. Không chỉ có màu đỏ giúp mâm cỗ thêm đẹp mắt mà theo quan niệm dân gian, màu đỏ của xôi gấc sẽ mang lại may mắn cho gia chủ.

Tiếp theo trong mâm cỗ là chân giò bó luộc; dưa món; chè kho... Mâm cỗ phải có vị mặn của nước chấm, vị cay của ớt, vị chua của đĩa dưa hành và vị ngọt của chè kho.

Tuy nhiên, các bà nội trợ có thể tùy nghi biến tấu sao cho mâm cỗ gia đình phong phú, phù hợp với khẩu vị riêng của gia đình. 

Ngoài ra, người làm cỗ cũng có thể làm các món có tính mát, dễ ăn, sau khoảng thời gian bổ sung quá nhiều bánh chưng, giò chả, đồ xào mỡ dịp Tết Nguyên đán. Đó là các món cá hấp, cá nấu riêu kèm thêm rau sống. 

Các đầu bếp cũng có thể trổ tài với món cuốn như cuốn thang, cuốn bỗng, hành cuốn củ quả… hoặc món thịt lợn luộc cuốn kèm thêm khế, rau thơm, lạc rang, chuối xanh...

Nhiều gia đình quan niệm, mâm cỗ cúng bắt buộc phải có giò chả, thịt bò xào…nhưng theo tôi, người dân đã ăn các món đó quá nhiều vào ngày Tết. Nay nhìn mâm cỗ như vậy không ai muốn ăn, bỏ thừa sẽ gây phí phạm”.

Trước ý kiến cỗ cúng Rằm của người Hà Nội phải đầy đủ 8 đĩa, 5 bát mới đúng lễ nghi, nghệ nhân Ánh Tuyết cho biết: “Hình thức cúng như vậy nói lên sự cầu kỳ trong chế biến món ăn của người Hà Nội cổ. Nhưng hình thức này chỉ nằm trong gia đình có điều kiện, tức là 'Phú quý sinh lễ nghĩa'. 

Với gia đình lao động, bày biện như vậy, họ lấy đâu tiền mà làm? Tôi quan niệm, 'tùy tiền biện lễ', tức là có bao nhiêu thì làm mâm cơm bấy nhiêu, không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy”.

Bên cạnh đó, bà Ánh Tuyết cũng chia sẻ thêm: “Nhiều người cho rằng, trong mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng phải có bánh trôi với ý nghĩa cho mọi việc trôi chảy, suôn sẻ. 

Nhưng ở Hà Nội xưa, trong mâm cỗ truyền thống không hề có bánh trôi. Người Hà Nội chỉ cúng bánh trôi vào dịp Tết Hàn thực (mùng 3/3 âm lịch) hay ngày Giết sâu bọ (mùng 5/5 âm lịch). 

Sau này, nhiều người ở tỉnh thành khác về, mới du nhập món này vào mâm cơm cúng Rằm tháng Giêng”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh