THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:56

Nổ mìn khai thác đá, người dân 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai sống trong cảnh bất an.

 

Đã hơn 20 năm nay mỏ đá Tân Đông Hiệp (phường Tân Đông Hiệp, TX Dĩ An, tỉnh Bình Dương) tiếp giáp với xã Hóa An (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) nổ mìn khai thác đá, khiến hàng trăm hộ dân nơi đây phải hứng chịu những đợt rung chấn, nhà nứt, ô nhiễm môi trường, đường dân sinh bị phá nát...

Doanh nghiệp nổ mìn làm nứt hàng loạt nhà dân

Mỏ đá Tân Đông Hiệp (thuộc phường Tân Đông Hiệp, TX Dĩ An, tỉnh Bình Dương) tiếp giáp với xã Hóa An (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có tổng diện tích được cấp phép khai thác khoảng 45.000m2.

 

Các doanh nghiệp nổ mìn khai thác đá làm nứt hàng loạt nhà người dân sống gần mỏ đá.

 

Hiện, có 4 đơn vị đang hoạt động khai thác và chế biến đá gồm: Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB), Công ty Cổ phần Xây dựng Bình Dương, Công ty Cổ phần Trung Thành và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 3/2.

Suối thời gian qua các doanh nghiệp nổ nìn để khai thác đá, khiến người dân phải gánh chịu những đợt rung chấn do nổ mìn, từ hàng chục năm qua, người dân nơi đây đành “sống chung với tử thần”. Chị Dương Thị Phượng (SN 1965, người dân sống gần mỏ đá hơn 20 năm) cho biết: “Chúng tôi sống ở đây đến bữa ăn cũng không được trọn vẹn. Nhiều lần gia đình đang ngồi ăn cơm trưa thì trong mỏ đá nổ mìn làm cả nhà rung lên, mâm cơm bị đổ xuống đất, cả nhà từ trẻ tới già phải chui xuống gầm giường và chạy vào nhà tắm để trốn đến khi hết nổ mìn cả nhà mới dám bước ra.

Gần đây khai thác sâu xuống lòng đất vài chục mét nên đỡ hơn trước kia tý, chứ mấy năm trước nổ mìn đá còn văng ra cả khu dân cư, nhiều nhà gần mỏ đá bị thủng mái thường xuyên, nhà nào xây chắc đến mấy chỉ mấy lần rung lên vì các doanh nghiệp nổ mìn khai thác đá là đều bị nứt hết thôi”.

 

Tường nhà dân bị nứt sau những trận nổ mìn để khai thác mỏ đá


Theo người dân địa phương, mỗi lần nổ mìn, cả khu dân cư đều rung chấn mạnh, kèm theo đó là bụi mù mịt phủ lên các nóc nhà và người dân tìm cách trú ẩn dưới gầm giường, gầm tủ hoặc dưới khối bê tông kiên cố để tránh những trận “mưa đá” bất ngờ ập đến.

Anh Lê Văn Thủy (SN 1984, Ấp Cầu Hang, xã Hóa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai) Bức xúc: “Mỗi lần có bạn bè, người thân ở xa đến chơi 1 ngày là bỏ về hết thôi, mỗi lần nổ mìn là như động đất. Nhà tôi mới làm mà giờ tường nứt từ ngoài vào trong. Ngày nào đi làm về cả nền nhà phủ dày một lớp bụi đá, xi măng, gạch vữa từ trên tường, trần nhà rơi xuống. Không riêng nhà tôi mà nhiều năm qua bị hành hạ, hầu hết các ngôi nhà ở đây bị nứt tường, nguy cơ đổ sập nhà lúc nào không hay. Chúng tôi thường xuyên kiến nghị, yêu cầu các cấp và đơn vị nổ mìn khắc phục hậu quả nhưng đâu lại vào đấy”.

Người dân Hóa An sống bất an bên mỏ đá “tử thần”.

Không chỉ nhà dân bị rạn nứt, có nguy cơ sụp đổ mà hàng trăm hộ dân vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai luôn phải sống bất an bên mỏ đá “tử thần”.

 

Mỏ đá Tân Đông Hiệp hoạt động hon 20 năm qua gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân sống xung quanh.

 

Cô Đặng Thị Trang (SN 1959, nhà gần mỏ đá) Cho biết: “Từ khi mỏ đá đi vào hoạt động, việc nổ mìn, khai thác đá không chỉ làm ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh mà còn làm đảo lộn cuộc sống của gia đình chúng tôi. Ngoài việc phải sống chung với ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn thì nguy cơ tai nạn giao thông tại khu vực này cũng luôn rình rập khi mỗi ngày có hàng trăm chiếc xe tải nối đuôi nhau đi vào khu vực mỏ để vận chuyển đá ra ngoài, tuyến đường dân sinh bị xe tải băm nát, nắng thì bụi bay mù mịt, còn mùa mưa bùn đất lầy lội… chúng tôi sống ở đây chỉ biết khổ thôi”.

Không chỉ người dân phải gánh chịu ô nhiễm tiếng ồn cả ngày lẫn đêm, mà người dân nơi đây luôn sống trong môi trường bụi bặm, không khí ô nhiễm nặng nề, bệnh tật phát sinh vì hít bụi đá.

Đường dẫn vào khu dân cư sống quanh mỏ đá tất cả nhà cửa, xe cộ của người dân phủ một màu bạc phết của bụi đá. Chị Dương Thị Phượng (SN 1965, phó Ấp Cầu Hang) bức xúc: “Chúng tôi sống ở đây hít bụi năm này qua năm khác khiến nhiều người trong ấp bị bệnh nặng, khi đi khám bác sĩ bảo bị viêm phổi… chạy chữa khắp nơi nhưng không khỏi. Bệnh tật vì bị ảnh hưởng bởi môi trường sống bụi bặm, ô nhiễm trầm trọng, nhưng chúng tôi đâu có được bồi thường đồng nào từ doanh nghiệp đâu.”

 

 Đường dân sinh bị xe tải chở đá băm nát, trời nắng bụi bay um tùm, mùa mưa bùn sình lầy lội.

 

Vì quá bức xúc đầu năm 2017, người dân Ấp Cầu Hang (xã Hóa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai) cùng nhau làm đơn “cầu cứu” tất cả hộ dân cùng ký vào đơn, sau đó gửi lên chính quyền địa phương, nhưng gần 1 năm nay người dân vẫn chưa nhận được phản hồi gì.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Mai - Trưởng Ấp Cầu Hang cho hay: “Phía ấp đã nhận được đơn phản ánh của người dân về việc các doanh nghiệp nổ mìn gây ảnh hưởng cuộc sống của hộ lâu nay, sau đó tôi đã gửi lên Ủy ban xác nhận và đã trả lại cho người dân để họ làm việc với các doanh nghiệp để yêu cầu phía doanh nghiệp bồi thường thiệt hại cho những hộ bị ảnh hưởng”.

Trong khi đó, bà Đặng Thị Trang (người dân ở ẤP Cầu Hang, xã Hóa An) lại khẳng định rằng: “Tất cả người dân chúng tôi đã trực tiếp gửi đơn phản ánh lên ông Mai trưởng ấp, đến nay đã gần một năm nhưng chúng tôi chưa hề có ai nhận lại được đơn, hay trả lời gì từ phía chính quyền địa phương”.

Ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Hóa An cho biết: “Hiện nay phía chính quyền chưa nhận được đơn khiếu nại nào từ ấp chuyển lên. Vấn đề này cũng khó giải quyết vì mỏ đá Tân Đông Hiệp thuộc quản lý của Bình Dương, không nằm trong phạm vi quản lý của xã. Nếu người dân có phản ánh lên thì chúng tôi sẽ hướng dẫn họ trực tiếp làm đơn khiếu nại lên ban quản lí mỏ đá Tân Đông Hiệp để giải quyết”.

Theo tìm hiểu của PV báo Dân Sinh, mỏ đá Tân Đông Hiệp (phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) có từ năm 1993, đến nay đã hơn 20 năm gây ảnh hưởng đến môi trường sống của hơn 360 hộ dân ở vùng giáp ranh 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.  Từ khi hoạt động cho đến nay, cụm mỏ đá này được gia hạn thời gian và độ sâu khai thác 3 lần. Cụ thể, lần 1: Gia hạn thời gian khai thác từ năm 2010 đến năm 2013 và độ sâu đến cote - 80m; lần 2: Gia hạn từ năm 2013 đến năm 2015 và độ sâu đến cote - 100m; lần 3: Gia hạn từ năm 2015 đến năm 2017 và độ sâu đến cote - 120m, tháng 12/2017 giấy phép đã hết hạn khai thác.

PHA LÊ - XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh