THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:12

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Mở rộng độ bao phủ, bổ sung nhiều đối tượng

Bổ sung nhiều đối tượng

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 thay thế Luật BHXH số 71/2006/QH11 với những điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi đã thực sự đi vào cuộc sống. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHXH đã được Chính phủ và các bộ, ngành liên quan ban hành cơ bản đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực thi chính sách, chế độ BHXH, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật BHXH bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nên việc đề xuất sửa đổi Luật BHXH là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Mở rộng độ bao phủ, bổ sung nhiều đối tượng - Ảnh 1.

Đề xuất sửa đổi Luật BHXH là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Ảnh minh họa

Trong dự thảo sửa đổi lần này, Bộ LĐ-TB&XH tập trung nhiều định hướng chính, qua đó khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách về BHXH hiện nay. Trong đó, bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng có điều kiện và khả năng như chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương... Quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc không trọn thời gian; bổ sung quy định việc tham gia BHXH bắt buộc đối với trường hợp công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động.

Điều chỉnh quy định điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng có lộ trình tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp, trừ trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà có nhu cầu nhận một lần hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận BHXH một lần thì mức hưởng thấp hơn.

Nghiên cứu bổ sung các quyền lợi ngắn hạn (trước mắt), tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Hoàn thiện các chế độ BHXH hiện hành

Lần này, dự thảo sửa đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu đối với NLĐ được tính theo mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người đó và tiền lương tháng đóng BHXH trung bình của tất cả mọi người tham gia BHXH.

Về chế độ hưu trí, dự thảo quy định công thức tính lương hưu phù hợp hơn với sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí. Trong lần sửa này, Bộ LĐ-TĐ&XH cũng đề nghị bổ sung quy định tính tháng lẻ giai đoạn trước 2014 để tính hưởng BHXH một lần theo hướng: Nếu thời gian đóng trước ngày 1/1/2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng BHXH từ ngày 1/1/2014 trở đi.

Dự thảo cũng bổ sung quy định việc điều chỉnh lương hưu có quan tâm đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu; sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí, quy định về tuổi nghỉ hưu...

Quy định chi tiết hơn về chế độ ốm đau: Bộ phận soạn thảo đã đề nghị bổ sung quy định chi tiết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đối với NLĐ nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày. Đồng thời, nhiều điểm mới được nêu ra như: Sửa đổi quy định dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau "bằng 5 ngày đối với các trường hợp khác" thành "Tối đa bằng 5 ngày đối với các trường hợp khác" tại Điểm c Khoản 2 Điều 29.

Bổ sung trường hợp hưởng trong chế độ thai sản: Dự thảo sửa đổi quy định đi làm trước khi hết thời hạn hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp sau khi sinh con mà con chết theo hướng không cần điều kiện đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 4 tháng như đối với các trường hợp sinh con bình thường…

Ban soạn thảo cũng đề nghị bổ sung 3 nội dung liên quan tới chế độ thai sản: Có chế độ khi NLĐ tự nguyện có yêu cầu phá thai (không phải phá thai bệnh lý), quy định đối với trường hợp đang hưởng chế độ thai sản khi nhận nuôi con nuôi, đồng thời đề nghị hưởng chế độ thai sản khi sinh con, quy định cụ thể chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản.

Làm rõ nhiều quy định về chế độ tử tuất: Dự thảo cũng bổ sung quy định tuổi của thân nhân hưởng trợ cấp tuất hằng tháng phù hợp với quy định tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động. Đồng thời, Ban soạn thảo cũng đề xuất có thêm các quy định cách xác định tuổi của thân nhân để làm căn cứ giải quyết chế độ tử tuất (chưa đủ 18 tuổi, dưới 6 tuổi...), quy định cách xác định thu nhập để làm căn cứ giải quyết chế độ tử tuất theo hướng việc xác định mức thu nhập của thân nhân NLĐ để làm căn cứ giải quyết trợ cấp tuất hàng tháng được xác định tại tháng NLĐ chết.

Liên quan tới thời gian hưởng trợ cấp tuất, dự thảo cũng bổ sung quy định tính tháng lẻ giai đoạn trước 2014 để tính hưởng trợ cấp tuất một lần theo hướng: Nếu thời gian đóng trước ngày 1/1/2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng BHXH từ ngày 1/1/2014 trở đi.

Minh Vũ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh