THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:14

Luật Hộ tịch: Góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân

Ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Sáng ngày 18/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật Hộ tịch. Hội nghị được sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) hợp tác với tổ chức Vital Strategies thông qua “Sáng kiến dữ liệu cho sức khỏe” nhằm cải thiện hệ thống CRVS của Việt Nam.

Luật Hộ tịch năm 2014 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Luật Hộ tịch gồm 77 điều, 07 chương, quy định về hộ tịch; quyền, nghĩa vụ, nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch; Cơ sở dữ liệu hộ tịch và quản lý nhà nước về hộ tịch. Kể từ khi Luật ra đời, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền, nghĩa vụ về đăng ký hộ tịch. Ngoài ra, Chính phủ cũng bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, nhân lực, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác đăng ký và quản lý hộ tịch.

Hội nghị đã điểm lại những kết quả đáng khích lệ đạt được kể từ khi Luật được ban hành và áp dụng vào cuộc sống. Đó là: việc hoàn thiện một cách đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hộ tịch; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024; củng cố, kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch, đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch từ Trung ương đến địa phương; triển khai xây dựng, đưa Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung áp dụng thống nhất trên toàn quốc, bước đầu hình thành Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; thực hiện kết nối cấp số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực hộ tịch cả về trình tự, thủ tục, phương thức đăng ký hộ tịch... Hội nghị cũng ghi nhận sự nỗ lực, trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành nhằm nâng cao nhận thức của người dân về quyền, trách nhiệm đăng ký hộ tịch, nâng cao tỷ lệ đăng ký các sự kiện hộ tịch, bảo đảm việc đăng ký đầy đủ, kịp thời, chính xác và đúng quy định pháp luật.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Hiện nay, người dân có thể đăng ký hộ tịch theo các phương thức thuận lợi nhất. Họ có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch, gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính, hoặc nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh (nay là Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh). Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết: Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với cốt lõi là Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung đã kết nối với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên đối với các thủ tục đăng ký hộ tịch, trong đó có 03 dịch vụ công thiết yếu là: thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử. Đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã triển khai thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến, giúp đồng bộ, thống nhất dữ liệu, giảm thời gian tác nghiệp cho công chức làm công tác hộ tịch.

Bà Naomi Kitahara Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam: "Việc thực thi Luật Hộ tịch và thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch (ĐK & TKHT) giai đoạn 2017-2024 đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa ĐK & TKHT, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết “xây dựng một tương lai bền vững hơn với hệ thống đăng ký, thống kê hộ tịch toàn diện” như trong tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng lần thứ hai về ĐK & TKHT khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tổ chức tại Bangkok vào năm ngoái.

Hệ thống ĐK & TKHT tại Việt Nam vận hành tốt giúp đảm bảo các quyền và lợi ích của người dân trong đó có y tế và giáo dục. Cơ chế đăng ký hộ tịch tinh gọn xuyên suốt vòng đời là rất quan trọng vì nó đảm bảo rằng các sự kiện sinh, kết hôn, tử và các sự kiện hộ tịch khác đều được đăng ký và ghi nhận bởi các cơ quan pháp luật có thẩm quyền. Công dân với các giấy tờ hộ tịch có thể tiếp cận các dịch vụ công như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, việc làm, bảo trợ xã hội và các dịch vụ khác. Đăng ký hộ tịch cũng đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ, tạo nên khuôn khổ giải quyết bất bình đẳng giới.

Hơn nữa, số liệu thống kê hộ tịch chính xác và đầy đủ - trích từ hồ sơ đăng ký hộ tịch - đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng các chính sách quốc gia và địa phương, cũng như trong việc đo lường các kết quả phát triển, đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau. Ví dụ, số liệu thống kê kịp thời được phân tổ theo nguyên nhân tử vong và các đặc trưng nhân khẩu học là những thông tin quan trọng trong việc thiết kế, thực hiện và giám sát các chính sách y tế công cộng, cũng như để phát hiện những vấn đề mới nổi liên quan đến sức khỏe, ví dụ như đại dịch COVID-19. Thống kê hộ tịch cũng rất cần thiết cho lập kế hoạch, giám sát và đánh giá các chương trình về chăm sóc sức khỏe ban đầu, an sinh xã hội, kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, dinh dưỡng, giáo dục và nhà ở".

 

Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã nâng cao chất lượng công tác đăng ký, thống kê hộ tịch (Civil Registration and Vital Statistics - CRVS), thúc đẩy đăng ký hộ tịch trực tuyến, đồng thời đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình thực hiện trực tuyến tất cả các dịch vụ công trong lĩnh vực hộ tịch. Đồng thời, từ năm 2019 đến nay, thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện liên thông 02 nhóm TTHC: Đăng ký khai sinh - cấp Thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi hoàn toàn trên môi trường điện tử tại tất cả các địa phương trên toàn quốc, rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục cấp Thẻ bảo hiểm y tế, góp phần triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Tính đến ngày 12/12/2022, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã ghi nhận có tổng số hơn 58,1 triệu dữ liệu hộ tịch các loại, gồm trên 36,3 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 8,1 triệu trường hợp trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trên 4,3 triệu trường hợp đăng ký khai sinh được chuyển sang cơ quan bảo hiểm xã hội để cấp Thẻ bảo hiểm y tế; trên 8 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; 6 triệu dữ liệu đăng ký khai tử và trên 7,8 triệu dữ liệu đăng ký các sự kiện hộ tịch khác.

Lãnh đạo Bộ Tư pháp trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân.

Lãnh đạo Bộ Tư pháp trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân.

Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật Hộ tịch cho thấy còn có những tồn tại mà Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành liên quan và UBND các cấp cần nỗ lực ưu tiên giải quyết trong thời gian tới như: việc triển khai xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực; đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch còn thiếu ổn định, thường xuyên phải kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng bổ sung; tỷ lệ đăng ký khai tử còn thấp; tính kịp thời và đầy đủ khi đăng ký các sự kiện hộ tịch cần phải được cải thiện. Để tháo gỡ được những khó khăn này, Bộ Tư pháp cần củng cố, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp có liên quan, đồng thời đề xuất các cấp chính quyền tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch, đặc biệt ở cấp huyện và cấp xã. Bên cạnh đó, cần đảm bảo phân bổ ngân sách phù hợp cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch từ Trung ương đến địa phương.

Với chủ đề xuyên suốt:“Tăng cường đăng ký, thống kê hộ tịch nhằm thúc đẩy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân vì mục tiêu phát triển bền vững”, Hội nghị tổng kết 06 năm thi hành Luật Hộ tịch là sự kiện nổi bật, tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của công tác đăng ký, thống kê hộ tịch, góp phần hướng đến tầm nhìn chung được tuyên bố tại Hội nghị Bộ trưởng về đăng ký, thống kê hộ tịch vào năm 2014 với khẩu hiệu “Get everyone in the picture” (Tạm dịch là “Để mọi người có mặt trong ảnh”) và tiếp tục được khẳng định tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ hai vào năm 2021, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tìm hiểu các chính sách pháp luật liên quan đến Luật Hộ tịch.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tìm hiểu các chính sách pháp luật liên quan đến Luật Hộ tịch.

Hội nghị này được sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) hợp tác với tổ chức Vital Strategies thông qua “Sáng kiến dữ liệu cho sức khỏe” nhằm cải thiện hệ thống CRVS của Việt Nam. Các hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp Bộ Tư pháp cải thiện quy trình nghiệp vụ về CRVS, thí điểm mô hình đăng ký khai sinh và khai tử trên môi trường điện tử, rà soát và đề xuất tăng cường hơn nữa khung pháp lý CRVS, và cải thiện sự hợp tác giữa các Bộ, ngành liên quan trong việc chia sẻ dữ liệu CRVS phục vụ cho công tác hoạch định chính sách.

Đăng ký hộ tịch có vai trò quan trọng, thiết yếu đối với mọi người dân vì công tác này bảo đảm các sự kiện sinh, tử, kết hôn và các sự kiện hộ tịch khác được đăng ký và ghi nhận bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, góp phần xác định “định danh pháp lý” vì mục tiêu phát triển bền vững. Người dân được cấp các giấy tờ hộ tịch, nhất là Giấy khai sinh – giấy tờ hộ tịch gốc đầu tiên và quan trọng nhất, có thể tiếp cận các dịch vụ công do Nhà nước cung cấp như giáo dục, y tế, việc làm, bảo trợ xã hội và các dịch vụ khác. Đồng thời, thống kê hộ tịch cũng cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách các dữ liệu hộ tịch, dân cư quan trọng, là cơ sở để lập kế hoạch, giám sát và đánh giá các chương trình về chăm sóc sức khỏe ban đầu, an sinh xã hội, kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, dinh dưỡng, giáo dục, nhà ở công cộng và các chính sách quản lý nhà nước về dân cư.

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh