THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:12

Lưu giữ nghề nón lá Đan Du

Kỳ Thư là xã nằm phía Nam huyện Kỳ Anh, có diện tích tự nhiên 528,42 ha với số dân 4067 khẩu và 2831 lao động. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, nghề làm nón lá được du nhập vào địa phương năm 1946, được người dân địa phương duy trì, gìn giữ và phát triển đến năm 2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh chính thức công nhận Nghề truyền thống nón lá Kỳ Thư.

 

Làng nón Đan Du ngày ấy và bây giờ

Làng Đan Du lúc bấy giờ thuộc xã Trung Sơn (nay là Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm nón lá truyền thống. Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử và cuộc sống, các thế hệ người dân nơi đây vẫn âm thầm “giữ lửa” cho nghề cũng như giữ gìn một phần “hồn” của nón lá Việt trên những đường may, mũi chỉ theo từng phiến lá nón được người dân trèo đèo lội suối lấy từ dãy Hoành Sơn về.

Rót chén trà đặc mời khách, cụ Trần Công Thỏa (SN 1927) ngụ ở thôn 3 Đan Trung vừa nhấm nháp ly chè bồi hồi nhớ lại: “Từ năm 1946 nghề nón lá được du nhập vào địa phương tại làng Đan Du, do cụ Võ Điểm ở thôn Đan Trung học từ Quảng Bình đem về và hướng dẫn cách làm nón cho bà con nhân dân sau đó được lan tỏa khắp toàn xã và một số bà con xã lân cận như Kỳ Hải, Kỳ Thọ, Kỳ Văn…”.

Cụ Thỏa bồi hồi nhớ lại nghề nón lá Đan Du về với địa phương

 

Nhờ vào nghề chằm nón mà từ đó, người dân quanh vùng thêm nguồn thu nhập, rồi dần dần mở rộng ra thành làng nghề cho đến tận ngày nay. Nón Kỳ Thư nổi tiếng bởi độ bền đẹp, chắc chắn và những đường nét chằm nón tỉ mỉ mà ít có vùng nào có được.

Giá trị nghề nón từ sau cách mạng tháng 8 được phát huy và bảo tồn cho đến ngày nay là nhờ các “hạt nhân” như lao động nữ, người cao tuổi, trẻ nhỏ vì đây là nghề không cần nhiều sức khỏe, chỉ cần chăm chỉ cần mẫn, tỉ mỉ và khéo léo từ các khâu xâu chuỗi. Nên nghề nón lá là sự lựa chọn của các phụ nữ và người cao tuổi là phù hợp, nó cũng thu nhập tạm ổn để nuôi sống bản thân và gia đình hằng ngày.

Hoàn thiện một chiếc nón lá người dân phải tỉ mỉ từng khâu vào vành, xỏ lá...

 

Đang vót từng vành nón dưới cái nắng chói chang giữa buổi trưa, ông Võ Xuân Nam (trú tại thôn 4 Đan Trung) kể lại: “tôi là con trai của cụ Võ Điểm (người đã gây dựng nghề đan nón từ Quảng Bình về), đây là nghề mà bố tôi gây dựng và đưa về đây để phát triển nên đến giờ vợ chồng tôi vẫn luôn gìn giữ và cố gắng phát huy và nhân rộng hơn để đáp ơn công lao của bố. Tôi năm nay cũng gần 70 tuổi nhưng luôn dạy con cái cách vót từng vành nón, trướt lá, may, nức… để con cháu nó biết và lưu giữ làng nghề đan nón này”.

Nói về nghề đan nón ông Nam cho biết thêm, từ năm 1980-1990 do điều kiện khó khăn chung của cả nước nên nhân dân làm nghề nón lá được phát triển chiếm 80% hộ gia đình làm cả ngày lẫn đêm để kiếm sống. Còn giai đoạn sau này thì chủ yếu các lao động phụ đam mê, sưu tầm làm để giữ gìn và phát triển thôi.

 

Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Nam vẫn "giữ lửa" nghề nón lá bố mình gây dựng nên

 

Theo ông Nguyễn Văn Thành – Cán bộ công chức văn hóa xã Kỳ Thư, “Sản phẩm nón là kỳ Thư được mô tả qua nhiều bài ca, điệu ví và được lưu truyền, bán đi nhiều nơi để làm quà biếu, ngoài ra còn sử dụng trong các hội diễn văn nghệ như múa nón lá, các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Được biết, năm 2013 nón lá Kỳ Thư được tham gia triển lãm ở thủ đô Hà Nội và được du khách tham gia đánh giá cao về thương hiệu. Nghề nón lá hiện nay có 215 hộ đang theo nghề chiếm 20% tổng số hộ dân trong toàn xã.

Sản phẩm nón lá làng Đan Du vừa gắn liền với giá trị vật chất phục vụ đời sống hằng ngày, tuy vậy nó cũng mang ý nghĩa văn hóa tinh thần và tâm linh rất lớn lao. Các cụ ông bà lão luôn dành hết tâm huyết của mình cho ra sản phẩm mang đúng thương hiệu làng Đan Du vừa gọn, vừa đẹp lại rất chắc chắn khi sử dụng”, ông Thành cho biết thêm.

Quyết tâm giữ nghề

Để lưu giữ nghề truyền thống người dân trong xã Kỳ Thư đều tranh thủ đan nón lá vào lúc rỗi

 

Nghề nón lá Đan Du Kỳ Thư đã trở thành nghề truyền thống của nhân dân cho đến nay, nhiều dòng họ, nhiều gia đình liên tiếp các thế hệ đều làm nghề nón lá để phục vụ đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Quanh làng là những cánh đồng ruộng nứt nẻ, bỏ hoang do thời tiết nắng nóng kéo dài, chúng tôi phải nhờ đến sự giới thiệu của lãnh đạo UBND xã Kỳ Thư mới tìm đến những gia đình làm nón lành nghề của làng để được tận mắt chứng kiến. Nhìn những bàn tay thoăn thoắt luồn những đường chỉ gắn lá vào từng vành để tạo nên chiếc nón mới hiểu nghề làm nón không chỉ đòi hỏi sự cần cù kiên nhẫn mà còn phải mềm mại khéo léo đến nhường nào.

Là con dâu trong gia đình nhưng bà Nguyệt luôn giữ "hồn" vào nghề nón lá Đan Du

 

Dưới căn chòi lợp bằng tranh xập xệ, bà Nguyễn Thị Nguyệt SN 1955 (con dâu của cụ Võ Điểm-pv) đang chăm chút, miệt mài với từng đường chỉ để tạo ra chiếc nón cho đẹp – bà Nguyệt nói: “Người làm nón phải cẩn thận trong việc lựa chọn nguyên liệu, lá nón mua về làm mềm nhẹ rồi đưa ra phơi nắng, khi khô màu xanh của lá chuyển sang màu trắng bạc, đủ dẻo không bị giòn, không rách là được. Trước khi đưa lá vào khuôn lá phải được sấy bằng than và là phẳng qua một chiếc nồi ủi. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải rất cẩn thận, căn sao cho nhiệt độ vừa phải, đủ khô lá nhưng không bị cháy sém, hoặc bị sống do không đủ độ nóng, vành nón làm bằng tre cật vót nhỏ, đều trơn, tuyệt đối không được cong vênh”.

Dừng tay lướt nhẹ tay áo qua khuôn mặt đổ mồ hôi, bà Nguyệt nói thêm: Tôi là phận phụ nữ tay chân yếu ớt nên tôi lựa chọn nghề này cho phù hợp sức khỏe. Hơn nữa đây là cái nghề của bố chồng tôi lặn lội vào Quảng Bình học nghề rồi mới truyền lại cho con cháu và bà con lối xóm. Không riêng gì tôi mà các chị em và người lớn tuổi trong xã đều mặn mà để lưu giữ nghề, vì chúng tôi xem đây như một nghề truyền thống của cha ông truyền lại.

Xuất thân từ làng hát Ví, hát Đối các chị em ngồi đan nón cũng khơi dậy trong lòng phần hồn "hát ví Dặm"

 

Trong lúc làm nón lá, người dân nơi đây thường tập trung từng nhóm 5-7 người, họ vừa làm vừa hát đối đáp các điệu ví nổi tiếng mà O Nhẫn làng Đan Du ngày xưa truyền lại. Tại thôn 3 nơi có hàng dương rập bóng mát, chị Phan Thị Phượng SN 1965 đang ngồi làm nón lá cùng nhóm người cho biết: Các vật dùng để làm nên sản phẩm nón lá đặc trưng của làng Đan Du đều gắn liền với làng quê Việt Nam như cây tre, cây đùng đình, cây lá nón… nhựng lại cây này đều được khai thác tại địa phương như; cây tre được người dân trồng bên bờ khe suối, cây đùng đình và lá nón đều được người dân khai thác dọc dãy núi Hoành Sơn hùng vỹ, nơi đây có nguồn tài nguyên phong phú”.

Trên khuôn mặt đang đổ từng giọt mồ hôi, chị Nguyễn Thị Thu (SN 1976) miệng líu lo hát điệu ví, câu vè O Nhẫn. Tay thì đang đưa từng khấu kim luồn theo vành nón, rồi cứ lát từng phiến lá để cho ra thành phẩm “chiếc nón bài thơ”. Hỏi về thời gian để hoàn thiện một sản phẩm, nơi tiêu thụ và trị giá mỗi chiếc nón? chị Thu cho biết “thời gian để hoàn thành khoảng 3-4 giờ đồng hồ mới xong một sản phẩm, mỗi ngày làm khoảng 3-4 chiếc. Sản phẩm làm ra chừng nào đều được tiêu thụ tại chợ Điếm nằm trên xã này, chợ được tổ chức họp vào ngày chẵn âm lịch, sản phẩm được người mua đi biếu, các nơi tụ tập hát dân ca, người dân sản xuất nông nghiệp và các tiệc cưới hỏi…trị giá của mỗi chiếc nón nó lưu động từ 30-100 ngàn đồng tùy vào nón dày hay nón mỏng”.

Theo những người cao niên cho biết, để hoàn thiện một cái nón phải đúng theo quy trình là 16 vành nón, mỗi chiếc có 3 lớp lá nón, mỗi lớp có 30 lá, và hàng ngàn mũi khâu từ nghệ nhân mới hoàn thiện được chiếc nón ưng ý theo cách diễn giải của người làng Đan Du.

Ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch xã Kỳ Thư: Xu hướng thương mại hóa chỉ hướng tới mục tiêu lợi nhuận làm cho giá trị văn hóa sản phẩm nón lá truyền thống bị suy giảm. Vì vậy, trong thời gian qua chính quyền địa phương đã có những kế hoạch cụ thể như tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, đầu tư vốn để nhân dân mua nguyên liệu, dụng cụ để mở rộng sản xuất. Xã cũng xem đây như là một di sản vật thể để di truyền lại cho đời sau qua các nghệ nhân và những người cao tuổi đồng thời tạo ra sự liên kết cộng đồng, hợp tác tương trợ của người tiêu dùng đối với sản phẩm nón lá Đan Du.

Ông Nguyễn Lộc Hằng – Trưởng phòng văn hóa huyện Kỳ Anh: Nói về nghề nón lá làng Đan Du là một trong những nghề được lưu truyền từ bao đời nay, hiện trên địa phương vẫn đang lưu giữ được nét đẹp này. Tuy nhiên nó đang gặp phải nhiều khó khăn như, đầu ra, lưu truyền, phát triển nhân rộng, quy mô thành làng nghề HTX… Việc này huyện cũng đã phối hợp với xã đã và đang tìm phương án tốt nhất. Đến thời điểm này phòng văn hóa huyện Kỳ Anh đang dự định đưa làng nghề nón lá Đan Du vào điểm tham quan cho các thế hệ học sinh đồng thời phát triển theo khu du lịch trải nghiệm để nó phát triển rộng rãi hơn.

DOÃN ĐẠT

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh