Vì sao “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi“
- Tây Y
- 05:19 - 18/02/2015
Dân gian có câu “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” để nói về phong tục tập quán của người Việt trong năm mới. Vì vậy, sáng mùng 1 Tết, tại các vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhiều người đi bán muối dạo qua khắp các đường làng, ngõ xóm. Tại các đình chùa, muối được bày bán bên cạnh hoa quả, vàng mã, đèn hương…
Người bán sẽ đong một bát đầy có ngọn chứ không gạt ngang miệng bát bởi người ta cho rằng mua muối có ngọn mới mang lại sự đầy đủ, trọn vẹn và no ấm cả năm. Người mua, người bán đều cười nói vui vẻ, và không ai kỳ kèo mặc cả bao giờ.
Theo quan niệm của người xưa, muối mặn có thể xua đuổi tà ma, đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Bên cạnh đó, tục mua muối đầu năm còn có ý nghĩa cầu mong sự đậm đà, hòa thuận trong tình cảm gia đình, sự mặn mà trong các quan hệ làm ăn... như vị đậm đà của muối.
Câu “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” còn mang ý nghĩa của việc “mua muối đầu năm” là cha mẹ nhắc nhở con cái “ăn dè, hà tiện”, tiết kiệm để dành tiền “cuối năm mua vôi” xây nhà.
Theo quan niệm của người xưa, muối mặn có thể xua đuổi tà ma, đem lại nhiều may mắn trong gia đình
Ngược lại với tục mua muối, người ta thường tránh mua vôi đầu năm bởi người xưa quan niệm vôi mà trắng biểu tượng cho sự bạc bẽo (bạc như vôi).
Thế nên đầu năm phải tránh mua vôi để tránh những rủi ro trong năm mới, tránh rạn nứt và đổ vỡ trong quan hệ tình cảm gia đình cũng như công việc. Thay vào đó, sẽ mua vôi vào cuối năm.
Theo giải thích của ông Vương Duy Bảo - Cục phó Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), cuối năm mua vôi” là để xây nhà, ăn trầu và dùng để rải 4 góc nhà đuổi tà ma. Mua vôi cũng là để quét lại căn nhà, tường cổng cho sạch sẽ, trắng tinh tươm, chuẩn bị đón năm mới.