THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:34

Nhân tài là một vấn đề quan trọng đặc biệt trong bối cảnh cách mạng 4.0

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo đối thoại tại diễn đàn

 

Cơ hội và tiềm năng phát triển còn rất lớn

Trong phiên buổi sáng 13/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì “Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0”, với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Khẳng định Đảng, Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng nêu rõ, đây là cơ hội tốt để Việt Nam đảo chiều về đầu tư, thương mại, dịch vụ, giáo dục đào tạo khi CMCN 4.0 áp dụng ở Việt Nam. Sự đảo chiều trong tư duy và hành động rất quan trọng, chứ không phải thói quen sản xuất theo truyền thống lạc hậu.

Tại phiên đối thoại, các diễn giả từ Chính phủ, bộ, ngành cũng như chuyên gia quốc tế đã trả lời các câu hỏi từ các đại biểu, đồng thời, lãnh đạo các doanh nghiệp đề xuất một số chính sách và kế hoạch triển khai các chương trình hành động trong thời gian tới để Việt Nam chủ động tham gia, bắt kịp xu hướng công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đẩy nhanh ứng dụng CMCN 4.0 nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.

Phiên đối thoại diễn ra hết sức thẳng thắn, sôi nổi và hiệu quả, qua đó, các bên liên quan tiếp tục nhận diện và càng khẳng định rõ hơn về nhiều vấn đề mang tính cốt lõi, xu hướng của cuộc CMCN 4.0.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng cho rằng không phải từ bây giờ mà trong quá trình áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới và chuyển giao khoa học công nghiệp, Việt Nam đã chủ động triển khai, chuyển giao, ứng dụng và nghiên cứu phát triển công nghệ. Các công nghệ mới của công nghiệp 4.0 đã phát huy tác dụng ở Việt Nam và mang lại những đóng góp rất cụ thể và tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội.

“Nhưng chúng tôi hiểu rằng những kết quả mới chỉ là bước đầu, cơ hội và tiềm năng phát triển còn rất lớn”, Thủ tướng nói. Việc tiếp cận với công nghiệp 4.0 ở Việt Nam chưa bắt kịp với xu thế, bản chất của công nghiệp mới mẻ này. Do đó, chúng ta cần có các giải pháp tổ chức triển khai nhanh, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng triển lãm

 

Để chủ động khai thác những cơ hội do cuộc CMCN 4.0 mang lại cũng như hạn chế những tác động không mong muốn, Chính phủ Việt Nam rất quyết tâm xây dựng các định hướng lâu dài và chính sách cụ thể. Bên cạnh sự nỗ lực của chính mình, Việt Nam mong muốn hợp tác với các đối tác phát triển, các doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế trong bối cảnh khoa học, công nghệ tiến bộ vượt bậc, lan tỏa nhanh chóng khi mà tiến trình mở cửa hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu rộng.

Thủ tướng cho biết Chính phủ, các bộ, ngành sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về CMCN 4.0, một nghị quyết khoa học, sát thực tiễn của Việt Nam và gắn CMCN 4.0 với Chiến lược phát triển quốc gia Việt Nam; sẽ xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 với sự tham gia của các bộ, ngành, chuyên gia, tổ chức quốc tế với tốc độ cao và dự kiến cuối năm nay sẽ xây dựng Chiến lược quốc gia để thực hiện Nghị quyết này.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, phát triển nhanh nguồn nhân lực, thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông. Nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường giáo dục kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi, chuyển đổi nghề nghiệp với những yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, việc khai thác đúng đắn và kịp thời những cơ hội của CMCN 4.0 là thách thức chung của các quốc gia, nhưng đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, thách thức đó càng lớn.

Cách mạng công nghiệp mới một mặt mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu; tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững hơn và cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; mang lại tiềm năng cho các nước đang phát triển có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hóa bằng cách đi tắt, đón đầu, phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại một gian hàng trưng bày công nghệ 4.0

 

Lực lượng lao động trẻ vận dụng tốt công nghệ vào sản xuất

Chiều cùng ngày, diễn ra hội thảo chuyên đề "Những xu hướng lớn của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 - nhận diện và khuyến khích đối với Việt Nam" với sự tham dự của 300 đại biểu đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương, các viện nghiên cứu và tổ chức trong nước, quốc tế. 

Bên cạnh cơ hội CMCN 4.0 mang lại, các chuyên gia cũng quan ngại, nếu không có cách tiếp cận đúng và bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, tình trạng dư thừa lao động kỹ năng thấp và sự bất bình đẳng trong xã hội. Bên cạnh đó, sự liên kết và gắn kết trong thời đại CMCN 4.0 dẫn tới vấn đề biên giới mềm, quyền lực mềm, vấn đề an ninh không gian mạng và an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia, từ đó đòi hỏi cần có sự ứng phó chủ động và kiểm soát tốt để bảo đảm chủ quyền và an ninh cho người dân và đất nước.

Nhận diện tác động của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư và những khuyến nghị đối với Việt Nam, Tiến sỹ Lucy Cameron, chuyên gia tư vấn nghiên cứu cao cấp (Data 61, CSIRo Australia) cho rằng, Việt Nam đang đứng trước hàng loạt cơ hội phát triển cũng như những thách thức do những xu hướng chính từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng tới không chỉ nền kinh tế trong nước mà cả khu vực và trên thế giới.

Một số thách thức có thể kể đến như: Yêu cầu tăng năng suất lao động mà không làm ảnh hưởng tới tỷ lệ thất nghiệp, chiến lược để thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo cung ứng năng lượng và cơ sở hạ tầng cho phát triển. 

Tiến sỹ Lucy Cameron nhấn mạnh, Việt Nam cần tận dụng các cơ hội phát triển hiện nay như: Lợi thế từ vị trí địa lý chiến lược, nằm trong trung tâm phát triển kinh tế của thế giới; phát huy các ngành kinh tế tiềm năng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và sáng tạo; tăng cường lợi thế cùng với sự bùng nổ của thị trường du lịch khu vực Đông Nam Á. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ở giữa) cùng các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước cắt băng khai mạng diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0.

 

Bàn về kinh nghiệm quốc tế trong triển khai công nghiệp 4.0, ông Jonathan Ng, Tổng Giám đốc Trung tâm Năng lực số (DCC), McKinsey & Co Singapore đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đang có những chính sách rất mạnh mẽ trong triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Việt Nam có lực lượng lao động trẻ hiểu biết về công nghệ số, có khả năng vận dụng công nghệ số vào sản xuất. Tuy nhiên khi khảo sát về vấn đề vận dụng Cách mạng 4.0 vào sản xuất thì chỉ có khoảng 50% số doanh nghiệp đã có lộ trình vận dụng; trong đó có khoảng 13% số doanh nghiệp đã thực sự triển khai cuộc Cách mạng. Đây thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt nhưng cũng là thách thức không nhỏ cho họ. 

Ông Jonathan Ng cho rằng, các doanh nghiệp Việt cần xác định chiến lược kinh doanh rõ ràng. Bên cạnh đó, nhân tài là một vấn đề quan trọng đặc biệt trong bối cảnh cách mạng 4.0.

Chính nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ đưa ra những sáng kiến về số hóa giúp phát triển doanh nghiệp. Để phát triển nguồn nhân lực này cần có sự hợp tác chung tay của các trung tâm nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan chính phủ, học viện, các doanh nghiệp, start up... 

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh