Luật sư của ông Đinh La Thăng: Tinh thần ông Thăng ổn định
- Pháp luật
- 04:18 - 23/12/2017
Luật sư của ông Đinh La Thăng cho rằng tách 2 vụ án là bất lợi cho thân chủ
Tối nay (22/12) báo Dân Việt thông tin, luật sư Phan Trung Hoài – người bào chữa cho ông Đinh La Thăng đã nhận định việc ông Đinh La Thăng bị điều tra cùng một tội nhưng lại tách thành hai vụ án gây bất lợi cho thân chủ ông.
"Ông Đinh La Thăng bị cả 2 cơ quan CSĐT và ANĐT đồng thời tiến hành điều tra 2 hành vi liên quan đến tội danh "cố ý làm trái" khi ông Thăng đang làm Chủ tịch HĐQT của PVN giai đoạn từ 2009-2011. Tuy nhiên, hành vi của ông Thăng lại bị tách thành 2 vụ án được tiến hành độc lập là chưa thỏa đáng và gây bất lợi cho ông Đinh La Thăng" - Luật sư Hoài nhận định trên báo Dân Việt.
Cụ thể, ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị đề nghị truy tố trong 2 vụ án. Đầu tiên là vụ "cố ý làm trái", "lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản" với số thiệt hại được xác định là 800 tỷ đồng của PVN khi góp vốn vào OceanBank (OJB), được Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố ngày 31.8.2017.
Thứ hai là vụ án "Cố ý làm trái", "tham ô tài sản" xảy ra tại PVN do cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố ngày 15.9.2016 sau đó có quyết định khởi tố bổ sung, quyết định chuyển vụ án của Viện KSND Tối cao và quyết định tách vụ án số 26/ANĐT ngày 24.11.2017 tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) mà ông Thăng liên quan trách nhiệm trong trong dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình.
Báo Dân Việt cũng thông tin thêm, trước sự việc này, trong ngày hôm nay, luật sư Phan Trung Hoài đã gửi bản kiến nghị đến Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46) và Cơ quan An ninh điều tra (A92) Bộ Công an sau khi 2 cơ quan này hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Thăng cùng hành vi cố ý làm trái. "Đây cũng là ý kiến của ông Đinh La Thăng kiến nghị với cơ quan ANĐT trong buổi lấy cung ngày 21/12" - luật sư Hoài tiết lộ trên báo Dân Việt.
Được biết, cho đến nay, ngoài luật sư Phan Trung Hoài, hai luật sư Nguyễn Huy Thiệp, luật sư Đào Hữu Đăng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng sẽ tham gia bào chữa cho ông Đinh La Thăng...
Thông tin trên báo Dân Việt, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho biết, chiều qua (21.12) ông đã có buổi tiếp xúc đầu tiên với thân chủ của mình. "Sức khỏe của ông Đinh La Thăng vẫn bình thường. Ông Thăng tỏ ra bình tĩnh trình bày về những gì đã diễn ra. Ông chấp nhận với cuộc sống hiện tại, không có phàn nàn gì. Về tinh thần của ông tôi thấy cũng ổn định. Ông Thăng không nhờ luật sư nhắn nhủ gì về gia đình. Ông Thăng hiện đang bị tạm giam ở Trại tạm giam T16 Bộ Công an" - Luật sư Thiệp thông tin.
Về việc ông Thăng bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đối với tội danh này nhiều độc giả băn khoăn vì từ ngày 1/1/2018 khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực (thay thế Bộ luật năm 1999), tội này sẽ không còn. Vậy ông Thăng khi bị xét xử sẽ áp dụng luật nào?
Luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Luật sư TP HCM) giải thích trên báo điện tử Vnexpress.net: Dù tội "cố ý làm trái" không còn nhưng ông Thăng vẫn bị truy tố, xét xử về tội này. Bởi Nghị quyết 41/2017 của Quốc hội hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự 2 nêu rõ: Với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định (Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999), xảy ra trước 0h00' ngày 1/1/2018 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử lý.
Trường hợp vụ án đã được xét xử và đã có bản án, quyết định của tòa án thì không được căn cứ vào việc Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để kháng cáo, kháng nghị theo hướng không phạm tội.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành án về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã chấp hành xong bản án thì vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự có hiệu lực trước 0h00' ngày 1/1/2018 để giải quyết.
Nếu sau thời điểm trên, người phạm tội mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng mà áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội danh tương ứng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.