CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:30

Hiểu rõ 5 giai đoạn trong giáo dục cảm xúc, cha mẹ sẽ giúp tạo ra những đứa trẻ tuyệt vời, thành công hơn

Chủ đề về giáo dục cảm xúc gần đây được quan tâm rộng rãi hơn. Những người có trí tuệ cảm xúc cao rất tự tin và thành công hơn khi giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Ai trong số chúng ta không mong mỏi con mình sẽ trở thành con người tự tin và hạnh phúc?

Một chiến lược nuôi dạy con cái sai lầm mà nhiều bố mẹ mắc phải đó là: Muốn con mình bình tĩnh vui vẻ nhưng lại không nói với con về cảm xúc hoặc bỏ qua cảm xúc của chúng. Một sai lầm khác nữa là bố mẹ thường có phản ứng ngay lập tức khi trẻ có hành động hoặc hành vi xấu, đánh phạt hoặc tìm mọi cách ngăn cản sự tức giận và cáu kỉnh của chúng.

Parent coach Linh Phan: 5 giai đoạn trong giáo dục cảm xúc - chìa khóa để cha mẹ sẽ giúp con học giỏi hơn ở trường và thành công hơn  - Ảnh 1.

Mỗi người trưởng thành đều có nhiều ký ức từ thời thơ ấu, nhiều người trong số chúng ta có những kỷ niệm buồn khi bị cha mẹ bỏ mặc hoặc đối xử quá nghiêm khắc. Nếu việc bị bỏ ngoài tai, áp dụng các hình phạt quá hà khắc hoặc quá áp đặt con cái, cho tới khi đứa trẻ 10 tuổi, con sẽ thực sự gặp vấn đề trong việc hình thành mối quan hệ với những người khác. Và điều này chắc chắn ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của con.

Sự đồng cảm của bố mẹ là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển tình cảm hài hòa của đứa trẻ trong gia đình. Điều quan trọng là cha mẹ có thể chia sẻ cảm xúc cùng với trẻ hay không.

Làm thế nào để cha mẹ thể hiện sự thấu cảm với con? 

Hãy xem xét ví dụ đơn giản này!

Một em bé rất buồn vì không thể vẽ hình một chú sóc xinh đẹp. Trong tình huống này, bố mẹ phải thông báo với đứa trẻ về cảm xúc của con và thể hiện mình hiểu con đang cảm thấy thế nào. Hãy xác nhận cảm xúc của con trước, giúp em bé hiểu rõ hơn về thế giới tình cảm của mình và cùng con đưa ra giải pháp để cải thiện điều mà con đang vướng mắc. 

Khi nhận được phản hồi như vậy từ bố mẹ, đứa trẻ sẽ bày tỏ ý kiến và những suy nghĩ của mình. Và khi một đứa trẻ gặp khó khăn hay xung đột trong mối quan hệ với các bạn bè ở trường, con chắc chắn sẽ chia sẻ với bố mẹ và cùng nhau đưa ra lựa chọn để giải quyết vấn đề. Quan trọng nhất, đứa trẻ sẽ không có sự xa cách với bố mẹ khi con bước vào độ tuổi vị thành niên và thành niên. Con chắc chắn sẽ chia sẻ cảm xúc của mình, thay vì né tránh hay giấu diếm.

Parent coach Linh Phan: 5 giai đoạn trong giáo dục cảm xúc - chìa khóa để cha mẹ sẽ giúp con học giỏi hơn ở trường và thành công hơn  - Ảnh 2.

Để duy trì sự đồng cảm, thấu cảm trong mối quan hệ với con cái và phát triển trí tuệ cảm xúc, cha mẹ cần phải thành thạo 5 cấp độ/giai đoạn giáo dục cảm xúc. Đây là lý thuyết được đưa ra bởi giáo sư John Gottman, giáo sư tâm lý học nổi tiếng người Mỹ.

Giai đoạn 1: Tìm hiểu cảm xúc của trẻ

Ở giai đoạn này, trước hết người lớn phải tự nhận thức được cảm xúc của chính mình và nhận ra mình có thể chia sẻ cảm xúc cùng người khác. Điều này không có nghĩa là bạn phải thể hiện rõ ràng cảm xúc của mình ra và không có một ranh giới nào. Chỉ là cha mẹ thì cần phải tự hiểu nội tâm của mình trước rồi mới có thể hiểu cảm xúc của con.

Nhưng phải thừa nhận, hầu hết người lớn không nhận ra cảm xúc của chính họ. Đàn ông còn là đối tượng khó thể hiện và nhận biết cảm xúc hơn phụ nữ. Thường trong thời thơ ấu, các bé trai cũng được yêu cầu hoặc ép buộc phải kìm nén hoặc phớt lờ cảm xúc. Nhưng không có gì là không thể. Hãy cố gắng nhận ra ít nhất một cảm xúc nào đó trong ngày, như: Buồn bã, cáu kỉnh, vui vẻ… ở con. Hãy trò chuyện với con, quan sát và lắng nghe con chia sẻ về cảm xúc của chúng.

Giai đoạn 2: Cảm xúc là công cụ để cùng nhau học hỏi

Bố mẹ sẽ hạnh phúc khi con cái có tâm trạng tích cực. Nhưng nếu bố mẹ thể hiện rằng mình chỉ chấp nhận con khi chúng vui vẻ, tích cực thì các bạn sẽ phải đối mặt với những tình huống khá phức tạp khi trẻ có cảm xúc tiêu cực. Điều quan trọng là phải hiểu rằng bất kỳ loại cảm xúc nào ở trẻ cũng là một phương tiện, một cơ hội để gần gũi con hơn và cùng nhau học hỏi.

Tất nhiên khi trẻ còn rất nhỏ, cha mẹ đôi khi có thể chuyển hướng sự chú ý của con khỏi những cảm xúc tiêu cực bằng cách tạo ra trò chơi để bé phân tâm, tạo ra những điều bất ngờ… Nhưng đừng lạm dụng, bởi cách làm này không có tác dụng với những đứa trẻ có cảm xúc thực-sự-lớn-lao và có thể mang tới những tổn thương khi bố mẹ bỏ mặc chúng.

Một đứa trẻ đang cần cha mẹ giúp đỡ khi trải qua tức giận, buồn bã, lo lắng. Con không thể thể hiện được những cảm xúc này vì con không muốn làm phiền bố mẹ hoặc bị hiểu thành thách thức bố mẹ. Khi hiểu được các giai đoạn của giáo dục cảm xúc, người lớn phải chấp nhận một điều rằng sự sợ hãi của trẻ (giận dữ, gây hấn) là những nhiệm vụ mà chúng cần phải giải quyết và bố mẹ cần trợ giúp chúng. Công nhận nhiệm vụ này là cách mà bạn có thể giúp con thay đổi cách con phản ứng với những cảm xúc tiêu cực.

Để một đứa trẻ biết cách chấp nhận bản thân cho tới suốt đời, người lớn phải nhận ra cảm xúc và không cấm đoán chúng. Mọi thứ cảm xúc đều là thật, chúng có thể và nên được thể hiện một cách đúng đắn.

Parent coach Linh Phan: 5 giai đoạn trong giáo dục cảm xúc - chìa khóa để cha mẹ sẽ giúp con học giỏi hơn ở trường và thành công hơn  - Ảnh 3.

Giai đoạn 3: Lắng nghe, thấu cảm và chấp nhận cảm xúc của trẻ

Bố mẹ biết thấu cảm sẽ nhận ra cảm xúc của con thông qua nét mặt của chúng. Hãy nhớ lại khi mình còn bé, bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu ở tình huống của con bây giờ. Đừng vội nói chuyện lên lớp trẻ, hãy chọn những cụm từ ngắn để bộc lộ cảm xúc, tường thuật lại những gì bạn nhìn thấy.

"Mẹ thấy là con đang buồn…" và sau lời này, hãy tạm dừng để cho con có cơ hội nói. Quan trọng đó là: Hãy lắng nghe trái tim mình để hiểu cảm giác của con.

Câu hỏi mà người lớn thường hỏi trẻ là "Tại sao con lại buồn?". Thực ra câu hỏi này không giúp trẻ hiểu được chính mình.

Hãy nói với trẻ những gì bạn thấy: "Mẹ thấy có vẻ con hơi nhăn mặt khi mẹ nói về cuộc thi…" sau đó tạm dừng và đợi xem trẻ sẽ nói, chia sẻ như thế nào.

Giai đoạn 4: Giúp con gọi tên cảm xúc bằng từ ngữ

Mở rộng vốn từ cho con, nói với con về những gì bạn từng trải qua, chia sẻ cảm xúc bạn có là những gì đơn giản nhất bố mẹ nào cũng có thể làm với con. Tất nhiên là đừng nói quá chi tiết với trẻ nhỏ vì chúng có thể không hiểu được. Những thói quen nói về cảm xúc này có thể giúp trẻ hình thành phản xạ gọi tên cảm xúc của chúng và giúp chúng bình tĩnh trở lại nhanh hơn.

Một đứa trẻ đang ở trong trạng thái cảm xúc tiêu cực, bối rối và sợ hãi có thể con phải đối mặt với thứ gì đó khó chịu, khó hiểu. Việc đặt câu hỏi cho con "Tại sao con lại hành động như vậy? Tại sao con lại nghịch ngợm như vậy" chỉ làm vấn đề càng trở nên trầm trọng. Con không thể trả lời những câu hỏi này.

Tại thời điểm đó, con cần có sự kết nối về mặt tình cảm với bố mẹ, có sự tham gia và hỗ trợ của bố mẹ. Nếu không nói cho trẻ biết, con không bao giờ hiểu được mình đang trải qua cảm xúc gì, phải đối phó với nó thế nào hay mình không được đi quá giới hạn gì.

Nhiệm vụ của bố mẹ là hãy phản ánh lại cảm xúc của con bằng việc tường thuật "Con thực sự muốn ăn bánh quy, nhưng mẹ không đồng ý, vì thế con buồn, con tức giận và con đã đánh mẹ". Với cách tiếp cận này, ở khía cạnh nuôi dưỡng cảm xúc, cảm xúc tiêu cực cá nhân của đứa trẻ không còn tính "cá nhân" mà trẻ nhận ra nó là cảm xúc mà nhiều người khác cũng trải qua. Con có thể nhận ra rằng những người khác cũng phải đối phó với những cảm xúc này và từ đó dần hình thành sự đồng cảm về sau. Khi kinh nghiệm sống của con còn chưa đủ, trẻ sẽ không bao giờ có thể tự mình nhận ra kết luận này mà không có sự hỗ trợ về mặt cảm xúc từ bố mẹ.

Ở giai đoạn này, thông qua việc mở rộng vốn từ một cách tích cực, bố mẹ giúp con nhận biết chính xác cảm xúc của mình. Trong cơn giận dữ, con hét lên rằng "con ghét mẹ". Trong thực tế, con đang bị lạc vào mê cung của sự thất vọng, ghen tị và tức giận. Thật hữu ích nếu bố mẹ thông báo cho con biết về những cảm giác con đang trải qua. Cơn giận và sự thao túng của trẻ sẽ lắng xuống khi người lớn bắt đầu nói về cảm xúc, thể hiện sự đồng cảm và thấu hiểu với con.

Trẻ càng có thể bày tỏ cảm xúc của mình một cách chính xác bằng ngôn từ, con càng bình tĩnh lại nhanh hơn. Trong những cơn giận dữ, con có thể nói "Con đang rất tức giận vì…" thì cũng có nghĩa là cơn giận đó đã sắp qua và con có thể bắt đầu tự trấn an mình.

Quan trọng hơn cả, con sẽ hiểu dần về thế giới nội tâm không chỉ của mình mà cả những người xung quanh để bắt đầu biết thực hành lòng thấu cảm.

Parent coach Linh Phan: 5 giai đoạn trong giáo dục cảm xúc - chìa khóa để cha mẹ sẽ giúp con học giỏi hơn ở trường và thành công hơn  - Ảnh 4.

Giai đoạn 5: Những giới hạn và hỗ trợ giải quyết vấn đề

Đây là giai đoạn cuối cùng trong hành trình giáo dục cảm xúc. Giai đoạn này sẽ có 5 bước quan trọng:

1. Xác định các giới hạn

Ngay từ khi con nhỏ, trẻ đã nên hiểu về các ranh giới với một số hành vi nhất định, thường là gây tổn thương hoặc nguy hiểm tới bản thân hoặc người khác. Điều quan trọng, chúng ta cần giải thích cho con hiểu rằng vấn đề không nằm ở CẢM XÚC của con, mà là ở HÀNH VI.

Nếu bạn thấy rằng trong cơn giận dữ, trẻ đánh bố mẹ, ông bà hoặc bạn bè thì hãy chấp nhận và gọi tên cảm xúc của trẻ bằng từ thích hợp, nhưng cũng đồng thời thể hiện rằng bạn không chấp nhận hành vi của trẻ.

2. Xác định các mục tiêu

Khi con đã bình tĩnh lại, bố mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân của sự việc hoặc mong muốn sâu xa của con. Câu trả lời của trẻ có thể rất đơn giản: Con muốn chơi chiếc xe đó, con không muốn là người cuối cùng…

3. Xem xét các giải pháp có thể

Đối với trẻ nhỏ, bố mẹ có thể chủ động đưa ra các phương án giải quyết vấn đề. Nhưng trẻ càng lớn hơn càng cần được có quyền tự chủ, quyền đề xuất các ý kiến của mình. Bạn có thể thực hành việc cho con quyền tự quyết trong khi chơi các trò chơi.

4. Đánh giá những giải pháp này dựa trên các giá trị gia đình

Hãy hỏi con những câu hỏi này:

Đây có phải là quyết định công bằng không?

Nó sẽ được thực thi như thế nào?

Có đảm bảo an toàn không?

Con sẽ cảm thấy như thế nào?

Những người còn lại cảm thấy như thế nào?

Trong khi trò chuyện với con, hãy phân tích cho con hiểu về hậu quả của một hành vi dựa trên những câu hỏi này.

5. Cuối cùng, hãy giúp con lựa chọn các phương án để giải quyết vấn đề

Cuối cùng điểm quan trọng nhất vẫn là: Lựa chọn những giải pháp phù hợp nhất mà không áp đặt ý kiến của bạn lên đứa trẻ. Hay nói cách khác, điều khó khăn nhất là trao quyền cho trẻ tự xử lý các tình huống khó khăn.

Nếu con thích một giải pháp mà bạn không đồng tình nhưng nó an toàn, hãy để trẻ thử nghiệm lựa chọn của mình. Khi trẻ tin rằng phương pháp này không hiệu quả, trẻ sẽ sử dụng một giải pháp phù hợp hơn. Để biến một quyết định thành hiện thực, trẻ cần được hỗ trợ để đưa ra các kế hoạch rõ ràng và từng bước một. Hãy nói về những gì đã có hiệu quả, những gì không và tại sao. Khi con đã lựa chọn một giải pháp mà cả 2 đồng ý, bạn có thể cùng tìm ra một con đường chung. Hãy nhớ rằng, tất cả chúng ta đều trưởng thành lên nhờ những sai lầm.

Hành trình giáo dục cảm xúc là một người lớn thể hiện sự đồng cảm và giúp trẻ bộc lộ tâm hồn mình. Trẻ cảm thấy tình yêu của cha mẹ và cha mẹ sẽ hiểu rõ động cơ, hành động của trẻ em. Giữa các thế hệ sẽ có sự thân mật, ấm áp và tin tưởng. Chiến lược giáo dục này đòi hỏi một sự thay đổi về nhận thức trước hết ở người lớn.

Giáo sư tâm lý học John Gottman

Nhờ giáo dục cảm xúc, trẻ em sẽ học giỏi hơn ở trường, khỏe mạnh hơn, mối quan hệ với bạn bè cũng tốt hơn, có ít hành vi tiêu cực hơn và cũng hồi phục nhanh hơn sau những trải nghiệm và thử thách khó khăn.

Với trí tuệ cảm xúc phát triển tốt, những đứa trẻ sẽ sẵn sàng cho những rủi ro và vấn đề mà con phải đối mặt. Bố mẹ chúng ta, còn mong chờ điều gì hơn thế?

Vài nét về tác giả:

Linh Phan là một chuyên gia tư vấn phụ huynh theo chứng chỉ PCI Certified, đồng thời là tác giả cuốn sách "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu". Theo Linh Phan, làm cha mẹ tốt nhất đối với con và đối với chính mình là khi tin vào bản năng của mình.

Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, Linh Phan sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích, giúp đỡ các bố mẹ có cuộc sống ôn hoà, bình tĩnh trên hành trình nuôi dưỡng những em bé hạnh phúc, biết lắng nghe, hợp tác và tích cực.

Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.


Linh Phan

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh