THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:29

Luật An ninh mạng xử lý nghiêm đối tượng mạo danh người nổi tiếng nhằm trục lợi

 

Một trong những thủ đoạn lừa đảo phổ biến là tạo trang Facebook giả danh người nổi tiếng với hình ảnh của người đó, sao chép nguyên văn các thông tin người đó đã đăng tải từ Facebook thật.

Khi có lượng người theo dõi nhất định, đối tượng giả danh sẽ thông báo tặng tiền hoặc quà tặng có giá trị cho những người hâm mộ, song họ phải like, chia sẻ và bình luận các bài viết, thậm chí họ phải chia sẻ các thông tin cá nhân như ngày sinh, số thẻ tín dụng… Những thông tin này có thể bị kẻ xấu bán lại cho công ty quảng cáo hoặc sử dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo khác.

 

Luật An ninh mạng quy định xử lý đối tượng mạo danh người khác trên mạng xã hội


Ngoài ra, có đối tượng còn mạo danh người nổi tiếng là kêu gọi quyên góp từ thiện nhằm đánh vào lòng tốt của người dùng. Mặt khác, tên gọi và khuôn mặt của người nổi tiếng còn được coi như thương hiệu có thể bị lợi dụng để quảng bá cho sản phẩm hoặc dịch vụ nhằm tạo sự thu hút đối với người dùng.

"Tuy vậy, từ tháng 1/2019, hành vi mạo danh, sử dụng hình ảnh của người khác mà không xin phép, gây ảnh hưởng đến uy tín, tổn thất lớn cho người đó tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm và hậu quả do hành vi đó gây ra, người vi phạm có thể bị xử lý theo luật dân sự, hình sự và Luật An ninh mạng" - Luật sư Nguyễn Tiến Hoà - Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, theo BLDS 2015, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Do vậy, nếu người khác sử dụng hình ảnh của họ phải được họ đồng ý. Bộ luật này cũng nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâmphạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. 

Điều 32 Bộ luật này nêu rõ, việc sử dụng hình ảnh của người khác không phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, hoặc sử dụng hình ảnh từ các hoạt động công cộng mà không được người đó đồng ý, cho phép là vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh.

Người có hình ảnh bị người khác sử dụng khi chưa xin phép có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Còn theo Điều 8 của Luật An ninh mạng, người nào làm nhục, vu khống cũng như xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác trên mạng; thông tin sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì sẽ bị xử lý. Luật này cũng nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, theo Khoản 3 Điều 16 luật An ninh mạng, thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm: xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức. Tổ chức, cá nhân soạn thảo, đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung trên phải gỡ bỏ thông tin khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Điều 9 Luật An ninh mạng cũng nêu rõ, người có hành vi vi phạm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu  trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Như vậy, từ tháng 1/2019, việc sử dụng hình ảnh của người khác mà không xin phép, gây ảnh hưởng đến uy tín, tổn thất lớn cho người đó thì không những bị xử lý theo pháp luật dân sự, hình sự mà còn bị xử lý theo Luật An ninh mạng. Cá nhân nếu thấy người khác mạo danh xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của mình trên mạng xã hội có thể làm đơn tố giác lên cơ quan công an, đề nghị xem xét khởi tố về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS 2015 - Luật sư Nguyễn Tiến Hòa khuyến cáo.

Theo ANTĐ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh