THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:12

(Lương Sơn - Hòa Bình): Tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSLĐ tại các mỏ đá

 Mới đây vào đầu 11/2018,  một vụ tại nạn lao động liên quan đến lĩnh vực khai thác đá xảy ra tại mỏ đá của Công ty Cổ phần Khoáng sản Lương Sơn (mỏ đá số 5), vụ tai nạn xảy ra khi nạn nhân đang leo lên núi để bẩy đá và khoan nhồi thuốc nổ thì bỗng dưng đá rơi khiến nạn nhân trượt chân và tử vong. Được biết, vụ tử nạn xảy ra sau khi mỏ đá này vừa được phía Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình phê duyệt phương án thay đổi thiết kế mỏ theo phương pháp cắt tầng, nghĩa là đủ điều kiện khai thác an toàn.

Trước đó, vào ngày 16/3/2018 tại mỏ đã số 9, thuộc công ty TNHH MTV Thạch Kim, xã Cao Dương đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 02 người chết và 01 người bị thương.  Hai nạn nhân xấu số đó là anh Bùi Văn N. (53 tuổi, xóm Gò Cha 2, Yên Nghiệp, Lạc Sơn, Hòa Bình) và anh D. người dân tỉnh Ninh Bình.

Hoạt động động khai thác đá trên địa bàn huyện Lương Sơn (Hòa Bình) vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSLĐ

Đó chỉ là 2 trường hợp đơn cử liên quan đến ATLĐ tại các mỏ đá xảy ra trên địa bàn. Theo số liệu từ phòng Lao động – Thương binh – Xã hội huyện Lương Sơn, trong năm 2017 và 10 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn huyện đã xảy ra 15 vụ tai nạn lao động, làm chết 15 người. Mà nguyên nhân chủ yếu là do người sử dụng lao động, người lao động không thực hiện nghiêm những quy định về an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Mặt khác, do kỹ thuật và phương pháp khai thác mỏ của các doanh nghiệp hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các nguy cơ mất ATLĐ. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Khắc Yến - Phó phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Lương Sơn cho biết, thay vì khai thác theo phương pháp cắt tầng, tạo vỉa, bạt ta-luy và bóc lớp đất phủ bì, thì hầu hết các doanh nghiệp đều khai thác theo kiểu khoan nhồi nổ mìn vào mái sườn đồi để lấy đá. Việc khai thác đá này sẽ đỡ tốn kém chi phí cho doanh nghiệp hơn, vì không phải thực hiện việc bóc lớp đất phủ bì, bạt ta-luy, tạo vỉa. Cũng theo ông Yến, quy trình khai thác “bổ dọc” thay vì “cắt ngang” như hiện nay hoàn toàn không đúng với quy định khai thác đá. Điều này dẫn đến nguy cơ TNLĐ rất cao.

Thợ đá làm việc trong những điều kiện nguy hiểm

Chính vì vậy, ngày 26/1, Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình đã ra Thông báo số 584/TB-VP UBND, từ ngày 1/2/2018 tạm dừng khai thác theo giấy phép đã được cấp để các đơn vị thực hiện việc điều chỉnh, khắc phục các vi phạm đối với 45 doanh nghiệp đã có những vi phạm về: Chưa thực hiện theo thiết kế cơ sở, thiết kế mỏ, mất ATLĐ và chưa đảm bảo về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật và chỉ xem xét cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để làm đường lên mỏ thực hiện việc khai thác cắt tầng theo thiết kế mỏ cho 45 doanh nghiệp trên. Trong đó địa bàn huyện Lương Sơn có 33 đơn vị thuộc diện này, sau ngày 30/6/2018  mới chỉ có 8 doanh nghiệp hoàn thiện, khắc phục các vi phạm và được phép hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi vào ngày 15/11, tại các mỏ đá như mỏ đá số 5, số 7, số 9, mỏ đá Cao Dương….  Các điều kiện về ATVSLĐ vẫn chưa thực sự được chú trọng, hoạt động khai thác đá diễn ra cùng lúc, trong khi máy xay đá vẫn chạy ầm ầm, xe ô tô ra vào vận chuyển đá bụi bay mù mịt, thì một số công nhân vẫn đang hì hục khoan, đặt mìn để phá đá trên vách núi. Nguy hiểm hơn là việc trang bị bảo hộ lao động cho nhóm công nhân này gần như không có gì, ngoài vài sợi dây thừng.      

Mỏ đá số 5 nơi mới xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng

Chia sẻ về các nguyên nhân gây nên các tai nạn lao động khi khai thác đá, bà Phạm Thị Hà, Phó phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Lương Sơn cho biết: “Ngoài các yếu tố khách quan, nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp khai thác đá chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác bảo đảm ATLĐ. Người lao động làm việc tại các mỏ đá chủ yếu làm theo thời vụ, không ổn định, nên chưa được đào tạo bài bản và ý thức chấp hành các quy định về ATLĐ vẫn chưa cao”.

 Các quy định về bảo đảm ATLĐ trong khai thác mỏ rất chặt chẽ, nhưng thực tế các doanh nghiệp không tuân thủ đúng quy định, hoặc chỉ thực hiện được một phần. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát còn gặp nhiều khó khăn vì lực lượng mỏng. Mặc dù các Đoàn Thanh tra liên ngành đã trực tiếp đến tại công trường khai thác để kiểm tra, thế nhưng sau khi đoàn rời đi cũng khó để kiểm soát việc các đơn vị và bản thân người lao động có tuân thủ đầy đủ các điều kiện bảo đảm ATLĐ hay không, điều này đang gây ra nhiều nguy cơ về mất ATLĐ trong lĩnh vực khai thác đá ở địa phương.

TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh